Hai cuốn sách về Quảng Ninh dính nghi vấn đạo văn. |
Đáng chú ý, cuốn sách này thuộc Dự án Công bố, Phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam, sách Nhà nước tài trợ.
Khảo cứu kiểu "cá mè một lứa"
Phần 3 (chương 1) có tên gọi “Nơi cư trú và quan hệ cư trú” gồm 27 trang (từ trang 99 đến trang 125); phần 1 (chương 5) có tên gọi “Sinh đẻ” gồm 5 trang (từ trang 149 đến trang 153); phần “Các tục trong đám ma” (chương 5) gồm 6 trang (từ trang 165 đến trang 170); toàn bộ 32 trang của chương 7 mang tên “Lễ - Tết – Hội” (từ trang 201 đến trang 232); cùng nhiều nội dung khác được tác giả chú thích: “Phần lớn nội dung, trích dẫn trong phần này được khảo cứu và biên soạn từ tài liệu: Sách Địa chí Quảng Ninh (tập 3); Báo cáo tổng hợp dự án sưu tầm dân ca vùng biển Quảng Ninh, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh (2002); Báo cáo tổng hợp dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy một số sinh hoạt văn hóa dân gian của dân chài Cửa Vạn (vịnh Hạ Long), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (2010)”.
Rất nhiều trang trong chương 11 “Văn học dân gian” (từ trang 295 đến trang 345) được ThS. Hoàng Quốc Thái chú thích “Những trích dẫn ca dao trong phần này lấy từ các cuốn sách: Ca dao, dân ca vùng biển Quảng Ninh, Vũ Thị Gái sưu tầm – biên soạn, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh xuất bản, 2007; Di sản văn hóa làng chài vịnh Hạ Long, Cao Đức Bình – Hoàng Quốc Thái đồng chủ biên, Sở VHTTDL Quảng Ninh xuất bản năm 2010; Báo cáo tổng hợp dự án sưu tầm dân ca vùng biển Quảng Ninh, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh (2002).
Việc tác giả vo cả cụm như vậy khiến bạn đọc không biết phần sưu tầm nào của ai, thành ra “cá mè một lứa”.
"Xỉa cá mè, đè cá chép"
Chúng tôi đã thử đem so sánh chi tiết, cụ thể thì thấy như sau:
Trong sách “Văn hóa dân gian dân chài thủy cư trên vịnh Hạ Long” của ThS. Hoàng Quốc Thái, trang 311, có bài “Chắn đăng”. Tuy nhiên, đối chiếu với sách “Ca dao, dân ca vùng biển Quảng Ninh” do Vũ Thị Gái sưu tầm (2007) thì đây không phải bài Chắn đăng, mà là phần 2 của bài Hội đăng (trang 74).
Tiếp tục đối chiếu ở trang 312, sách của ThS. Hoàng Quốc Thái có bài “Thả lưới buông” nhưng đây là bài Chắn đăng (4) trong sách do bà Vũ Thị Gái sưu tầm (trang 76).
Trang 313, ông Hoàng Quốc Thái dẫn bài “Họa cá” nhưng sách của bà Vũ Thị Gái có 2 bài Họa cá được bà đánh số thứ tự là 7 và 8. Cụ thể bài Họa cá trong sách ông Hoàng Quốc Thái không đánh số thì đó là bài Họa cá số 7 của bà Vũ Thị Gái sưu tầm (trang 78).
Ai chép của ai?
Không chỉ vậy, 16 trang phần 4 “Những giá trị đặc trưng trong ca dao của dân chài vịnh Hạ Long” (từ trang 321 đến trang 336) của chương 11 “Văn học dân gian” ThS. Hoàng Quốc Thái gần như trùng lặp trong sách “Ca dao, dân ca vùng mỏ và vùng biển Quảng Ninh” NXB Lao động (2013) của PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia (Bộ VH-TT-DL).
Trong sách “Ca dao, dân ca vùng mỏ và vùng biển Quảng Ninh” NXB Lao động (2013), phần “Giá trị nghệ thuật của ca dao vùng biển Quảng Ninh”, PGS.TS Từ Thị Loan khái quát: A, Sự phong phú, tinh tế, nhuần nhuyễn về ngôn ngữ, hình ảnh. B, Tiếp thu sáng tạo các công thức truyền thống. C, Kết hợp giữa tính trữ tình và tính tự sự. D, Không gian nghệ thuật mang tính cá biệt hóa. E, Âm hưởng lạc quan, khoáng đạt, yêu đời.
Còn trong sách của ThS. Hoàng Quốc Thái những nội dung trên đều nằm trong phần 4.2: Giá trị nghệ thuật gồm các đặc điểm như sau: Sự phong phú, tinh tế, nhuần nhuyễn về ngôn ngữ, hình ảnh; Tiếp thu sáng tạo công thức truyền thống; Kết hợp giữa tính trữ tình vừa tính tự sự; Không gian nghệ thuật mang tính cá biệt hóa; Âm hưởng lạc quan, khoáng đạt, yêu đời.
Được biết, từ tháng 10/2010 đến tháng 12/2011, bà Từ Thị Loan có thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giá trị ca dao, dân ca vùng mỏ, vùng biển Quảng Ninh và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy”. Trong quá trình nghiên cứu, bà Từ Thị Loan có sử dụng và trích dẫn công trình “Di sản văn hóa làng chài vịnh Hạ Long” do Cao Đức Bình – Hoàng Quốc Thái đồng chủ biên. Một số văn nghệ sĩ tại Quảng Ninh cũng chia sẻ thông tin rằng, có thể giữa ông Hoàng Quốc Thái và bà Từ Thị Loan có thỏa thuận với nhau trong việc sử dụng tác phẩm của hai bên mà không cần dẫn nguồn tài liệu tham khảo chăng?
Để làm rõ nội dung này, PV Báo NNVN có liên hệ với PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia (Bộ VH-TT-DL) để trao đổi thông tin, nhưng bà Từ Thị Loan từ chối trả lời. Còn trao đổi với PV Báo NNVN qua điện thoại, ông Hoàng Quốc Thái – Quyền Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh lý giải đây là sách chuyên khảo, cho nên ông có thể chép những nội dung của người làm trước để quảng bá rộng rãi tác phẩm dân gian. Ông Hoàng Quốc Thái cũng khẳng định ông không hề biết tới sự tồn tại của cuốn sách do bà Từ Thị Loan là tác giả.