“Dấu cát trong nhau” là tập thơ thứ ba của nhà thơ Ngô Minh Oanh, sau hai tập thơ “Đêm nằm nghe ký ức” và “Đất hóa miền thương”. Ở tuổi 67, ông tiếp tục tìm kiếm những xao xác bản thân với sự thong dong “Anh như bức phù điêu trầm mặc/ Để mình anh thao thức với lòng anh”.
Nhà thơ Ngô Minh Oanh có cốt cách mô phạm, nhỏ nhẹ và khiêm nhường. Cả đời theo đuổi nghề giáo, ông có học hàm Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ. Hiện tại, ông đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM kiêm thành viên Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu.
Thế nhưng, hành trình của ông kể từ ngày rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn Cam Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình luôn có một báu vật được đem theo là những câu thơ tình tự. Rất nhiều vần điệu được ông viết lặng lẽ trên bục giảng và rất nhiều vần điệu được ông cất âm thầm trong giáo án, bây giờ mới gom thành tập thơ “Dấu cát trong nhau” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. Nghĩa là, ông muốn gửi gắm cho độc giả những rung động trong trẻo của mình sau bao nhiêu năm xuôi ngược dòng chảy cuộc sống dằng dặc trìu mến xen lẫn ngổn ngang buồn thương.
Bằng bộc bạch chân thành “anh giờ bịn rịn như sương ấy”, nhà thơ Ngô Minh Oanh lật lại ký ức vừa bồi hồi vừa thăm thẳm “Bao hoài niệm xa xôi giờ trỗi dậy/ Nửa đời người trắng tóc vẫn chưa phai”, để chia sớt từng khoảnh khắc chênh chao “Mưa riêng riêng của một chiều/ Bên nhau chỉ nói những điều bâng quơ”. Cho nên, những câu thơ xuất phát từ mục đích vu vơ “ném vào gió những nỗi buồn vô tận” bỗng hồi âm những xao xuyến bất ngờ “Em mảnh như là chiếc lá thôi/ Mà xào xạc mãi ở trong tôi/ Chiều nay phố lặng, trời im gió/ Mà bão lòng tôi đã dậy rồi”.
Lẽ thường, mỗi người sáng tác đều có nỗi ám ảnh đặc trưng. Nhà thơ Ngô Minh Oanh cũng vậy, ông có sẵn trong tâm tưởng những đồi cát miền Trung khi hắt hiu khi chộn rộn, khiến đồi cát mịt mờ tuổi thơ như một thi ảnh mai phục chỉ chờ cơ duyên thăng hoa để đồi cát hẹn hò thanh xuân trở nên cồn cào hơn. Không phải tiếc công dã tràng biệt tăm biệt tích, cát hiện và cát bay qua thơ Ngô Minh Oanh có ngậm ngùi “Chia tay nhau trong im lặng/ Mai còn dấu cát trong nhau” và có cả băn khoăn “Dấu ngồi trên cát còn không/ Tiếng người đã lẫn vào trong sóng gào”.
Ít chú trọng những câu thơ vẩn vơ lơ lửng trên trang giấy như “Gió bấc thổi miên man ứa lá”, nhà thơ Ngô Minh Oanh bám chặt các dữ kiện đời thường để chưng cất ý tứ. Ông biết rộng lượng chấp nhận sự phũ phàng “Thương cho ai đã bắc cầu/ Giờ em rút ván còn đâu thuở nào” mà xây dựng quan niệm ứng xử ân cần “Đầm ngọt ngào, biển mênh mông chát mặn/ Mà tình ta không nước lợ bao giờ”. Cho nên, giữa rung lắc oái oăm “Những bon chen giữa cuộc đời tất bật/ Những lạc lầm ngỡ viên mãn tháng ngày qua”, ông vẫn có ánh mắt ấm áp trước mọi dửng dưng, trước mọi ngăn cách: “Gió cứ thổi và lòng anh sóng sánh/ Nghiêng về em phía nắng dã quỳ dâng”.
Thơ Ngô Minh Oanh không mạnh về cấu trúc và chữ nghĩa, mà có khả năng cảm hóa người khác nhờ trái tim nhân hậu. Ông bước qua năm tháng ồn ào lửa cháy khá thanh thản “Cứ lần lữa với lòng như thuở còn trẻ dại/ Ngoảnh lại, thu ơi, em đường khác mất rồi”, nên chút tình bâng quơ dẫu đã quay gót lạnh lùng vẫn chìm lắng nhớ nhung thầm kín/ Sương giăng giăng lối không che được/ Màu áo em mang đỏ ráng chiều”.
Nhà thơ Ngô Minh Oanh mang một dáng vẻ hiền lành dự phần cộng đồng sáng tạo văn chương. Thế nhưng, sự nhẫn nại san sẻ của ông đôi lúc ghi dấu bâng khuâng cho độc giả bởi sự suy tư an lành “Trọn đời người vẫn chưa đi hết cỏ/ Cứ vô tư thanh thản nẩy hết mình”.