| Hotline: 0983.970.780

Vùng đất tâm linh ở Tây Bắc

Thứ Hai 23/05/2022 , 07:42 (GMT+7)

Với những cánh đồng lúa trải dài xanh mướt, bản làng lấp ló dưới hàng cọ cao vút, đặc trưng văn hóa các dân tộc… ở Bảo Yên còn nhiều điều chưa khám phá hết.

Một góc xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Một góc xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Thần vệ quốc trấn giữ biên ải

Bảo Yên là cửa ngõ của tỉnh Lào Cai với ngôi đền thờ thần vệ quốc nổi tiếng Bảo Hà. Ngôi đền thờ vị tướng Nguyễn Hoàng Bảy người có công dẹp giặc vùng biên ải. Tọa lạc dưới chân núi Cấm, nằm bên dòng sông Hồng, gắn với ngôi đền thờ này có nhiều huyền tích của vùng đất.

Lịch sử ghi chép, vùng Bảo Hà (huyện Bảo Yên, Lào Cai) xưa kia vốn có vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc. Trong thời Cảnh Hưng (1974 - 1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành.

Trước cảnh đau thương, tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải, củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn.

Tại đây, vị danh tướng tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).

Sau này, giặc phương Bắc một lần nữa đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy trong một trận chiến không cân sức đã hy sinh anh dũng. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng đã vớt xác ông lên chôn cất, lập miếu thờ.

Theo truyền thuyết và những cụ cao niên trong vùng lúc bấy giờ, khi ông Hoàng Bảy bị giặc sát hại thì trời chuyển gió, mây vần vũ kết lại thành hình thần mã. Từ thi thể ông phát ra ánh hào quang, phi lên thân ngựa, đến khu vực núi Cấm, vùng trung tâm Bảo Hà thì dừng lại, trời quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hậu...

Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bảo Yên cho biết, đền Bảo Hà không chỉ có giá trị về mặt ý nghĩa lịch sử, tâm linh cho đến nay kiến trúc nguyên thủy của đền vẫn được giữ lại gần như toàn bộ, thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm... Đây cũng là địa điểm quan trọng trong việc phát triển du lịch tâm linh của huyện Bảo Yên nói riêng và của tỉnh Lào Cai cũng như Tây Bắc.

Nơi thờ vị danh tướng Hoàng Bảy, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: H.Đ.

Nơi thờ vị danh tướng Hoàng Bảy, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: H.Đ.

Mảnh đất Bảo Yên còn có những phế tích lịch sử thành cổ Nghị Lang và đền Phúc Khánh - thờ chúa Bầu - tưởng nhớ đến công lao người anh hùng Vũ Văn Mật và dòng họ vũ đã góp nhiều công lao bảo vệ biên cương.

Thành cổ Nghị Lang có hình tứ diện, song thuận theo hình dáng của địa hình. Tường thành bề ngoài được xây kè đá vôi vừa làm chất kết dính, đá xây chủ yếu là đá cuội lớn lấy ở sông Chảy lên. Theo truyền thuyết, thành cổ Nghị Lang ôm trọn cả thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) ngày nay.

Thành cổ Nghị Lang ngày nay có nghĩa giúp cho việc nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc quân sự. Qua các dợt khảo sát, nghiên cứu, tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai còn sưu tầm trên 300 hiện vật ở khu vực thành Nghị Lang gồm các bộ sưu tập đá, đồng, gốm, sứ... khẳng định sự tồn tại của thành Nghị Lang và khẳng định văn hóa truyền thống của nghề rèn, mộc, gốm sứ tinh xảo của các dân tộc trên vùng đất Bảo Yên.

Từ Phố Ràng, nơi có ngôi đền Phúc Khánh, dọc theo quốc lộ 279, du khách sẽ về Nghĩa Đô nơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày.

Ở Nghĩa Đô hiện có khoảng một trăm căn nhà sàn có tuổi đời ngót nghét 70 - 80 năm tuổi. Theo các bậc cao niên, những căn nhà sàn được làm từ những thân gỗ trên núi cao và phải mất nhiều ngày mới đưa được về bản, xây dựng nên những nếp nhà cho đến nay vẫn rất vững chãi.

Cấy lúa sớm để làm du lịch

Xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) là một trong những địa chỉ du lịch mới hấp dẫn nhất của Lào Cai. Nơi này lưu giữ các di tích lịch sử - văn hóa, kết hợp du lịch sinh thái đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.

Tại đây, các nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian của đồng bào Tày đã được phục dựng như: Nghi lễ then Tày, nghi lễ mừng thọ, lễ hội Pang Luông, nghi lễ lấy nước đầu năm… Đặc biệt, bà con ở xã Nghĩa Đô đồng thuận cùng cấy lúa sớm từ đầu năm do đó thời điểm này du khách có thể tận hưởng khung cảnh những cánh đồng xanh ngặt trải dài, lấp ló là những hàng cọ với mái nhà sàn trăm tuổi…

Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, đồng bào Tày ở Bảo Yên gắn với sản xuất nông nghiệp nên hằng năm để khởi đầu cho vụ mùa mới, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bà con tổ chức lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng). Trước ngày lễ, bà con chuẩn bị gà, xôi màu, hoa quả... để cúng thần linh và chọn thửa ruộng có vị trí đẹp, bằng phẳng và thi cấy. Các bản tham gia chọn ra người cày cấy giỏi, trang trí họa giấy màu cho chiếc cày và đặc biệt là chọn trâu khỏe để bừa những luống luống đất đầu tiên. Sau khi cày xong, nước được đưa về ruộng và cấy mạ… Vì vậy, khi đến mùa thu hoạch những bông lúa đầu tiên cũng được thu hái, chọn lọc những hạt lúa tròn mẩy để làm cốm, dâng cúng tổ tiên, làm xôi, làm bánh để mừng mùa mới...

