| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng xuất khẩu của Hải Phòng

[Bài 2] Hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu thủy sản đang bỏ ngỏ

Thứ Sáu 01/12/2023 , 08:55 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Thủy sản là lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp chủ lực của Hải Phòng, nhưng việc nuôi trồng, khai thác và sản xuất phục vụ xuất khẩu còn nhiều hạn chế.

Khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Tiềm năng lớn

Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế thủy sản toàn diện về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 12 nghìn ha, còn tiềm năng nuôi trồng thủy sản thì hơn 42 nghìn ha.

Hệ thống sông ngòi của Hải Phòng có mật độ khá cao, được hình thành bởi các hệ thống sông chính là sông Bạch Đằng, Đá Bạc, Cấm,... với đặc điểm là dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn, thường tạo thành những bãi bồi, đầm nước hoặc vùng trũng ven sông, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.

Do vậy, nuôi trồng thủy sản ở Hải Phòng phát triển mạnh ở cả ba vùng nước ngọt, lợ, mặn; giá trị sản lượng tăng đều hằng năm với các đối tượng nuôi có hiệu quả cao như tôm sú, tôm chân trắng, cua biển, cá biển… Từ đó, Hải Phòng đã và đang thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu và phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất tập trung, nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao.

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và cơ chế, chính sách linh hoạt trong phát triển nông nghiệp, Hải Phòng đang có những thế mạnh nhất định trong việc cạnh xuất khẩu thuỷ sản trên trường quốc tế... Tuy vậy, hiện nay, lợi thế này chưa được khai thác tối đa, tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ.

Là thành phố công nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản luôn được thành phố Hải Phòng quan tâm nhất định trong suốt những năm qua. Về cơ bản, lĩnh vực nông nghiệp của Hải Phòng đang phát triển khá toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, tiến tới nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.

Nuôi cá trắm đen ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi cá trắm đen ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản, để hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ, những năm qua, tàu thuyền khai thác thuỷ sản của thành phố đã được cơ cấu lại theo hướng giảm dần đội tàu khai thác gần bờ, tăng đội tàu khai thác vùng biển xa bờ với trang thiết bị mới, hiện đại.

Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của thành phố có giá trị, sức cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường, có thể kể đến một loạt các mặt hàng chủ lực như: cá biển, mực, cá nước ngọt (rô phi, trắm cỏ), cá nước lợ (vược, trắm đen), nước mắm truyền thống, sản phẩm Aga, chả thuỷ sản (chả cá, chả mực), sản phẩm cá một nắng, cá mòi,…

Dù vậy, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản ra thị trường thế giới còn hạn chế. Đến nay, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hải Phòng là thuỷ sản, các sản phẩm chế biến từ thuỷ sản như: Surimi (thịt cá xay), bạch tuộc, hải sâm khô, nghêu luộc đông lạnh, ruột hàu, tôm khô, cá biển ướp đá, tôm chân trắng, tôm biển khô, rươi…

Những sản phẩm này tập trung chủ yếu ở 5 doanh nghiệp: Công ty TNHH Việt Trường, Xí nghiệp chế biến thuỷ sản Seasaifico Hải Phòng, Công ty CP Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hạ Long, Công ty Seaprodex Chi nhánh Hải Phòng, Công ty Bính Oanh, thường được xuất sang các thị trường truyền thống là các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Đài Loan,…

Dù có tiềm năng lớn và dịch Covid-19 đã được khống chế nhưng theo thống kê của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng I, năm 2022, tổng lượng hàng hóa thủy sản của Hải Phòng xuất khẩu sang thị trường EU, Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,… chỉ đạt gần 10 nghìn tấn.

Các doanh nghiệp chế biến cơ bản vẫn quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Đinh Mười.

Các doanh nghiệp chế biến cơ bản vẫn quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Đinh Mười.

Còn trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của Hải Phòng xuất ra thị trường nói trên chỉ đạt hơn 7 nghìn tấn. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: thuỷ sản ướp đá, đông lạnh (cá biển, hàu); thuỷ sản khô (cá, hải sâm, tôm biển); bạch tuộc đông lạnh; nghêu luộc đông lạn; sirimi; rươi sống. Trong khi đó, tính chung cả năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của Hải Phòng đạt hơn 192 triệu tấn, trong đó riêng sản lượng thủy sản khai thác chiếm hơn 115 nghìn tấn.

Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ

Từ thực tế trên cho thấy, Hải Phòng có nguồn lực, tiềm năng lớn để xuất khẩu nông sản, thuỷ sản ra thị trường quốc tế nhưng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu còn có hạn. Ngoài các mặt hàng là sản phẩm thuỷ sản, chế biến từ thuỷ sản được xuất khẩu thì các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi mới chỉ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa, chưa có khả năng xuất khẩu.

Theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, thời gian qua, ảnh hưởng dịch bệnh, sản lượng thuỷ sản chế biến xuất khẩu bao gồm cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch tăng không đáng kể. Một số lĩnh vực sản lượng và chủng loại các sản phẩm thủy sản đều giảm, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu để sản xuất.

Bên cạnh đó, thị trường và sản phẩm thủy sản xuất khẩu chưa đa dạng, tỷ trọng sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng thấp. Cùng với đó, trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất thủy sản còn hạn chế, nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn liền với thực tiễn sản xuất, khả năng dự báo, cảnh báo còn nhiều hạn chế.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện nay vẫn chủ yếu là các vừa và nhỏ, bất lợi cả về quy mô cũng như hiệu quả hoạt động so với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi một số FTA có hiệu lực, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, đi đôi với yêu cầu đối xử bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Tiềm năng lớn nhưng sản lượng xuất khẩu thủy sản của Hải Phòng những năm qua chưa nhiều. Ảnh: Đinh Mười.

Tiềm năng lớn nhưng sản lượng xuất khẩu thủy sản của Hải Phòng những năm qua chưa nhiều. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của nền kinh tế vĩ mô thế giới sẽ là những thách thức không nhỏ đối với sản xuất xuất khẩu của thành phố Hải Phòng. Hội nhập kinh tế quốc tế đem đến nhiều thuận lợi, cơ hội, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, hải sản.

Bên cạnh đó, ở thành phố Hải Phòng còn phải đối mặt với các thách thức như thiếu sự gắn kết giữa các ngành, địa phương, chưa có sự chuẩn bị nội lực cho doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời thành phố vẫn chưa xây dựng được các chương trình, kế hoạch trung, dài hạn để ưu tiên, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực.

Để tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu nông, lâm, hải sản, thành phố Hải Phòng cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiến hành xây dựng các đề án, chương trình cụ thể nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, quan tâm đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể về hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp tăng hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến chế biến nông sản nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng đi kèm với hạ giá thành sản phẩm.

Đồng thời cần có sự tăng cường liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành nông thương để tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu xuất khẩu nhằm khắc phục những bất cập “thừa- thiếu” trong sản xuất như hiện nay. Cụ thể hóa các chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Hải Phòng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 100 triệu USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 147-157 nghìn tấn, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản sản chiếm 37%, nuôi trồng thủy sản chiếm 63%. Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6.155 tỷ đồng.

Định hướng đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 122 triệu USD, bình quân tăng trưởng từ 4 - 4,5%/năm (giai đoạn 2025 - 2030). Tổng sản lượng thủy sản đạt 160-170 nghìn tấn, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 36%, nuôi trồng thủy sản chiếm 64%. Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 7.505 tỷ đồng. Bình quân tăng trưởng 4,05%/năm (2025-2030).

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất