| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng xuất khẩu Hải Phòng: [Bài 4] Tập trung cho chế biến nông sản chủ lực

Chủ Nhật 03/12/2023 , 16:17 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hải Phòng có thuận lợi về giao thông, cảng biển và điều kiện kinh tế xã hội để sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả.

Phát huy lợi thế lớn về giao thông

Đất nông nghiệp ở Hải Phòng không nhiều nhưng về tổng thể, dân số ở khu vực nông thôn và tỷ lệ người dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm hơn 50%. Hơn nữa, do khí hậu, thổ nhưỡng nên sản phẩm nông nghiệp ở TP Cảng thường ngon, tạo được giá trị riêng.

Dân số ở khu vực nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hải Phòng vẫn chiếm hơn 50%. Ảnh: Đinh Mười.

Dân số ở khu vực nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hải Phòng vẫn chiếm hơn 50%. Ảnh: Đinh Mười.

Thêm vào đó, do có cảng biển nên Hải Phòng có lợi thế về xuất khẩu, là đầu mối thu gom nông sản để chế biến phục vụ xuất khẩu. Dù vậy, sau khi Lavifood dừng đầu tư, tại Hải Phòng chưa có doanh nghiệp nào được gọi là “máu mặt” trong việc đầu tư lớn cho sản xuất nông nghiệp và chế biến phục vụ xuất khẩu tầm cỡ khu vực.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, qua rà soát, thống kê về cơ sở chế biến thực phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn hiện có 116 cơ sở, các cơ sở đã được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có 8 cơ sở được cấp giấy chứng nhận ISO 22000, HACCP.

Đối với sơ chế, chế biến rau quả có 13 cơ sở là các doanh nghiệp chế biến vừa, nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình với nhiều sản phẩm được sơ chế, chế biến từ rau quả chủ yếu là người tiêu dùng thành phố và ở trong nước với sản lượng hàng năm khoảng 50 nghìn tấn.

Về xuất khẩu rau quả hiện chỉ có 2 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm rau quả xuất khẩu sang thị trường Nga và Canada là Công ty TNHH Công nghiệp và Thương mại Hải Nam và Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Minh.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng chỉ có một số loại rau quả xuất khẩu như: cà chua bi, dưa chuột bao tử muối, măng muối, tương ớt,... và một số thị trường khác gồm trái cây sấy, nước trái cây đóng lon, đóng chai,...và các sản phẩm rau quả đóng hộp với sản lượng gần 9 nghìn tấn sản phẩm rau quả xuất khẩu.

Hải Phòng có lợi thế về giao thông, cảng biển để xuất khẩu nông sản. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có lợi thế về giao thông, cảng biển để xuất khẩu nông sản. Ảnh: Đinh Mười.

Có thể nói, thành phố Hải Phòng có đầy đủ hệ thống giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đây chính là những lợi thế để vận chuyển, lưu thông hàng hóa rau quả chế biến với các tỉnh, thành phố trong nước và  phục vụ xuất khẩu.

Trước những lợi thế về thị trường tiêu thụ, vị trí địa lý, kinh tế, những năm qua, Hải Phòng đã có nhiều quan tâm để thúc đẩy phát triển nông nghiệp để tạo sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nhu cầu thực phẩm của thành phố, trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là công tác sản xuất sơ chế, chế biến và tiêu thụ rau quả.

Bên cạnh đó, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển những cây trồng chủ lực, đặc sản có thế mạnh của từng địa phương đồng thời vận dụng các cơ chế chính sách phù hợp, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm rau, hoa, quả tươi chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau quả chế biến theo chuỗi trên địa bàn.

Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp của thành phố Hải Phòng phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và chuyên canh sản xuất hàng hóa, đặc biệt là ngành rau quả.

Những doanh nghiệp chế biến quy mô còn hạn chế. Ảnh: Đinh Mười.

Những doanh nghiệp chế biến quy mô còn hạn chế. Ảnh: Đinh Mười.

Người nông dân liên kết theo tổ nhóm, hợp tác xã còn ít, vẫn còn sản xuất tự phát, theo mùa vụ, phong trào chính là những nguyên nhân hạn chế lớn về cung ứng nguồn nguyên liệu để phát triển ngành chế biến rau, quả.

Trên thực tế, tuy đã có những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất rau quả đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nhưng nguồn nguyên liệu chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho các cơ sở sản xuất, chế biến và bảo quản rau quả.

Trong khi đó chế biến sâu là một trong những công đoạn trong chuỗi hàng hóa thực phẩm quan trọng khép kín, cần nguồn nguyên liệu đủ lớn và thường xuyên góp phần đẩy mạnh quy mô sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất, phục vụ xuất khẩu.

Mặt khác, quy mô doanh nghiệp chế biến nói chung và chế biến rau quả nói riêng trên địa bàn thành phố phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dây chuyển sản xuất cũ, lạc hậu do đó năng lực sản xuất, chế biến chưa cao, khả năng cạnh tranh và đa dạng hóa sản phẩm hạn chế.

Một trong số ít những đơn vị sản xuất nông nghiệp đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Một trong số ít những đơn vị sản xuất nông nghiệp đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tập trung phát triển nông sản chủ lực và chế biến

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó GĐ Sở NN- PTNT Hải Phòng, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển chế biến rau quả để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường.

Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách mới, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch; đồng thời có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả.

Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tập trung phát triển các sản phẩm rau, quả mang tính hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và kết hợp tập trung chỉ đạo sản xuất các sản phẩm chủ lực, đảm bảo điều kiện xuất khẩu.

Với các đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt như: Công nghệ nhà lưới, nhà màng, nhà kính, tưới tự động, vòm che thấp, màng phủ nông nghiệp; đồng thời tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật vào xử lý và bảo quản rau quả tươi, chế biến rau quả và phế phụ phẩm từ rau quả.

Dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao của Công ty Hiền Lê ở Vĩnh Bảo là một kỳ vọng mới cho chế biến và xuất khẩu nông sản tại Hải Phòng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Đinh Mười.

Dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao của Công ty Hiền Lê ở Vĩnh Bảo là một kỳ vọng mới cho chế biến và xuất khẩu nông sản tại Hải Phòng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Đinh Mười.

Tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để chế biến và chủ động về nguồn lực để xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp chủ lực tập trung, đặc biệt là các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, sản xuất ra các sản phẩm rau, quả có giá trị thương phẩm cao.

Đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản xuất trong nước, tại thành phố các loại máy, trang thiết bị phù hợp với quy mô doanh nghiệp, các loại bao bì đóng gói thân thiện môi trường và các loại phụ gia, chất bảo quản rau quả đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm rau quả. Để phát triển hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu, các đơn vị cần áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong các cơ sở chế biến rau quả để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế”, ông Tuất cho hay.

Mực tiêu của ngành nông nghiệp Hải Phòng, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất 1.200 ha cây ăn quả và 1.800 ha cây rau. Trong đó, huyện Vĩnh Bảo 235 ha cây ăn quả, 570 ha cây rau; huyện Tiên Lãng 90 ha cây ăn quả, 825 ha cây rau; huyện Kiến Thụy 85 ha cây ăn quả, 245 ha cây rau; huyện An Lão 240 ha cây ăn quả, 10 ha cây rau; huyện An Dương 60 ha cây ăn quả, 30 ha cây rau; huyện Thủy Nguyên 490 ha cây ăn quả, 100 ha cây rau; quận Đồ Sơn 20 ha cây rau.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.