Ở đây, người dân vẫn có thói quen tự canh tác, tự cung tự cấp nên những món ăn của đồng bào đều đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc với món xôi trám, măng luộc chấm mẻ, vịt bầu lam ống nứa, gà nấu củ kiệu, bánh nẳng... Và để có được những mâm cơm ngon nhất, hằng năm có những cuộc thi để chọn ra những món ăn ngon nhất, mâm cơm đại diện cho vùng đất này để mỗi khi thưởng thức du khách không thể nào quên.

Nếp nhà sàn của người Tày ở Bảo Yên giữa thiên nhiên núi rừng. Ảnh: H.Đ.

Nếp nhà sàn của người Tày ở Bảo Yên giữa thiên nhiên núi rừng. Ảnh: H.Đ.

Cho đến nay, ở Nghĩa Đô đã có 25 gia đình làm du lịch cộng đồng, du khách trong nước và cả những du khách nước ngoài cũng tìm đến để cùng người dân bản địa để trải nghiệm cuộc sống của mảnh đất đặc biệt nhất Tây Bắc này.

Ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết, bà con các dân tộc đồng lòng xây dựng hình ảnh Nghĩa Đô xanh, sạch, đẹp và để làm được điều này không chỉ cấy lúa sớm mà mỗi người dân còn trồng một cây cọ, bảo tồn cây địa phương; cùng nhau làm sạch suối Nậm Luông, trồng thêm hoa ven đường. Quy hoạch điểm xây dựng Bảo tàng sinh thái ngoài trời dọc suối Mường Kem làm điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho khách theo hướng du lịch xanh...

Làm hoa cho người quá cố ở Bảo Yên theo phong tục người Tày, ít nơi còn lưu giữ được. Ảnh: H.Đ.

Làm hoa cho người quá cố ở Bảo Yên theo phong tục người Tày, ít nơi còn lưu giữ được. Ảnh: H.Đ.

Linh hồn nơi bản Tày

Xã Nghĩa Đô là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng và là điểm nhấn của chuỗi du lịch tâm linh của huyện Bảo Yên. Hiện xã đã được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch.

Từ hàng trăm năm nay, hát then đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào người Tày ở Bảo Yên (Lào Cai). Hát then có trong những ngày vui, có trong những lời yêu thương của những đôi trai gái hẹn hò bên bờ suối, trong những lúc lao động vất vả... Câu hát then lại vang lên làm xao động lòng người, ngọt ngào mà sâu lắng. Nó đã ăn sâu vào cuộc sống và có trong tâm hồn của những đứa trẻ và cả những người già nơi này.

Hát then có nguồn gốc bản địa nên trong những bài hát có tên các bản làng, con sông, con suối, núi đồi... nơi người dân sinh sống. Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, với hát then có thể có nhiều người cùng lúc tham gia, có khi người xem, người nghe cùng hòa nhịp, không giới hạn. Hát then có sức hấp dẫn, sức hút với cộng đồng bởi lời ca, âm hưởng thúc đẩy con người ta xích lại gần nhau hơn. Vì thế, hát then thường có trong những lễ hội, trong không gian gia đình, trong lễ cưới và hàng chục, hàng trăm người cùng nhau nhảy múa, hát cùng một điệu then Tày.

Trong đó, nghi lễ cúng Then là sự hội tụ tinh túy nhất của những điệu then Tày. Trong nghi lễ, thầy Then sẽ là người đại diện để tấu lên trời đất những mong ước để hướng tới cuộc sống no đủ, hạnh phúc... Trước kia, những bài then Tày chỉ được truyền miệng nên sẽ đến lúc mai một. Vì vậy, những người như cố nghệ nhân Hoàng Thị Cứ, nghệ nhân Ma Thanh Sợi và nghệ nhân Hoàng Văn Thụy đã ngày đêm đi tìm tư liệu, nhớ lại những câu hát khi còn bé, lúc thì đến hỏi người già để sưu tầm được những bài hát cổ xưa, ghi chép gìn giữ, để lại cho con cháu.

Cho đến nay, hát then đã được đưa vào hoạt động giáo dục ở xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô của huyện Bảo Yên. Các học sinh cũng là người Tày nên đa số thấy gần gũi cuộc sống của các em và các em cũng nhận thấy được giá trị văn hóa lâu đời được các bậc cha ông tích tụ trong những lời ca, tiếng hát.

Vào mỗi đầu năm học, các trường chủ động mời nghệ nhân đã sưu tầm và thuộc nhiều bài then cổ đến nói chuyện về nguồn gốc, giá trị và diễn xướng của hát then cho các em học sinh. Chính các em cũng trở thành người gìn giữ văn hóa của dân tộc mình qua những buổi học ngoại khóa đó cũng như những lúc tập hát then…

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.