| Hotline: 0983.970.780

Phải luôn đau đáu với câu hỏi 'khi nào gỡ được thẻ vàng IUU?'

Thứ Năm 24/03/2022 , 22:14 (GMT+7)

Song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý Thái Bình phát triển cơ sở hạ tầng cảng cá một cách đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng kiểm tra cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng kiểm tra cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 24/3, kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gỡ thẻ vàng IUU, và cho rằng đây là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành.

"Hòa chung dòng chảy của ngành nông nghiệp, thủy sản cần khai thác một cách bền vững. Chống khai thác IUU là một biện pháp giúp đạt được mục tiêu ấy. Nó không những giúp nâng vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, mà còn xây dựng môi trường xanh, trong sạch cho thế hệ sau", Thứ trưởng chia sẻ.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, các đơn vị liên quan tới việc chống khai thác IUU phải thường trực đặt ra câu hỏi "khi nào gỡ được thẻ vàng IUU". Ông cho rằng, chỉ khi đau đáu với suy nghĩ ấy, tất cả mới có sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ, biến tư duy thành hành động.

Từng làm việc nhiều lần với Ủy ban châu Âu (EC), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý Thái Bình nói riêng và 28 tỉnh, thành phố ven biển, rằng tổ chức này luôn thực hiện công tác thanh tra nghiêm ngặt. Do đó, công tác chống khai thác IUU không thể lơ là một giây phút nào.

"Tàu không quản được thì cá không quản được, từ đó dẫn đến hệ lụy không thể truy xuất được nguồn gốc thủy sản khai thác. Quản lý cả một đội tàu lớn là nhiệm vụ không dễ, yêu cầu sự phân cấp rõ ràng trong các công tác triển khai", Thứ trưởng nêu quan điểm.

Thời gian qua, Thái Bình đẩy mạnh việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Tỷ lệ lắp trên toàn tỉnh đạt khoảng 94%. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc địa phương sát sao hơn nữa. Ông nêu thực tại ở một số nơi, là tàu nằm bờ vẫn bật thiết bị định vị. Vì vậy, quản lý đội tàu vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc gỡ thẻ vàng IUU.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT hỏi cặn kẽ sản lượng khai thác qua cảng Cửa Lân, số lượng tàu thuyền, đồng thời lật từng cuốn sổ ghi chép nhật ký để đối chiếu, và thị sát công tác quản lý của địa phương.

Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng lưu ý địa phương vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân. Thứ trưởng cho rằng, đối tượng cần tuyên truyền số một chính là ngư dân, nhưng họ thường ít ở trên đất liền. Do đó, các hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú. Ngoài kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên, các ban quản lý cảng cá cần tăng cường sử dụng loa truyền thanh, phát tờ rơi, thậm chí đến tận nhà ngư dân vận động. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (bên phải) kiểm tra nhật ký ghi chép của các tàu tại cảng Cửa Lân. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (bên phải) kiểm tra nhật ký ghi chép của các tàu tại cảng Cửa Lân. Ảnh: Bảo Thắng.

Thái Bình là tỉnh có tiềm năng lớn về thủy sản, với chiều dài đường bờ biển gần 50 km, tổng diện tích mặt nước gần 16.000 ha. Theo Sở NN-PTNT Thái Bình, tổng sản lượng thủy sản năm 2021 của tỉnh đạt 272.120 tấn tăng 4,5%; giá trị sản xuất đạt 5.574,8 tỷ đồng, tăng 4,19% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 96.611 tấn, giá trị khai thác đạt 1.456 tỷ đồng. 

Những năm gần đây, số lượng tàu cá khai thác hải sản vùng khơi, vùng lộng phát triển, giảm dần số tàu cá hoạt động ven bờ. Đến tháng 3/2022, tổng số tàu cá được đăng ký và nhập vào phần mềm dữ liệu tàu cá Quốc gia Vnfishbase là 736 tàu cá. Trong đó, số tàu được kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận đủ khả năng hoạt động thủy sản là 340; số tàu được cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định là 562.

Về nuôi trồng thủy sản, Thái Bình tiếp tục phát triển đa dạng các phương thức như lồng, bè, bãi triều... và sử dụng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế gồm cá lăng, diêu hồng, cá chim vây vàng, cá song, ba ba, cá hô, cá nâu, cá tra. Toàn tỉnh hiện có 633 lồng nuôi cá, năng suất đạt 5-7 tấn/lồng tương đương 1 ha diện tích ao nuôi nội đồng; và 520 bè nuôi hàu cửa sông. Thái Bình cũng nâng cấp 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, từng bước đáp ứng nhu cầu nội tại. 

Xác định thủy sản là ngành hàng đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, nhưng Thái Bình vẫn gặp một số khó khăn trong việc đẩy mạnh hoạt động này. Nguyên nhân do giá xăng dầu tăng cao khiến đa số chủ tàu cá nằm bờ không đi khai thác; hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ yếu sản xuất theo hộ cá thể, diện tích nhỏ, lẻ, hạ tầng không đồng bộ, năng suất chưa cao; 80% con giống phải nhập về từ các tỉnh ngoài, chất lượng khó kiểm soát, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.

Qua thị sát cảng Cửa Lân, cũng như thăm một số cơ sở nuôi trồng, con giống thủy sản của Thái Bình, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực tái cơ cấu và sự mạnh dạn đầu tư của ngành thủy sản tỉnh.

Nhằm giúp Thái Bình tăng tốc độ phát triển nông nghiệp, Thứ trưởng gợi ý tỉnh tập trung phát triển sản phẩm thế mạnh, nâng cao chất lượng để đạt công nhận chỉ dẫn địa lý, và giao Tổng cục Thủy sản phối hợp tỉnh khai thác tối đa tiềm năng diện tích mặt nước. Ông cũng nói sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc nâng cấp, phát triển hạ tầng vùng sản xuất ngao giống tập trung tại huyện Thái Thụy.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông Hoàng Minh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình - cam kết, đơn vị sẽ tiếp tục công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND các cấp và Sở NN-PTNT phương án nâng cấp các cảng cá trên địa bàn sao cho tương xứng với tiềm năng phát triển thủy sản của tỉnh.

Hai nhiệm vụ được ông Giang nhấn mạnh, gồm tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều phối của cán bộ quản lý cảng cá; và sâu sát hơn nữa hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chống khai thác IUU tới từng ngư dân. 

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cấp cứu 2 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sáng 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 trẻ mầm non, trong đó 2 cháu bé có biểu hiện ngộ độc.