Năm 2011, Cục Chế biến - Thương mại Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) đã cấp kinh phí xây dựng mô hình sản xuất muối trải bạt, quy mô 3ha tại HTX muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu, Phú Yên).
Muối ế 3 năm không bán được
Mô hình đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng muối, từ đó giá bán cao hơn muối thường từ 20 - 25%. Tuy nhiên, từ đó đến nay mô hình sản xuất muối trải bạt vẫn không nhân rộng ra được. Vì sao?
Ông Nguyễn Tấn Lợi, một diêm dân làm muối ở thôn Tuyết Diêm, cho hay cứ 1 sào muối (500m2), sau khi kết tinh thu được 3 gánh muối (150kg), bán với giá 600 đồng/kg muối sạch, thu được 90.000 đồng. Trong khi đó, tiền bỏ ra mua bạt (tấm bạt khổ 6x80m), giá 120.000 đồng, loại bạt này trải một thời gian ngắn là mục.
Còn bà Phan Thị Năm, một diêm dân vùng muối Tuyết Diêm, phân trần, áp dụng mô hình làm muối trải bạt thì ngoài mua bạt còn phải đầu tư kiên cố hệ thống mương, bờ bao. Vì nếu mương thấp, rỉ nước tràn vô ruộng, dù trải bạt trên khô nhưng dưới ướt do xì mặn thì khó kết tinh muối.
Còn kiên cố bờ mương, Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đầu tư thì mỗi gia đình góp 2 triệu đồng, giá muối thấp như hiện nay làm 2 - 3 năm chưa đủ trả. Số tiền này nằm ngoài khả năng của bà con diêm dân.
Nói về mô hình sản xuất muối trải bạt, ông Tăng Văn Chiến, ở vùng muối Trung Trinh (xã Xuân Phương) cho rằng, làm muối trải bạt thì giá muối sạch 1.500 đồng/kg mới có lãi, còn nay giá muối sạch bán ngoài chợ có 600 đồng/kg, cao hơn muối thường 200 đồng/kg thì diêm dân không có lãi. Trong khi đó giá muối hạ lại bán không chạy, có người 3 năm nay muối còn tồn chưa bán được.
Ông Đặng Thái Lành, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN-PTNT Phú Yên), cho hay: “Để "kích cầu" muối trải bạt thì Nhà nước cần có chính hỗ trợ vốn cho diêm dân vì số tiền bỏ ra ban đầu rất lớn. Bên cạnh đó, địa phương kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến muối để tiêu thụ muối cho diêm dân. Lâu nay tại các vùng muối chưa có nhà máy thu mua muối của diêm dân nên lượng muối tồn đọng hàng năm rất lớn”. |
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ đầu vụ sản xuất đến nay, diêm dân đã làm ra 3.600 tấn muối ráo, giảm hơn 2.400 tấn so với cùng kỳ. Muối tiêu thụ rất chậm, hiện lượng muối còn tồn đọng trong dân khoảng 1.600 tấn, chiếm gần 50% sản lượng muối thu hoạch được.
Đồng muối bỏ hoang
Những ngày qua, tại cánh đồng muối Trung Trinh, nhiều diêm dân không màng ra ruộng muối, nhiều ruộng muối bỏ hoang. Chòi muối của ông Nguyễn Văn Hiền nằm ở giữa cánh đồng muối Trung Trinh qua mùa mưa gió rách te tua, đến giờ ông chưa che chắn lại.
Ông Hiền cho hay: “Mấy hôm nay, tôi và nhiều người ở trong xóm kêu sang lại ruộng muối nhưng không ai nhận vì muối ế nhiều quá".
Cạnh đó, ông Bùi Văn Năm, một diêm dân làm muối gần 20 năm, nay đành hỏ nghề, than vãn: "Vùng này có hàng trăm tấn muối không bán được, có đống muối để lâu năm thành muối trầm mỡ. Trước đây muối có giá, đầu vụ HTX đứng ra cho vay vốn mua ky, giống, còn nay diêm dân tự bỏ tiền ra đầu tư, muối không bán được diêm dân cụt vốn nên bỏ ruộng hoang".
Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Xuân Phương, giá muối xuống thấp, khó bán nên nhiều diêm dân bỏ hoang 3ha ruộng. Còn trên địa bàn TX Sông Cầu có khoảng 8ha ruộng muối vứt không, trong đó có 5ha ở xã Xuân Bình.
Những đống muối chất cao tại cánh đồng muối thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương
Sông Cầu hiện có 171,8ha ruộng muối, bình quân mỗi năm sản xuất hơn 20.200 tấn. Tuy nhiên nếu diêm dân sản xuất muối trải bạt thì phải có nhà máy chế biến muối hầm, muối ăn, muối tiêu dùng để bao tiêu muối trải bạt cho bà con.
Thế nhưng thời gian qua do không có cơ sở sản xuất muối nên thị trường tiêu thụ muối diêm dân tự tìm, giá bán thấp nên không kích thích được sản xuất muối sạch.
Chưa nói, tại các vùng sản xuất muối, cơ sở hạ tầng chưa được nâng cấp, nhất là giao thông nội đồng gây khó khăn trong khâu vận chuyển. Đê kè, bờ bao quanh ruộng muối còn là bờ đất nên sau khi mưa to bị xói lở trôi tróc bạt làm thiệt hại trong sản xuất.