TS sử học Nguyễn Nhã (chuyên gia nghiên cứu về biển Đông): Rất nguy hiểm
Những tác phẩm hư cấu có sức lan tỏa rất nhanh vì nó có thể tiếp cận đến mọi đối tượng, kể cả công chúng bình dân, trình độ hiểu biết không cao, và cả người trẻ hiện nay. Chính sự lan tỏa đó thì tác dụng về tuyên truyền, có hiệu quả hơn vì nó mang tính phổ biến rộng hơn, nhanh hơn.
Bây giờ mình không còn mơ hồ gì về mưu đồ bành trướng biển Đông của Trung Quốc nữa. Vì thế, việc xuất bản và phổ biến “Đạo mộ bút ký” ở Việt Nam, theo tôi, đó là những người có tội, nối giáo tiếp tay cho giặc, rất nguy hiểm đối với đất nước nếu còn những luận điểm coi đó là tác phẩm hư cấu và không có hại.
GS.TS Trần Ngọc Vương (Khoa Văn học - ĐHQG Hà Nội): Gây xói mòn niềm tin
Tác phẩm hư cấu không tác động đến người đọc ở cấp độ lý tính nhưng tác động lớn ở cấp độ tâm lý, tình cảm. Về nguyên tắc, tác phẩm hư cấu có thể gọi tên vùng đất, vùng người không xảy ra trong thực tế nhưng nhân vật vẫn có thể tham gia vào hoạt động.
Nếu hư cấu không mang chủ đích chính trị pháp lý gì thì có thể coi là vô hại. Tuy nhiên cần tính đến một thực tế là não trạng của cộng đồng, vô thức tập thể và tác động có tính chất lan truyền về mặt tâm lý và tình cảm. Những tác động đó dưới ngưỡng pháp lý nhưng bao giờ cũng gây ra những tác động không nhỏ.
Trung Quốc có một truyền thống, kể cả trong sáng tạo nghệ thuật và trong hư cấu, tưởng tượng thì họ cũng đã có một truyền thống xâm lăng về ý chí và về mặt xúc cảm đối với vùng đất khác. Điều đó không phải diễn ra hôm nay mà tư tưởng Hoa Di có từ mấy nghìn năm nay.
Trong thơ Bắc Sơn của Kinh Thi đã từng có câu: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ/ Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (nghĩa là: Khắp mọi nơi dưới gầm trời, không mảnh đất nào không phải của vua/ Từ mọi vùng đất, đến mọi bến nước, không người dân nào không phải là bề tôi của vua).
Từ đó, để hiểu rằng tâm lý thiên hạ thuộc về một người, đó là hoàng đế Trung Hoa. Tâm lý đó, đã được giáo dục, đã được truyền bá, đã được mặc định trong ý thức của mọi thế hệ người Hoa từ xưa đến nay.
Loại sách như “Đạo mộ bút ký” thực chất về thói quen của tâm lý tiếp nhận, khai thác và kế thừa thể loại tác phẩm tưởng tượng như vậy. “Đạo mộ bút ký” củng cố tâm lý hướng Hoa. Đối với cộng đồng còn sống với nhiều cảm xúc tiền duy lý (đời sống cảm xúc của tôn giáo, tư duy huyền thoại, tư duy truyền thuyết) mà người Việt Nam còn nặng nề thì chắc chắn là tác động không nhỏ.
Tư duy ấy ám ảnh người Việt Nam rất nhiều. Lối tư duy và cảm nhận tiền duy lý, như đã thấy, đang là cung cách tư duy khá phổ biến ở người Việt và cũng đang được bộ máy tuyên truyền khai thác, sử dụng. Phải tính đến mặt trái của tác động của lối tư duy này.
Loại tác phẩm như “Đạo mộ bút ký” khiến cho cả người Trung Quốc lẫn người Việt Nam gia tăng thêm phức cảm dân tộc chủ nghĩa, gây ám ảnh theo thuyết “Hoa tâm luận”. Vì thế, xuất bản “Đạo mộ bút ký” là làm xói mòn niềm tin thiêng liêng về chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển đảo Việt Nam, mà cha ông ta đã quản lý, sở hữu hợp pháp từ hàng bao thế kỷ nay.
Câu chuyện ở đây cho thấy, cần phải nhìn ra một lần nữa chủ nghĩa bành trướng vô thức được hình thành từ rất sớm, được kiến tạo trên nền tảng tiền lý lẽ, tiền luật pháp. Vì thế, thấy được tác động tai hại của “Đạo mộ bút ký” là cần thiết. Đây là trách nhiệm đối với lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, lợi ích tối thượng của toàn dân tộc.