| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh thương mại nông sản Việt Nam - Hoa Kỳ

Thứ Hai 14/09/2020 , 19:36 (GMT+7)

Theo Bộ NN-PTNT, những năm qua, giá trị thương mại hai chiều, đặc biệt là thương mại nông sản giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng trưởng liên tục với mức tăng gần 30%.

Ngày 14/9, Bộ NN-PTNT cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện mộ số bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp nhập khẩu nông sản thực phẩm đã tổ chức cuộc họp nhằm thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ thị trường Hoa Kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâmthủy sản giữa hai nước đạt 7,53 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, xuất khẩu đạt 5,43 tỷ USD tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ 7 tháng đầu năm 2020 (Đơn vị: Tỉ USD. Nguồn: Bộ NN-PTNT). Đồ họa: Lê Bền.

Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ 7 tháng đầu năm 2020 (Đơn vị: Tỉ USD. Nguồn: Bộ NN-PTNT). Đồ họa: Lê Bền.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2020, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019; thủy sản đứng thứ hai đạt kim ngạch 838 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; thứ ba là hạt điều đạt 592 triệu USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; tiếp đến là các sản phẩm cà phê, cao su, mây tre cói, rau quả, hồ tiêu …

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nông sản chính nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong 7 tháng năm 2020 như thức ăn gia súc và nguyên liệu, đạt 270 triệu USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ 2019; đậu tương đạt 218 triệu USD, tăng 25,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 188 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ 2019; rau quả đạt 181 triệu USD, tăng 16,5%; sữa và sản phẩm sữa đạt 116 triệu USD, tăng 55%; lúa mỳ đạt 62 triệu USD, tăng 236% so với cùng kỳ 2019, bông các loại, đạt 936 triệu USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù đạt mức thặng dư lớn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ (3,33 tỷ USD trong 7 tháng năm 2020), nhưng xét trong tổng thể nền kinh tế, thặng dư nhóm hàng nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 10% tổng xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này...

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định lại chủ trương của Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam, đó là luôn mong muốn duy trì hài hòa trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện nay, giữa Việt Nam và Mỹ cũng có nhiều mặt hàng nông sản mà hai nước có lợi thế, không xung đột nhau mà cả hai nước đều có nhu cầu nhập khẩu.

Cơ cấu kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam từ Hoa Kỳ 7 tháng đầu năm 2020 (Đơn vị: Tỉ USD. Nguồn: Bộ NN-PTNT). Đồ họa: Lê Bền.

Cơ cấu kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam từ Hoa Kỳ 7 tháng đầu năm 2020 (Đơn vị: Tỉ USD. Nguồn: Bộ NN-PTNT). Đồ họa: Lê Bền.

Tiêu biểu như Việt Nam có lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như thủy sản, lúa gạo, rau quả nhiệt đới... Ngược lại, Việt Nam cũng đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, một số sản phẩm thịt gia súc, một số mặt hàng hoa quả ôn đới...

Đặc biệt với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, DDGS... là những mặt hàng rất thiết yếu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam, phía Việt Nam không có lợi thế sản xuất, lợi thế cạnh tranh và cũng là mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để xuất khẩu sang Việt Nam.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Mỹ, thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã kiến nghị và đã được Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản từ Mỹ như: lúa mỳ (giảm từ 5% xuống 3%), táo, nho tươi (từ 10% xuống 8%), hạnh nhân (từ 15% xuống 10%), óc chó (từ 10% xuống 8%), thịt lợn (từ 25% xuống 22%), ethanol (từ 20% xuống 15%), sản phẩm sữa (tùy chủng loại, mức thuế giảm từ 5% xuống 2%, 10% xuống 5% hoặc 7%...).

Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh quá trình đàm phán, mở cửa đối với một số mặt hàng trái cây của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam như bưởi chùm, nhóm quả hạch (mơ, xuân đào, mận Nhật); một số mặt hàng sản phẩm chăn nuôi...

Làm việc với Bộ NN-PTNT, ông Robert Hanson, Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ NN-PTNT cũng như các đơn vị liên quan thời gian qua đã triển khai tháo gỡ các thủ tục, khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi nhất cho các hoạt động nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Đặc biệt, ông Robert Hanson cảm ơn và đánh giá cao các nỗ lực của Cục BVTV, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã triển khai các thủ tục đàm phán nhằm mở cửa cho một số mặt hàng trái cây; sản phẩm thịt, thủy sản; kịp thời tiếp thu tháo gỡ một số khó khăn về quy định chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi... của Mỹ được nhập khẩu vào Việt Nam.

Tham tán nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng mong muốn trong thời gian tới, phía Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề nghị giảm thêm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản từ Mỹ, tăng cường hợp tác về lĩnh vực sản xuất Ethanol từ ngô...

Theo các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của Việt Nam, mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ về Việt Nam vẫn được duy trì, tăng trưởng thuận lợi, nhiều doanh nghiệp cho biết mức tăng sản lượng từ 15-20% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt năm nay, các sản phẩm ngũ cốc lớn của Mỹ như ngô, đậu tương đều rất được mùa, vì vậy các nhà nhập khẩu của Việt Nam đang rất sẵn sàng để tăng cường việc nhập khẩu trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu trái cây, thịt từ Hoa Kỳ cũng cho biết việc tiêu thụ tại thị trường Việt Nam khá khả quan, ngày càng được người tiêu dủng Việt Nam đánh giá cao và tăng khá về lượng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị các doanh nghiệp Mỹ cần chủ động hơn nữa trong việc chào hàng cho các đối tác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời cần tăng sức cạnh tranh, cải thiện một số tiêu chuẩn chất lượng đối với nguyên liệu thức ăn. Bởi hiện nay, không chỉ có Mỹ mà các nước Nam Mỹ khác như Brazil, Argentina, Úc... cũng là những “ông lớn” về sản xuất ngũ cốc như ngô, đậu tương và có giá cả, chất lượng cạnh tranh rất khốc liệt với Mỹ.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.