Cụ thể, ông Tất Thành Cang đã lạm dụng chức vụ để bán rẻ 32 ha đất tại xã Phước Kiển – Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai và phê duyệt dự án 4 con đường với giá 12 ngàn tỷ đồng.... Và tất nhiên, không ai tin việc biến đất công thành đất tư nhân là một hành vi hoàn toàn trong sáng và bất vụ lợi.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang |
Cũng có mục đích thao túng đất công như ông Tất Thành Cang, câu chuyện ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ trong vòng 2 tháng phải đối mặt với hai quyết định khởi tố, khiến dư luận ê chề. Nếu tháng 9-2018, ông Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố theo điều 219 Bộ Luật hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" thì đến tháng 11-2018, ông Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố theo điều 229 Bộ Luật hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai”. Sự khác biệt ấy chỉ nhìn thấy về mặt định dạng văn bản pháp quy, còn về mặt thực tế thì hai lần bị khởi tố của ông Nguyễn Hữu Tín đều giống hệt nhau về động cơ! Hơn nữa, cùng hội cùng thuyền với ông Nguyễn Hữu Tín trong những sai phạm luôn có ông Đào Anh Kiệt – Nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, chứng tỏ có hẳn một liên minh ma quỷ được tổ chức thành đường dây mờ ám và xảo quyệt để trục lợi từ đất công!
Những mảnh đất tại khu vực trung tâm Sài Gòn càng ngày càng khan hiếm. Có những vị trí muốn mua cũng rất khó, vì chẳng ai chịu bán. Đất vàng mà đem vàng đến đổi cũng không dễ, là một thực tế cho thấy giá trị ngất ngưởng của nó. Thế nhưng, khi sự thèm khát của giới đại gia và sự toan tính của giới quan chức gặp gỡ nhau, thì mọi sự trớ trêu và ly kỳ xuất hiện. Ông Nguyễn Hữu Tín từng làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư sau đó mới làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM nên rất tường tận đường quy trình lắt léo của những kỹ nghệ chiếm đoạt tài sản Nhà nước đang hiện hữu để bỏ vào túi riêng.
Sai phạm của ông Tất Thành Cang và ông Nguyễn Hữu Tín, có phải vì năng lực hạn chế? Chắc chắn không phải. Cả hai ông đều được đào tạo theo bài bản công chức và được rèn luyện theo chuẩn mực cán bộ lãnh đạo. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Tất Thành Cang đắc thời đắc dụng qua các phong trào thanh niên. Còn ông Nguyễn Hữu Tín vừa cầm tấm bằng cử nhân đã may mắn trở thành con rể của ông Lê Quang Chánh (từng chữ chức Phó Chủ tịch UBND TPHCM suốt giai đoạn ông Mai Chí Thọ và ông Phan Văn Khải nối tiếp nhau làm Chủ tịch UBND TPHCM) và được quy hoạch vào hệ thống lãnh đạo chính quyền. Khi thao túng đất công, ông Tất Thành Cang có nhớ đến những khẩu hiệu bay bổng mà ông hô hào với thanh niên không, và ông Nguyễn Hữu Tín có nghĩ đến nhạc phụ suốt đời phụng sự cách mạng không? Hỏi, mà thấy chua chát và xót xa!