| Hotline: 0983.970.780

Khúc hát giữa biên cương Y Tý

Thứ Tư 01/06/2022 , 07:01 (GMT+7)

Lần đầu tiên những người nông dân đứng trên sân khấu lớn, giữa khu chợ trung tâm Y Tý, để hát những bài ca với chủ đề biên giới là quê hương.

Những cô gái Hà Nhì chuẩn bị trang phục cho buổi biểu diễn. Ảnh: H.K.

Những cô gái Hà Nhì chuẩn bị trang phục cho buổi biểu diễn. Ảnh: H.K.

Hát ở giữa chợ biên giới

Chợ Y Tý đã tồn tại từ hàng trăm năm nay nhưng không ai rõ khu chợ này đã được hình thành như thế nào. Theo các cụ cao niên ở Y Tý, trong chợ có một hòn đá lớn, từ xưa người dân ở những thôn bản cận kề, tới ngày chợ phiên, đã hẹn nhau đến đây để trao đổi hàng hóa. Vậy là hòn đá được xem như một cái cột mốc hình thành cái chợ từ đó.

Kể cả cho đến khi chợ mới được đầu tư, xây sửa lại người ta cũng không phá bỏ hòn đá này để lấy mặt bằng. Cứ như thế cho đến nay, hòn đá vẫn đứng đó, giữa khu chợ trung tâm nhưng lại rất hợp với khung cảnh xung quanh chứ không “chướng mắt”.

Cùng với những sản vật địa phương, bà con mang xuống chợ vô số những loại rau rừng mà chỉ có ở Y Tý, không mua lần này lần sau khó mà có cơ hội. Ở đây, người bán thật thà bởi họ là những người đồng bào thiểu số chân chất. Ở nhà có mớ rau, có con gà, con lợn... thì mang ra chợ, không bán được thì lại mang về.

Thế nhưng, không khí chợ cuối tuần này khác hẳn, náo nhiệt hơn với sự xuất hiện của những sắc màu trên những bộ thổ cẩm được thêu tay cầu kỳ; những cô gái, chàng trai có nụ cười tươi, mắt bừng sáng như nắng sớm mai.

Họ đến để dự liên hoan nghệ thuật quần chúng 26 xã, phường, thị trấn biên giới của tỉnh Lào Cai lần đầu tiên được tổ chức. Điều đặc biệt của liên hoan nghệ thuật này là sân khấu không cầu kỳ, không tổ chức trong hội trường với ánh đèn sân khấu sáng chói, rực rỡ mà được tổ chức ngay giữa chợ Y Tý của xã biên giới Y Tý, nơi xa nhất của huyện Bát Xát (Lào Cai).

“Việc liên hoan nghệ thuật diễn ra ở không gian bên ngoài, không gian mở sẽ thu hút được nhân dân đến xem, cổ vũ, giao lưu… thay vì phương án tổ chức trong nhà văn hóa, không gian khép kín, nhiều khi bà con e ngại, không dám vào xem. Một mặt, việc tổ chức nhằm mục đích quảng bá du lịch cho mảnh đất biên cương Y Tý song cũng do số lượng diễn viên đông đảo và ở không gian mở sẽ giúp kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Sau năm nay, liên hoan sẽ được tổ chức thường niên ở các huyện, thành phố biên giới”, bà Sùng Hồng Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát nói.

Không ngại đường sá, vượt cả trăm cây số, 20 đoàn tham dự, với gần 400 diễn viên đến từ Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng… có mặt sớm ở vùng cao Y Tý. Sâu khấu ở chợ khiến không khí của liên hoan nghệ thuật vừa thân quen, gần gũi, lạ nhưng hết sức thú vị.

Một tiết mục văn nghệ được bà con trong chợ Y Tý cổ vũ nhiệt tình. Ảnh: H.K.

Một tiết mục văn nghệ được bà con trong chợ Y Tý cổ vũ nhiệt tình. Ảnh: H.K.

Sáng lên nương cuốc đất, tối đi diễn văn nghệ

Các đội văn nghệ, không chỉ riêng của Bát Xát mà các huyện biên giới khác của tỉnh Lào Cai, các nghệ sĩ tham gia cũng đều là quần chúng, nhân dân, nông dân, công chức… không phải ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp.

Hầu A Nhênh, người Mông ở thôn Ngải Chồ (xã Y Tý) cùng đội của xã biểu diễn “Bát xát vui trong ngày hội”, cả hát và múa. Tiết mục đoạt giải A.

Gia đình Hầu A Nhênh sống phụ thuộc vào canh tác cây ngô, cây lúa… Mỗi năm, gia đình Nhênh thu được 60 - 70 bao thóc, 20 - 30 bao ngô. Không phải là ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp nhưng say mê ca hát, nên ngoài lúc đi làm, lên nương, nhóm của Hầu A Nhênh biểu diễn cho các đoàn khách lên Y Tý du lịch. Mỗi buổi diễn, cả nhóm được khoảng 1,5 triệu đồng, chia cho 8 người.

“So với mặt bằng chung là thấp vì bọn em đi biểu diễn 5 - 6 bài và giao lưu mời rượu, hướng dẫn khách ném pao, tạo không khí vui vẻ… nên cũng gần như hết buổi tối“, Hầu A Nhênh nói.

Trước đó, cả nhóm phải dành thời gian luyện tập trong nhiều ngày, đầu tư công sức để có được những tiết mục ưng ý.

“Sau khi làm ruộng, làm đồng về thì cùng các bạn trong đội văn nghệ lên nhà văn hóa của thôn Ngải Chồ tự luyện tập cùng nhau. Một vài bài thì được các anh chị ở trung tâm văn hóa huyện dạy, một số thì cùng các bạn nghiên cứu rồi tự học hỏi họ biểu diễn trên YouTube, trên Facebook rồi góp ý, thảo luận để có bài riêng của đội”, Hầu A Nhênh nói.

Trong đội văn nghệ có những dân tộc khác nhau mà mỗi dân tộc lại có một điệu múa, lời ca khác nhau. Thế nhưng, họ vẫn có thể ngồi lại để đưa ra một tiết mục để có thể biểu diễn chung.

Đội diễn chụp ảnh lưu niệm bên hòn đá giữa chợ Y Tý. Ảnh: H.K.

Đội diễn chụp ảnh lưu niệm bên hòn đá giữa chợ Y Tý. Ảnh: H.K.

“Các bạn Hà Nhì cũng có một nhóm trưởng là nữ. Trước khi chọn tiết mục, 2 nhóm trưởng gọi điện trao đổi và hẹn mọi người đến một địa điểm nào đó cùng ngồi lại với nhau để thống nhất múa, hát thế nào cho phù hợp với cả 2 dân tộc đều tham gia được”, Hầu A Nhênh cho biết.

Ly Xá Gơ, người Hà Nhì ở thôn Choản Thèn (xã Y Tý), cũng chẳng giấu được niềm vui trước giải A của cả đội văn nghệ Y Tý - A Lù. Đó là nguồn động viên lớn đối với một cô gái như Gơ khi việc biểu diễn cho du khách chỉ là… công việc phụ lúc nông nhàn.

“Trước khi nghe tin được dự liên hoan văn nghệ, lo ngại nhất là thời tiết ở Y Tý mưa to, sương mù không đi ra ngoài được. Rất may trong suốt một tuần luyện tập cho chương trình, thời tiết sau đó lại ủng hộ. Mùa này đang mùa cấy ở Y Tý nên ban ngày em đi làm, buổi tối đi tập luyện nhưng cũng phải bỏ dở công việc nhà, may mắn đạt được giải cao trong liên hoan và đây là món quà cũng là phần thưởng khích lệ cho đội văn nghệ Y Tý - A Lù", Ly Xá Gơ nói.

Một góc thôn Choản Thèn của xã Y Tý. Ảnh: H.Đ.

Một góc thôn Choản Thèn của xã Y Tý. Ảnh: H.Đ.

Còn nhiều điều chưa khám phá hết

5 năm trở lại đây, Y Tý đang có những thay đổi mạnh mẽ, nhất là khi được quy hoạch phát triển du lịch. Nhận thức của người dân cũng như cuộc sống thường ngày của họ thay đổi ngày một tốt hơn lên.

Ở Y Tý, ngoài câu cầu Thiên Sinh, du khách có thể ngắm hoàng hôn ở thôn cổ Choản Thèn, tham quan rừng già; ngắm ruộng bậc thang tại thung lũng Thề Pả, chinh phục đỉnh Lảo Thẩn…

Song không vì thế Y Tý mất đi sự hấp dẫn đối với du khách. Khi lên thiên đường mây này, du khách có dịp thưởng thức các món ăn dân dã của người bản địa và trải nghiệm văn hóa của đồng bào thiểu số ở vùng cao Tây Bắc; thăm trong những ngôi nhà tường trình bằng đất trăm năm tuổi ở Lao Chải. Cho đến nay, các thế hệ của những gia đình người Hà Nhì vẫn sử dụng những ngôi nhà này để ở, sinh hoạt hàng ngày.

Ly Xá Xuy, người Hà Nhì đầu tiên làm homestay ở Y Tý cho biết, ở đây, bà con cũng đã biết giữ gìn cảnh quan môi trường, hạn chế dùng túi ni lông, xây chuồng trại cho trâu bò ở cách xa nơi ở; trồng hoa dọc tuyến đường trục thôn, đường liên gia, sân vườn của các hộ gia đình tạo cảnh quan thu hút khách du lịch cũng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân… Ai đổ rác bừa bãi vào suối hay vứt rác xung quanh làng bản thì sẽ bị xử theo "lý 36”, bị phạt tới 36kg lợn hơi, 20kg gạo và 20 lít rượu.

Cũng theo Xuy, văn hóa của người Hà Nhì rất đặc biệt, vào tháng giêng hàng năm, sau Tết Nguyên đán, các thôn bản người Hà Nhì tổ chức lễ cúng nguồn nước và cúng rừng. Cầu thần nước, thần rừng phù hộ cho người dân trong thôn luôn khỏe mạnh, năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Chính vì thế, không gian ở Y Tý luôn trong lành và sạch sẽ.

Cách trung tâm xã Y Tý gần 10km, xuyên qua thôn Lao Chải tới cột mốc biên giới 87 (2), du khách sẽ được tham quan cây cầu biên giới ngắn nhất thế giới. Cây cầu Thiên Sinh này chỉ dài hơn 1m, được bắc qua khe vực sâu hun hút. Tới đây, người ta chỉ có thể nghe thấy tiếng thác nước đổ ầm ào mà không thể nhìn thấy vực thác sâu thẳm.

Khi Y Tý càng ngày càng phát triển cũng đã đẩy lùi được những suy nghĩ, tập quán lạc hậu tồn tại từ xa xưa. Các đôi trai gái yêu nhau không phân biệt dân tộc, người Mông phải lấy người Mông, người Giáy phải lấy người Giáy. Giờ đây, ở Y Tý có nhiều cặp đôi người Mông lấy người Hà Nhì, người Hà Nhì lấy người Tày ở những huyện khác…

Thế nhưng, khó khăn vẫn còn trước mắt, khi đường lên Y Tý chưa hoàn thiện. Khi người nông dân sống phụ thuộc vào trồng cấy với giá phân bón, vật tư nông nghiệp cao do phải vận chuyển đi xa, đường đi khó khăn; sử dụng máy móc cũng phải tính toán vì chưa có cây xăng mà phải mua lẻ ngoài chợ khoảng 35 nghìn đồng mỗi lít…

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.