Trẻ hơn so với tuổi 73, đạo diễn Lý Huỳnh cũng xuề xoà, vui tính và hay chuyện như ông Hai Lúa trong phim Vùng gió xoáy. Trong chuyến ra Hà Nội duyệt phim Tây Sơn hào kiệt vào danh mục những phim chiếu trong dịp Đại lễ, NNVN đã có dịp trò chuyện với ông. Đạo diễn Lý Huỳnh
Đã nghỉ một thời gian khá dài sau thời “phim mì ăn liền”, vì sao ông lại quyết định quay lại với Tây Sơn hào kiệt, một bộ phim về đề tài lịch sử?
Đúng là tôi nghỉ cũng khá lâu, kể từ phim Nước mắt buồn vui (kịch bản Lưu Trọng Hồng), tính tới tính lui mới hoà vốn. Lâu nay tôi trăn trở rất nhiều, tại sao các nước làm phim lịch sử, cổ trang đều được giải Oscar, Việt Nam lại không? Vì vậy mà tôi quyết tâm làm Tây Sơn hào kiệt, huy động toàn bộ tiền nhà ra làm mà không tính đến lỗ hay lãi. Nhân kỷ niệm Đại lễ, Bộ VH, TT&DL; Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh... kêu gọi các hãng phim hưởng ứng đề tài lịch sử, lúc ấy Hội Điện ảnh thành phố đưa tôi kịch bản Ngàn năm thương nhớ của nhóm tác giả Cao Đức Trường, Phạm Thuỳ Nhân và NSND Huy Thành, viết về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, sau này tôi đổi tên thành Tây Sơn hào kiệt và rất thích kịch bản.
Ở tuổi của ông, nhiều người đã rút lui vào hậu trường, còn ông lại bỏ 12 tỉ đồng tiền túi ra làm phim, gia đình ông phản ứng thế nào?
Bàn chuyện làm phim, cả gia đình tôi đều hưởng ứng. Rất may vợ tôi rất ủng hộ, cái gì bảo làm là bà ấy cũng đồng ý hết, nếu nói gì mà bà ấy cứ gạt đi thì khó lắm, không thể làm nổi. Với tôi, mục đích làm phim này là không vì lãi lời mà nhằm phục vụ Đại lễ. Nhiều người bảo tôi sao không xin tài trợ, dại gì mà bỏ tiền nhà ra làm, cũng có người nói tôi có... vấn đề nhưng với tôi, đã quyết là làm, đã làm là làm theo cái tâm, làm đến cùng.
Từng làm nhiều phim lịch sử nhưngchỉ Tây Sơn hào kiệtđược ghi vào kỷ lục Việt Nam là bộ phim lịch sử hoành tráng nhất từ trước tới nay. Có điều gì khó khi ông bắt tay vào bộ phim này?
Bộ phim xây dựng hình ảnh vị anh hùng dân tộc lừng lẫy Nguyễn Huệ - vua Quang Trung được xây dựng theo tiêu chí trung thành với hình ảnh của vị anh hùng áo vải như một bài học lịch sử sinh động cho giới trẻ. Ngoài việc tái hiện lại hai trận đánh lớn của vua Quang Trung là cuộc tiến quân thần tốc ra Bắc Hà và trận Ngọc Hồi - Đống Đa còn thể hiện mối tình của vị anh hùng áo vải và công chúa Ngọc Hân.
Phim huy động 200 võ sĩ và 14 nghìn người tham gia, chúng tôi phải may hàng ngàn bộ trang phục cho bốn đội: lính Tây Sơn, lính Mãn Thanh, lính triều Lê, lính phủ Trịnh, 50 con voi lựa chọn ở Buôn Mê Thuột, 100 con ngựa chọn ở vườn thú Đại Nam phục vụ cho các đại cảnh. Đúc 20 khẩu thần công…
Làm phim lịch sử khó, tốn kém hơn nhiều so với phim tình cảm hiện đại. Trước khi làm, tôi cẩn thận mang kịch bản ra Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) 10 lần, đến chụp ảnh nghiên cứu. Bộ đồ mà Nguyễn Huệ mặc trong phim được làm dựa trên bộ đồ của bức tượng tại bảo tàng. Từ quần áo, nón, giày dép đều được làm giống hệt những tư liệu được lưu giữa tại bảo tàng Quang Trung. Đặc biệt, thanh gươm của vua Quang Trung dùng trong bộ phim được làm là gươm thật, bằng thép mạ vàng chi phí 20 triệu.
Trong đời làm phim của tôi có hai niềm vui, thứ nhất là ông Hai Lúa- nhân vật ông già Nam bộ trong phim Vùng gió xoáy được giải Nam diễn viên xuất sắc nhất, thứ hai là đạo diễn phim Tây Sơn hào kiệt, dù không có lãi nhưng tôi được nhiều, được bằng khen, được Trung tâm Sách kỷ lục VN công nhận là bộ phim truyện nhựa thể loại dã sử võ thuật đầu tư dàn dựng quy mô, hoành tráng nhất, được chiếu trong dịp Đại lễ và được đông đảo khán giả ủng hộ...
Sau Tây Sơn hào kiệt, dự định mới của ông là gì?
Tôi vẫn chọn những đề tài lịch sử, võ thuật bởi đó là niềm đam mê điện ảnh của con nhà võ như tôi. Trong số hơn 30 bộ phim do Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất thì có tới 2/3 là phim về võ thuật, lịch sử. Sau Tây Sơn hào kiệt, chắc chắn sẽ là bộ phim về võ tướng Bùi Thị Xuân.
Xin cám ơn ông!