| Hotline: 0983.970.780

‘Đất rừng phương Nam’ có khoảng cách giữa sách và phim

Chủ Nhật 15/10/2023 , 20:00 (GMT+7)

‘Đất rừng phương Nam’ của nhà văn Đoàn Giỏi đang gây xôn xao trên nhiều diễn đàn về sự khác biệt giữa nguyên tác và bộ phim do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn.

Một cảnh trong bộ phim điện ảnh 'Đất rừng phương Nam'.

Một cảnh trong bộ phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam".

“Đất rừng phương Nam” được nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989) giới thiệu đến độc giả lần đầu tiên vào năm 1957, với 10 chương. Khi tái bản “Đất rừng phương Nam” vào năm 1966, nhà văn Đoàn Giỏi bổ sung thành 20 chương. Sau đó, năm 1982, khi in “Đất rừng phương Nam” lần thứ 5, nhà văn Đoàn Giỏi có chỉnh sửa vài chi tiết và có bản hoàn chỉnh chinh phục công chúng hơn bốn thập niên qua.

“Đất rừng phương Nam” được chia thành 20 chương. Chương 1: Xóm chợ nhỏ một vùng quê xa lạ. Chương 2: Trong tửu quán. Chương 3: Ông lão bán rắn. Chương 4: Đêm kinh khủng. Chương 5: Ôn lại ngày cũ. Chương 6: Bước đầu cuộc sống lưu lạc. Chương 7: Gia đình bố nuôi tôi. Chương 8: Đi câu rắn. Chương 9: Đi lấy mật. Chương 10: Trong lều người đàn ông cô độc giữa rừng. Chương 11: Rừng cháy. Chương 12: Chạm trán với hổ. Chương 13: Cái chết của Võ Tòng. Chương 14: Mũi tên thù. Chương 15: Phường săn cá sấu. Chương 16: Qua Sóc Miên. Chương 17: Sân chim. Chương 18: Rừng đước Cà Mau. Chương 19: Du kích trong rừng. Chương 20: Lên đường chiến đấu.

Dựa theo 20 chương “Đất rừng phương Nam”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã làm bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” vào năm 1997, rất được khán giả hoan nghênh. Bây giờ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại cho ra mắt bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” vấp phải nhiều ý kiến khen chê khác nhau.

Những người làm bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” hé lộ, đây là một dự án lớn. Bởi lẽ, họ đã mất 5 năm để phát triển kịch bản, mất 11 tháng casting với hơn 1000 hồ sơ đăng kí, mất 48 ngày quay chính thức tại 45 bối cảnh trải dài khắp 6 tỉnh miền Tây. Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” quy tụ 4000 con người, gồm 41 diễn viên chính, phụ và 3672 diễn viên quần chúng. Để phục vụ cho các cảnh quay, 800 bộ trang phục được may mới hoàn toàn, đi kèm với 6000 đạo cụ dành riêng và 110 xe cộ, ghe xuồng được thiết kế, sửa chữa cũng như làm mới.

Vừa công chiếu những suất đầu tiên, bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đã thu hút đông đảo người xem. Đồng thời, cũng có nhiều đánh giá rằng bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” có khoảng cách với nguyên tác và có góc nhìn hơi lệch lạc lịch sử.

Ngày 29/9, Hội đồng thẩm định phim quốc gia, đã kết luận bộ phim “Đất rừng phương Nam” không vi phạm Luật Điện ảnh và  cho phép được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, trước những dư luận không đồng thuận, thì đơn vị quản lý văn hóa cũng không thể làm ngơ.

Nhân vật Võ Tòng trong bộ phim điện ảnh 'Đất rừng phương Nam'.

Nhân vật Võ Tòng trong bộ phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam".

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” do công ty Cổ phần phim Hoan Khuê, Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân, Công ty Cổ phần Galaxy Play và Công ty TNHH Trấn Thành Town phối hợp sản xuất. Bộ phim kể về hành trình phiêu lưu của An, cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng đất Nam Kì Lục Tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước, kháng Pháp.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ: Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” có biên tập tương đồng với bộ phim truyền hình “Đất phương Nam”, lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945. Lý do thay đổi vì bộ phim muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau…

Đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…

Tuy nhiên, những tổ chức như Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn trong bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” lại gây ra nhiều ngộ nhận. Đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất với Cục Điện ảnh về phương án chỉnh sửa phim, bằng cách bỏ tên và lời thoại nhắc đến Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn”. Cụ thể, phần thoại sẽ chuyển từ Nghĩa Hoà Đoàn thành Nam Hoà Đoàn và Thiên Địa Hội thành Chính Nghĩa Hội. Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa Hội và Nghĩa Hoà Đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc.

