| Hotline: 0983.970.780

Hai chuyến đi làm báo ở Tây Nguyên

Thứ Năm 06/02/2025 , 09:17 (GMT+7)

Tôi lên Tây Nguyên từ năm 1981 ngay sau khi tốt nghiệp đại học, làm báo, làm thơ từ thuở ấy. Giờ chuyện thì đầy, nhưng nhớ nhất là hai lần đi làm báo... chui.

Tôi lên Tây Nguyên từ năm 1981 ngay sau khi tốt nghiệp đại học, cũng chả có ý tưởng gì to tát, mà chỉ là muốn mạo hiểm, đi một chuyến, ba năm sau sẽ về lại Huế, hồi ấy có chính sách đi miền núi ba năm thì về.

Thế mà rồi, giờ đã 43 năm, thành “thổ công” Tây Nguyên rồi, làm báo, làm thơ cũng từ thuở ấy. Giờ chuyện thì đầy, nhưng nhớ nhất là hai lần đi làm báo... chui.

Ấy là hồi năm 2001, có cái cuộc lộn xộn ở Tây Nguyên.

Bà con người Tây Nguyên bản địa ở các buôn làng bị tuyên truyền lên Pleiku để... nhận tiền, nhận nhà. Thế là hàng ngàn người ùn ùn đi. Tôi khi ấy đang làm thường trú kiêm nhiệm cho một tờ báo, rất muốn xuống làng xem tình hình thế nào, nhưng có lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập, nhất là cánh báo chí chưa được đưa tin.

Cả ngày hôm “bà con lên phố” ấy, tôi đã la cà với họ, trò chuyện với họ, thấy họ cũng hiền lành, y như ở dưới làng họ mà trước đó tôi đã thường xuyên xuống chơi và cả làm việc. Hầu như thời ấy, cứ rảnh là tôi phi xuống làng, ngủ nhà rông, tìm hiểu đời sống của họ. Cứ có dịp là đi, nên khá quen thuộc họ.

Hồi ấy, xã Hà Bầu là điểm nóng nhất. Chỉ có người có trách nhiệm mới được xuống. Tổng biên tập từ Hà Nội điện vào: “Có thể chưa viết gì được lúc này, nhưng Hùng cứ nắm tư liệu, sau này dùng khối việc đấy”.

Mấy đồng nghiệp ở Nha Trang nhắn lên, “kiếm làng nào trên ấy mình xuống “chui” cái đã”, sau khi nghe tôi nói đang có lệnh chưa được đi đâu.

Lúc này các hãng tin nước ngoài đã liên tục đưa tin, sai lệch khá nhiều so với những gì đang xảy ra, nên chúng tôi càng sốt ruột.

Thế là một cú “đi chui” được tổ chức.

Ba đồng nghiệp từ Nha Trang lên, đón tôi ở Pleiku, rồi xuống Hà Bầu. Quen đường nên tôi dẫn đi tắt, tránh các chốt của bộ đội và công an. Chúng tôi vào làng Nú. Ơ kìa, thấy nó rất thanh bình, như chưa hề xảy ra những gì trước đó. Già làng bê vào nhà rông, cái nhà rông khá nhỏ nhưng rất đẹp, một ghè rượu. Chúng tôi uống rượu, nói chuyện với bà con, rồi đi loanh quanh trong làng. Cũng tránh không nhắc những chuyện vừa xảy ra vài ngày trước đó, cũng tránh hỏi chuyện vừa rồi có bao nhiêu bà con “lên phố” dù biết là khá đông, và cũng tránh không hỏi có bao nhiêu người đã rút vào rừng.

Tất nhiên là không nên ngồi lâu và chúng tôi rút sau khoảng một giờ đồng hồ ở trong làng, nắm sơ bộ tình hình là bà con rất tốt, bà con vẫn rất hiếu khách, nồng nhiệt tiếp chúng tôi, dẫu vẫn có những ánh mắt nghi ngờ. À nói thêm, chúng tôi đậu xe khá xa rồi đi bộ vào làng.

Ra thị trấn huyện, chúng tôi ăn trưa. Và chuyện “đi chui” bị lộ ở đây. Vào quán ăn thì gặp anh phó ban thường trực ban tuyên giáo cũng vừa từ một làng khác ra. Anh đi với đội công tác, có cán bộ, công an và quân đội. Không thế giấu, tôi nói thật là vừa từ làng Nú ra. Chả thấy ổng nói gì, còn mời nhau ly rượu nữa.

Tuần sau, tỉnh Gia Lai giao ban báo chí. Anh Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh, một người cực tốt và hiểu chuyện, chủ trì. Gần hết buổi, anh ấy thủng thẳng, nhân đây, tôi phê bình anh Hùng đã không tuân thủ kỷ luật, tự tiện xuống làng khi chưa được phép. Tôi đứng lên trình bày lại, là hiện nay truyền thông nước ngoài nói sai như thế như thế mà chúng ta vẫn im lặng, thì lạ quá, tôi đề nghị trưởng ban cho báo chí có ý kiến. Anh ấy cười, bảo tôi cũng như anh, ủng hộ anh, nhưng đây là lệnh từ... trên, chúng tôi cũng đề nghị rồi, trong khi chờ ý kiến trên thì chúng ta phải tuân thủ. Tất nhiên tôi nhắc thế thôi, chứ anh cũng đi rồi, và nhắc là để bảo vệ anh thôi, vì anh không nắm thực sự tình hình như chúng tôi, nhưng những gì anh có thì chúng ta... chờ.

Và đúng là tuần sau đấy, một cuộc họp báo lớn được tổ chức tại Gia Lai, sau đấy các nhà báo được mời xuống Chư Sê, xuống Nhơn Hòa... đi thực tế. Sau đấy có nhiều loạt bài về kiện năm 2001 ở Gia Lai được xuất hiện, dày đặc trên các báo từ trung ương tới địa phương.

Người dân Tây Nguyên rất hiền lành, dễ mến.

Người dân Tây Nguyên rất hiền lành, dễ mến.

Bây giờ, nhiều vấn đề về quản lý và khai thác khoáng sản mới lộ ra, nhiều vụ thanh tra, kiểm tra và cả điều tra về tình trạng này xuất hiện, mới thấy khoáng sản hóa ra đúng là một… mê hồn trận.Nhưng đã có thời, tôi được mời đi một chuyến điều tra về khoáng sản và càng đi càng ngạc nhiên, rằng tại sao đất đá với các thứ lổn nhổn thế lại bị... giữ bí mật thế.

Ấy là năm 2009, một cú rủ, đi xuyên Tây Nguyên “xem” khoáng sản. Thì đi...

Trước đó, tôi cũng nghĩ đơn giản: Tây Nguyên rừng "vàng" thế, rộng mênh mông thế, cho dẫu đã khai thác gần hết rừng thì những thứ nằm dưới đất vẫn ê hề ra đấy, cứ thế mà... điền dã, mà thăm thú, mà miên man ghi chép...

Cái tật lớn nhất của dân nhà văn làm báo là hay ang áng, cái gì cũng ang áng. Tất nhiên cũng có nhiều cái ang áng đúng vì nó được định - hướng - ang- áng bởi cái linh cảm mà trời ban cho cánh nhà văn. Không có cái linh cảm vừa tù mù vừa thông tuệ ấy, đố anh viết văn làm thơ được. Báo với văn có khi nó khác nhau ở chỗ này. Chúng tôi hay nói đùa với nhau: Cùng một sự việc, nếu dùng chữ làm cho nó rõ ràng dễ hiểu hơn thì đấy là báo, còn nếu làm cho nó rối tung rối mù lên, bắt người đọc mò mẫm như lạc vào ma trận thì đấy là... văn. Tôi cũng luôn ang áng về khoáng sản Tây Nguyên như thế cho đến khi xộc vào thực tế thì mới tá hỏa ra mà rằng: Thì ra Tây Nguyên không nhiều không giàu khoáng sản như ta tưởng và cũng không dễ gì mà gặp được những nhân vật liên quan đến khoáng sản.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ thái độ hốt hoảng của vị phó giám đốc công ty cổ phần khoáng sản tỉnh Đ khi chúng tôi cố tình "đột kích" vào thẳng phòng làm việc. Trong cái thế không thể... trốn, ông đã phải tiếp chúng tôi với một tâm trạng hết sức lo sợ. Chúng tôi trình bày rằng chúng tôi đi tìm hiểu về khoáng sản, viết những điều tốt đẹp về khoáng sản, giới thiệu về tài nguyên khoáng sản đáng tự hào của chúng ta, đồng thời chỉ ra nhân dân được hưởng lợi gì từ nguồn khoáng sản của quê hương họ, qua đó nêu lên trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ và phát huy nguồn lợi trời cho này. Nhưng những gì xảy ra trong chuyến đi khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Ngoài việc thấy tài nguyên khoáng sản của chúng ta ít và đơn điệu, ở những nơi chúng tôi đi qua, chủ yếu chỉ là đá xây dựng, thì thái độ né tránh, tránh được càng xa càng tốt, trốn được thì... tốt hơn, của những người có trách nhiệm quản lý, từ tỉnh đến huyện, của những người trực tiếp khai thác, từ công ty của nhà nước đến tư nhân... khiến chúng tôi hiểu mình đang tiếp cận đến một vấn đề "nhạy cảm"- Nhưng vì sao nó "nhạy cảm" thì chúng tôi mù tịt, cố tìm hiểu, vẫn mù tịt, càng tìm hiểu càng mù tịt, cho đến bây giờ khi viết những dòng này thì tôi bắt đầu láng máng vì đã nhiều vụ án liên quan tới khoáng sản được khui ra... (Tiếng Việt thời gian gần đây có từ "nhạy cảm" theo tôi là... tuyệt vời. Cái gì phức tạp, hoặc không phức tạp, nhưng không thích đề cập, không thích công khai thì nhét nó vào cái hộp "nhạy cảm" là xong).

Ông giám đốc công ty cổ phần khoáng sản ĐL chắc chắn đang ở trong xưởng dưới huyện EK, cách thành phố Buôn Ma Thuột mấy chục cây số, để tiếp nhận và khai trương một cái máy mới, thế mà khi chúng tôi gọi điện thoại, nhiều người gọi nhiều lần, vẫn điệp khúc nhẹ nhàng: “Tôi đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếc quá không tiếp các anh chị được”. Bằng nhiều cách, chúng tôi đã xông thẳng vào trụ sở công ty và gặp phó giám đốc. Anh này không biết chúng tôi đã liên lạc bất thành với giám đốc nên hồn nhiên thông báo: “Cả ban giám đốc và phòng kỹ thuật đang ở dưới nhà máy để tiếp nhận và khai trương máy. Tôi ở nhà trực, nhưng không cung cấp được gì ngoài việc mời các anh chị uống nước” vàânh đưa ra biếu cả đoàn mấy tờ rơi quảng cáo nhà máy in cách đấy... dăm năm, các thông số và tên nhân vật đã thay đổi rất nhiều, đến nỗi anh phải lấy bút đỏ sửa và khoanh nhằng nhịt cho chúng tôi nhớ. Chúng tôi đăng ký với anh sáng hôm sau quay lại gặp giám đốc làm việc. Ấy vậy mà sau đó nghe đâu anh này bị cạo tơi bời vì đã tiếp chúng tôi. Khi một nữ đồng nghiệp gọi lại vào sáng hôm sau, anh này vô cùng hốt hoảng: “Tôi không biết gì cả, không hứa gì cả, chị gọi thẳng cho giám đốc”. Chị này gọi lại cho giám đốc và... ông này vẫn nói là đang ở thành phố Hồ Chí Minh và cho biết, nếu ở nhà cũng không tiếp chúng tôi được vì muốn tiếp, phải họp hội đồng quản trị...

Chưa hết, ngay cả khi có sự tiếp tay của một nhà báo nổi tiếng thường trú ở Buôn Ma Thuột, một người quan hệ rất rộng và quen với tất cả những người chị gọi điện thoại thì vẫn... không được thông tin gì về khoáng sản. Nói chính xác hơn, chúng tôi sẽ không được ai có trách nhiệm ở cả Ủy ban tỉnh lẫn các sở ban ngành liên quan tiếp để hỏi chuyện về khoáng sản? Lạ thật!

Chúng tôi có một buổi trưa nắng nhễ nhãi lội giữa rừng khộp Hờ Bông Chư Sê đi vào khu khai thác đá trộm. Đi vào mới thấy cái nghĩa của từ “trộm” nó mênh mông đến thế nào. Móc trộm ví trên xe buýt, bắt trộm con gà, hái trộm quả dưa... đều là việc làm rất bí mật, che giấu, úp mở, sợ sệt... nhưng khai thác đá trộm thì không thế. Đường mở rất to, dẫu khó đi cho xe du lịch, nhưng xe chở đá thì vô tư. Trong bãi đậu kềnh càng mấy chiếc xe cẩu, xe xúc và xe Reo chở đá. Có mấy người mắc võng ngủ và nghe radio trong lán và cũng chả thèm hỏi khi thấy lũ chúng tôi lỉnh kỉnh túi cặp ba lô máy ảnh máy quay phim lếch thếch lội vào. Những tảng đá to như ngôi nhà, tảng thì được để nguyên chở ra, tảng thì được chẻ ra cho dễ cẩu lên xe.

Vùng núi HB này là vùng khô hạn nhất Gia Lai, toàn rừng khộp, là loại rừng xấu. Tôi phải giải thích thêm nghĩa của rừng khộp vì chính mình đã từng suốt mấy chục năm cứ tưởng khộp là một loại cây rừng. Và quả là trong đoàn nhà báo chúng tôi có vài vị cũng nghĩ rừng khộp là rừng toàn cây... khộp. Rừng khộp rất ít đất vì phía dưới nửa mét là đá. Chủ yếu chỉ cỏ lau và cây dầu là sống được trên đất ấy. Những thảm lá mục, những hỏm đá chứa nước mưa là nguồn dinh dưỡng chủ yếu nuôi rừng. Muốn khai thác đá thì việc trước tiên là... phá rừng. Dẫu là rừng khộp thì vẫn có những cây dầu cổ thụ đường kính gần mét, những cây có lá to như tai voi bị quật đổ ngổn ngang. Xung quanh vùng rừng khộp này có dăm bảy doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, chủ yếu chế biến làm đá xây dựng. Và các chủ doanh nghiệp này, họ cũng phản ứng với các hành vi khai thác đá trộm một cách công khai và chính một người trong số họ đã xung phong bỏ việc nhà đang bề bộn dẫn chúng tôi vào đây.

Có thể nói, việc khai thác không phép, hay gọi đúng tên là khai thác trộm, diễn ra ở bất cứ nơi đâu có khoáng sản. Có sông thì cát tặc, có núi thì đá tặc, có vàng thì vàng tặc, có than thì than tặc... Tuốt luốt đều có các loại “tặc” theo cách mà báo chí hay gọi bây giờ. Nạn khai thai thác trộm này dẫn đến rất nhiều hệ lụy nguy hiểm mà ai cũng biết hoặc từng nghe nói, chính quyền cũng biết và cũng ra tay... quyết liệt, nhưng rồi cũng đâu vào đấy... 

Đó là hai chuyến làm báo tôi đã trải qua trong suốt mấy chục năm làm nghề. Và giờ, khoáng sản vẫn là vấn đề nóng, Tây Nguyên, sau vụ Cư Kuin mới đây, cũng đang ổn định tình hình. Tuy thế, vẫn rất cần những chuyến đi, những hiểu biết đúng đắn để tuyên truyền, để không đẩy sự việc ra ngoài quỹ đạo...

Xem thêm
5 phim được chiếu miễn phí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng

5 phim được chiếu miến phí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2025), phim truyện 'Hồng Hà nữ sĩ' cũng được chiếu trong đợt này.

Hơn 200 vận động viên đua thuyền đầu xuân

Giải đua thuyền nam truyền thống lần thứ 30 năm 2025 do UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) tổ chức thu hút 12 thuyền đua, với hơn 200 vận động viên tham gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất