| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn nông nghiệp Việt Nam 2023

Thứ Tư 03/01/2024 , 15:01 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Giữa hoàn cảnh đó, ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

1.

Củng cố, kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án theo hướng gắn với thị trường, gia tăng hàm lượng công nghệ trong chế biến, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị kinh tế

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm lớn đến phát triển nông nghiệp. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng tại Festival Tôm Cà Mau 2023. Ảnh: TTXVN.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm lớn đến phát triển nông nghiệp. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng tại Festival Tôm Cà Mau 2023. Ảnh: TTXVN.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Giữa hoàn cảnh đó, ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân.

Toàn ngành thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo định hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Cùng với đó, trong năm 2023, một loạt các chương trình được phê duyệt và ban hành như: Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Những chủ trương, chính sách mới đã tạo thế và lực mới cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giúp nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế và 2023 thực sự là năm bứt phá để toàn ngành hoàn thành Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành trong những năm kế tiếp.

Xuất siêu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD.

Xuất siêu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD.

2.

Hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu Chính phủ giao, trong đó đặc biệt là tốc độ tăng trưởng đạt mức kỷ lục 3,83%, xuất siêu 11 tỷ USD

Nhờ sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt mức kỷ lục 3,83% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, xuất siêu kỷ lục 11 tỷ USD, chiềm gần 50% thặng dư của cả nền kinh tế.

Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, với số lượng sản phẩm OCOP tính đến cuối tháng 12/2023 đạt hơn 11.000, vượt mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025 là 10.000 sản phẩm.

3.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm về đầu ra

Công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng xuất khẩu được thể hiện rõ nét. Tiêu biểu là mặt hàng sầu riêng. Sau hơn 1 năm ký nghị định thư với Trung Quốc, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Cũng trong năm, ngành hàng yến, với tiềm năng xuất khẩu nhiều tỷ USD, đã được Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch. Vào ngày 16/11/2023, Bộ NN-PTNT phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức lễ xuất khẩu lô yến chính ngạch đầu tiên.

Có thể nói, việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã tiếp cận dần với tiêu chuẩn thế giới. Điều ấy thể hiện rõ nét qua việc Hoa Kỳ đã mở cửa thị trường cho quả bưởi, Nhật Bản cho phép nhập khẩu nhãn, mắc ca và New Zealand đồng ý cấp phép xuất khẩu cho quả chanh xanh.

Lễ xuất khẩu lô yến chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Lễ xuất khẩu lô yến chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

4.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực - gạo - khẳng định được vị thế trên bình diện thế giới và được quốc tế ghi nhận

Kim ngạch xuất khẩu gạo vượt ngưỡng 5 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu gạo vượt ngưỡng 5 tỷ USD.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha.

Tăng cường công tác dự tính, dự báo, kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường, Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả, ngành hàng lúa gạo tận dụng triệt để cơ hội giá gạo xuất khẩu lập đỉnh, vượt ngưỡng 600 USD/tấn, đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này vượt ngưỡng 5 tỷ USD, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo Việt Nam tiếp tục gây tiếng vang khi một lần nữa giành ngôi vị quán quân trong cuộc thi gạo ngon thế giới.

5.

Ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, đặc biệt là đã chuyển giao và xuất khẩu chính thức vacxin Dịch tả lợn Châu Phi

Lễ ký kết xuất khẩu vacxin Dịch tả lợn Châu Phi tại Quảng Ninh.

Lễ ký kết xuất khẩu vacxin Dịch tả lợn Châu Phi tại Quảng Ninh.

Toàn ngành nông nghiệp thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở 3 trục sản phẩm, từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến.

Đặc biệt, vào ngày 24/7/2023, Bộ NN-PTNT đã cấp phép cho vacxin Dịch tả lợn châu Phi được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Đến nay, số lượng vacxin sản xuất được khoảng 4,5 triệu liều. 300.000 liều trong số này đã được xuất khẩu sang Philippines.

Đánh giá cao chất lượng của vacxin Việt Nam, ngày 22/10, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), các đối tác từ nhiều quốc gia Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ... đã ký kết hợp đồng mua tiếp vacxin Dịch tả lợn Châu Phi.

6.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải…, góp phần thực hiện hóa cam kết đưa Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp khi chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các bon cho Quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), với đơn giá 5 USD/tấn CO2 và thu về 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD, đồng thời giải ngân cho các tỉnh thuộc vùng dự án (khu vực Bắc Trung bộ) để tiếp tục triển khai.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều đề án hướng tới nông nghiệp xanh như 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.

Thông tư số 15/2023/TT-BNNPTNT được phê duyệt vào cuối năm, cũng góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện và động lực tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

7.

Tận dụng đòn bẩy ngoại giao thúc đẩy giao thương nông lâm thủy sản với những thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU…, giúp gia tăng hơn nữa, cả về chất và lượng, của nông sản Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

2023 là một năm sôi động về đối ngoại với những hoạt động ngoại giao cấp cao hiệu quả.

Trong tháng 6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm khởi đầu mạnh mẽ cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa hai nước từ năm 2022.

Vào tháng 9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày. Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm chính là việc hai nước chính thức nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương.

Giữa tháng 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày. Nhân dịp này, hai bên đã ký Tuyên bố chung hơn 8.000 chữ, phá kỷ lục từ trước đến nay, trong đó đề cập đến rất nhiều lĩnh vực bao gồm thúc đẩy giao thương và ký kết các nghị định thư xuất khẩu nông sản.

8.

Tổ chức nhiều festival, triển lãm quốc tế giúp nâng tầm và quảng bá hình ảnh nông lâm thủy sản Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tại Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tại Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam.

Nhằm xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều festival trong năm 2023.

Tháng 11, Bộ phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, thu hút hơn 300 gian hàng trưng bày cùng sự tham gia của khoảng 100 nghệ nhân trên cả nước.

Đầu tháng 12, Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Festival tôm. Nổi bật trong chuỗi hoạt động này là không gian trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP, với khoảng 400 gian hàng tham gia.

Ngay sau đó, Bộ phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo. Trong khuôn khổ chương trình, 3 kỷ lục Việt Nam: Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo dài nhất; Mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành lớn nhất; Sự kiện chế biến các món bánh làm từ gạo nhiều nhất (200 món).

Cũng trong chuỗi sự kiện tại Hậu Giang, 4 hội thảo khoa học tập trung vào phát triển ngành hàng lúa gạo được tổ chức, thu hút hơn 200 đại biểu quốc tế quan tâm, theo dõi.

9.

Phối hợp các quốc gia lân cận và các tổ chức quốc tế như FAO, CGIAR, World Bank… triển khai thực hiện nhiều hội nghị mang quy mô toàn cầu tại Việt Nam, giúp nâng cao vị thế ngành nông nghiệp

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị Lương thực Thực phẩm toàn cầu lần thứ 4.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị Lương thực Thực phẩm toàn cầu lần thứ 4.

Cuối tháng 4/2023, Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Hội nghị Lương thực Thực phẩm toàn cầu lần thứ 4. Trong 4 ngày diễn ra hội nghị, 9 phiên họp chính thức, 11 phiên họp bên lề và 31 cuộc họp song phương đã được tổ chức.

Với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới”, hội nghị được hơn 300 đại biểu quốc tế đánh giá cao về công tác chuẩn bị cũng như nội dung các phiên họp.

Tháng 10/2023, trong năm làm Chủ tịch ASEAN về phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phòng chống thiên tai lần thứ 11, diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Đại biểu các quốc gia ASEAN cùng 3 đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã dự, chứng kiến và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt, Tuyên bố Hạ Long về nâng cao khả năng ứng phó sớm trước thiên tai được thông qua.

10.

Tiếp tục nỗ lực gỡ bỏ những tồn tại, hạn chế giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng 3 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá chưa được ban hành đúng kế hoạch. Ngoài ra, các chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới… cũng chưa hoàn thành.

Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Một số điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra.

Trong năm 2023, Việt Nam đã đón đoàn kiểm tra EC lần thứ 4. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” đối với đánh bắt hải sản.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Brazil

Chiều 16/11 (giờ địa phương), tại thủ đô Rio de Janeiro, Thủ tướng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Brazil.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.