Bên cạnh đó, điều chỉnh dòng chữ “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi lên đầu phim. Sự điều chỉnh này nhằm làm rõ hơn ý đoàn phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung này, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim.

Như vậy, bộ phim “Đất rừng phương Nam” thực sự không thể chuyển tải tinh thần cốt lõi và phong vị văn hóa của nguyên tác “Đất rừng phương Nam”. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) từng đánh giá “Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”. Còn nhà văn Anh Đức (1935-2014) từng trân trọng: “Chưa có một nhà văn nào nói về thiên nhiên Nam bộ được như Đoàn Giỏi. Nhân vật chính của ông là thiên nhiên và loài vật chứ không phải là loài người. Đoàn Giỏi là người đầu tiên kể chuyện kính dị về thiên nhiên Nam bộ. Dưới ngòi bút của ông mọi chuyện đều trở nên lạ lùng. Càng về sau này, “Đất rừng phương Nam” càng tỏ ra có vị trí vững chắc trong số các quyển sách hay nhất viết về thiếu nhi của nước ta. Và những người lớn tuổi đọc nó cũng vô cùng thích thú”.

Khi bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” ra rạp, thì tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” cũng được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ 22. Như một sự song hành, một số hình ảnh từ bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” được dùng để minh họa cho tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”.

Tiểu thuyết 'Đất rừng phương Nam' dùng hình ảnh từ bộ phim để minh họa.

Tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" dùng hình ảnh từ bộ phim để minh họa.

Xem bộ phim “Đất rừng phương Nam” càng thấy rõ thêm cái hay của tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”. Nguyên nhân chính là trình độ những nhà làm phim nước ta chưa đủ sức mô tả “Đất rừng phương Nam” một cách sống động như nhà văn Đoàn Giỏi viết: “Tía nuôi tôi thả trôi theo nước như vậy, có khi hàng hai ba giờ liền. Bao giờ ông cũng phải uống một tô nước mắm cốt, để trầm dưới nước lâu không nhiễm lạnh. Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mang chỉ lấp lóe "ánh đèn thiêng" và đôi mắt sáng ngời của tía nuôi tôi. Đang trôi xuôi, cả người ông bỗng bị xô lùi lại bởi một luồng nước tống lại cực mạnh. Nghe khì...ì... một tiếng, rồi một cái bườu trắng to cái bát trừng lên. Con cá sấu nổi lên, há họng thè lưỡi liếm mỡ cháy trong cây đèn.

Nhanh như chớp, tía nuôi tôi nín thở, dồn hết lực vào cánh tay, phóng mạnh cây lao đâm vào giữa họng nó và lập tức buông phao ra. Con cá sấu trúng thương, quẫy đuôi ầm ầm, lộn lên lộn xuống, quẫy mạnh làm cho mặt sông nổi dậy sóng cồn. Rồi nó lôi dây, mang phao chạy. Tía nuổi tôi "ì..." một tiếng. Thuyền chèo yểm hộ người thợ săn cá sấu bao giờ cũng chèo song song bên bờ, phòng trường hợp bất trắc có thể bị đôi ba con nổi lên tấn công cùng lúc thì xông ra tiếp ứng. Nghe tiếng "ì...", họ biết đã đâm trúng cá sấu rồi. Thế là thuyền chèo bay ra, đón tía nuôi tôi lên.

Con cá sấu chạy đến đâu, dây tháo theo nó đến đó. Nó cố gắng chịu đau lắm thì cũng chỉ chạy nổi đôi ba nghìn thước là cùng. Rồi dần dần đuối sức, không chịu đau nổi nữa, nó tìm một cái vịnh sâu nào đó, trầm xuống đáy”.

Xem thêm
Ninh Dương Lan Ngọc rời Việt Nam sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc xác nhận với Tiền Phong thông tin nữ diễn viên du học Australia trong vài ngày tới. Cô sẽ trở lại Việt Nam sau hai tháng nữa.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất