Trong những ngày đầu xuân, khi tiết trời vừa hửng nắng, trên cánh đồng lúa chín vàng tại huyện biên giới Bù Đốp, người dân đã khẩn trương ra đồng thu hoạch. Người người, nhà nhà cùng máy gặt đập liên hợp hối hả chạy đua với thời gian để nhanh chóng “giải phóng” đất làm vụ hè thu. Niềm vui được mùa hiện rõ trên gương mặt, nụ cười của những người nông dân.
Đứng đầu bờ quan sát máy gặt đập liên hợp cho ra từng bao tải thóc sau những đường gặt, ông Nông Văn Hướng ở thôn 3, xã Thiện Hưng phấn khởi cho hay: "Gia đình tôi có gần 1 ha sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 rất hiệu quả. Năm nay mưa thuận gió hòa, vụ đông xuân này sản lượng khoảng 5 tấn lúa. Được mùa, có máy làm dịch vụ gặt, tiền thuê máy cắt trừ vào tiền rơm và chỉ trong một ngày đã thu hoạch xong. Hiện giá lúa hơn 10.000 đồng/kg. Nhờ lúa trúng mùa, được giá, hầu hết người dân nơi đây đều phấn khởi".
Chị Nguyễn Thị Hạnh - một nông dân ở thị trấn Thanh Bình - phấn khởi cho biết thêm: "Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 2 ha lúa Đông Xuân, năng suất đạt hơn 6 tấn/ha. Trừ chi phí, tôi lời được khoảng 15 triệu đồng/ha. Dù chi phí sản xuất hơi cao do sâu bệnh, nhưng giá lúa giống Đài Thơm 8 tăng 500 đồng/kg so với trước Tết nên gia đình tôi vẫn có lời".
Cách đó không xa, tại cánh đồng Sóc Nê, xã Tân Tiến, dưới nắng vàng nơi biên viễn, người dân đang tranh thủ gặt theo phương châm “lúa chín tới đâu, thu hoạch tới đó".
Chỉ về phía ruộng lúa của gia đình, anh Võ Văn Thành ở ấp Sóc Nê cho biết: "Năm 2024, được Nhà nước quan tâm đầu tư tuyến kênh thủy lợi nội đồng dài hơn 6 km, tổng kinh phí đầu tư hơn 30 tỷ đồng dẫn nước xuống tận ruộng. Từ ngày chủ động được nguồn nước, với 1 ha ruộng, mỗi năm gia đình anh thu gần 15 tấn lúa. Nay trồng lúa có máy móc hỗ trợ, người dân khỏe lắm. Tính ra, với 15 tấn lúa, giá bán dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, gia đình thu về hơn 120 triệu đồng, chưa trừ chi phí. So với nhiều cây trồng khác như điều, cao su thì thu nhập từ cây lúa gần bằng, có thời điểm còn cao hơn".
Không chỉ nông dân trồng lúa mà cả người lao động cũng có thêm thu nhập trong mùa thu hoạch. Ông Điểu Hiên, một lao động vác lúa, cho biết: “Sau vài ngày nghỉ Tết, tôi đã bắt đầu công việc từ mùng 4 tháng Giêng, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày từ việc bốc vác lúa”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, địa phương có khoảng 1.800 ha canh tác lúa nước. Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 1.000 ha lúa. Thời tiết vụ mùa năm nay cơ bản thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh không xảy ra nhiều, thêm vào đó là sự tập trung chăm sóc của nông dân nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, cho biết thêm: "Với đặc thù là huyện biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lúa là cây trồng chủ lực của đồng bào nơi đây. Thời gian qua, địa phương quan tâm đầu tư các hệ thống kênh mương thủy lợi giúp người dân canh tác 3 vụ/năm. Qua đó, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trên địa bàn huyện hiện có 7 công trình hồ đập thủy lợi và hệ thống kênh mương kiên cố, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới tiêu cho hơn 3.500 ha đất sản xuất, trong đó có hơn 1.800 ha trồng lúa. Nhờ chủ động nguồn nước từ các công trình thủy lợi, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng".
Trên những “dải lụa vàng” quyện màu nắng, gió xuân và hương lúa mới len lỏi từng nếp nhà, những chuyến xe lúa đong đầy niềm vui được chuyển về sân phơi. Một mùa vàng no ấm đang về với nông dân biên giới Bù Đốp, giúp họ đón năm mới Ất Tỵ 2025 sung túc hơn.