| Hotline: 0983.970.780

Đặt kỳ vọng vào thủ phủ tôm

Thứ Sáu 20/05/2022 , 12:11 (GMT+7)

Ngày 28/7/2020 UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 18/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án 'Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Ảnh: Minh Đãm

Ngày 18/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Ảnh: Minh Đãm

Kết quả tuyệt vời sau 2 năm khởi động

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, về sản xuất giống: Toàn tỉnh có 349 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, tăng 24 cơ sở so với năm 2019. Có 30 cơ sở sản xuất tôm càng xanh giống, tăng 6 cơ sở so với năm 2019, tôm giống có chất lượng cao đạt trên 70%. Trong đó, Tập đoàn Việt Úc sản lượng tôm giống chiếm 22% thị phần cả nước, chiếm hơn 50% thị phần thị phần vùng ĐBSCL. Hiện nay, Tập đoàn này đã nghiên cứu được con tôm bố mẹ thế hệ G12 chất lượng cao được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh.

Về nuôi tôm thương phẩm, năm 2021 sản lượng nuôi trồng đạt hơn 295.880 tấn. Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững. Cụ thể là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Tôm - rừng, tôm - lúa được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững. Đặc biệt lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa.

Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã có sự phát triển nhanh so với năm 2019. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tổng số 25 công ty, đơn vị và 657 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 3.905 ha. Điểm nổi bật của mô hình này là hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm. Hiện nay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường.

Năm 2021 sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt hơn 295.880 tấn. Ảnh: Minh Đãm

Năm 2021 sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt hơn 295.880 tấn. Ảnh: Minh Đãm

Sở NN-PTNT Bạc Liêu đã thành lập tổ tư vấn phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Ban hành quy trình kỹ thuật và định mức đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham vấn.

Nói về việc giám sát dịch bệnh thủy sản ông Lưu Hoàng Ly cho biết thêm: Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Bạc Liêu triển khai kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Trong đó, hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới nhằm sớm được công nhận vùng nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và thị trường các nước.

Đặc biệt, đến nay Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục triển khai giai đoạn 2. Hiện nay đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu có 4 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Việt Úc Nhà Mát) đã thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã cấp phép đầu tư 17 dự án hoạt động nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất giống trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 5 dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài với tổng mức vốn đầu tư là 42,2 triệu USD và 12 dự án trong nước với mức đầu tư là 3.456 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 45 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế 209.700 tấn/năm. Năm 2020, sản phẩm thủy sản xuất khẩu 74.875 tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 785 triệu USD. Năm 2021, sản phẩm thủy sản xuất khẩu 73.790 tấn.

Ông Nguyễn Duy Nhân, Giám đốc Marketing Tập đoàn Việt Úc, cho biết: Đồng hành với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước, Tập đoàn Việt Úc đã xây dựng khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao Việt Úc tại huyện Hòa Bình. Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm công nghệ cao Việt Úc tại phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) và Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc nằm trong Khu Ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu. Trong năm 2021, khu sản xuất giống tại Bạc Liêu đã xuất khoảng 4,5 tỷ con tôm giống đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Dự kiến năm 2022, sản lượng cung cấp cho thị trường khoản 5 tỷ con tôm giống.

Bạc Liêu đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: Minh Đãm

Bạc Liêu đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: Minh Đãm

Quyết tâm đáp ứng sự kỳ vọng của cả nước

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu khẳng định: Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước là nhiệm vụ chính trị to lớn. Thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Bạc Liêu. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng.

Phát huy tốt tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững. Xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước về phát triển thủy sản nói chung và ngành tôm công nghệ cao của Bạc Liêu nói riêng.

Tuy nhiên, theo những phân tích đưa ra sau 2 năm thực hiện Đề án này tỉnh Bạc Liêu cũng gặp những khó khăn khách quan và chủ quan. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc triển khai thực hiện Đề án còn chậm. Nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án tương đối lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân đầu tư vào lĩnh vực thủy sản còn hạn chế.

Tiến độ đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, nhất là nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ. Nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản là rất cao.

Giải pháp thời gian tới: Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất công nghệ cao. Xây dựng sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

 Phát triển hệ thống cảng cá, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá kết hợp với cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến thủy sản. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên bờ và trên biển, cơ sở sản xuất giống thủy sản tập trung. Hoạt động khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên phát triển đường, điện cho vùng sản xuất tập trung.

Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi lạnh, vận chuyển nông sản tươi sống, bảo quản, chế biến sau thu hoạch... thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và có hiệu quả. Đề xuất Hội đồng Nhân nhân tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách đột phá như: Chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách đầu tư; chính sách thuế; chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Minh Đãm               

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Minh Đãm               

Triển khai nhiều giải pháp để thu hút nguồn lực Để hoàn thành mục tiêu Đề án, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút nguồn lực. Trong đó, đã thu hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), vốn ADB,…

Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã không ngừng khích lệ, chỉ đạo ngành nông nghiệp không ngừng đổi mới, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị đặc biệt là doanh nghiệp.

Mục tiêu chính mà Đề án hướng tới đến năm 2025

Sản xuất được 40 - 45 tỷ con giống đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận. Diện tích nuôi tôm đạt 147.900 ha, trong đó nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh 35.900 ha. Mô hình tôm - lúa 42.000 ha, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 70.000 ha. Phát triển năng lực chế biến tôm, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm...

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.