| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Thái Bình 'tiến thoái lưỡng nan'

Thứ Hai 04/04/2022 , 10:59 (GMT+7)

Không ra khơi sẽ bị áp lực trả lãi vay còn ra khơi cầm chắc thua lỗ do giá dầu quá cao khiến ngư dân Thái Bình rơi vào cảnh 'tiến thoái lưỡng nan'.

Tàu thuyền ngư dân nối đuôi nhau nằm bờ tại cảng cá Tân Sơn, sông Diêm Hộ, Thái Thụy, Thái Bình không dám ra khơi vì sợ lỗ do giá xăng dầu đang ở mức cao. Ảnh: Trung Quân.

Tàu thuyền ngư dân nối đuôi nhau nằm bờ tại cảng cá Tân Sơn, sông Diêm Hộ, Thái Thụy, Thái Bình không dám ra khơi vì sợ lỗ do giá xăng dầu đang ở mức cao. Ảnh: Trung Quân.

Ra khơi cầm chắc phần lỗ

Ghi nhận trên địa bàn huyện Thái Thụy, Thái Bình, khác hẳn không khí tấp nập, nhộn nhịp người mua, kẻ bán tại các cảng cá như mọi năm, năm nay dù đã bước sang những ngày cuối tháng 3, nhưng tàu, thuyền đánh bắt cá vẫn nối đuôi nhau xếp hàng dài trong cảng neo đậu, chưa dám ra khơi vi lo phải bù lỗ chi phí sau mỗi chuyến đánh bắt. Sự lo âu, bất an là điều dễ nhận thấy trên gương mặt của mỗi chủ tàu nơi đây.

Ông Tạ Đình Thu, khu 9, Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy cho biết: Gia đình ông có 4 tàu đánh bắt cá công suất từ 850CV đến 1.000CV, đều có thể đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hơn tháng nay cả 4 tàu đều phải nằm bờ, chưa dám ra khơi vì các khoản chi phí đầu tư đều tăng, trong đó giá xăng dầu tăng cao là nguyên nhân chủ yếu.

Theo ông Thu, cùng thời điểm này những năm trước, giá dầu chỉ ở mức 15.000 - 16.000 đồng/lít, hai tàu đánh bắt của ông mỗi chuyến đi biển trong thời gian một ngày đêm tiêu tốn khoảng 1.400 lít dầu, tương đương với số tiền khoảng 19 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá dầu như hiện tại, số tiền đó tăng lên 32 - 34 triệu đồng. Nếu cộng với các khoản chi phí khác như trả lương công nhân đánh bắt, vận chuyển, hao tổn máy móc, tiền sửa chữa ngư lưới cụ,... với 40 triệu đồng thu được/chuyến sẽ nắm chắc phần lỗ.

“Thời điểm này quả thực không chủ tàu nào dám ra khơi, dù đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền mua sắm tàu thuyền, trang thiết bị. Giờ để tàu nằm im ai cũng lo lắng, nhưng càng cố đi càng lỗ nên chỉ biết ngồi đợi giá xăng dầu hạ nhiệt để quay lại hoạt động”, ông Thu than thở.

Theo ông Tạ Đình Thu, khu 9, Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình, với giá xăng dầu như hiện tại, chi phí cho một chuyến đi của ngư dân tăng từ 12 - 14 triệu đồng so với trước đây. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Tạ Đình Thu, khu 9, Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình, với giá xăng dầu như hiện tại, chi phí cho một chuyến đi của ngư dân tăng từ 12 - 14 triệu đồng so với trước đây. Ảnh: Trung Quân.

Anh Lương Tiến Hoàng, người cùng khu 9, thị trấn Diêm Điền, chủ 2 tàu cá công suất 350CV chia sẻ: Từ tết đến nay, anh cho 2 tàu xuất hành được 4 chuyến, trừ chuyến khai xuân gọi là hòa vốn, 3 chuyến còn lại đều phải bù lỗ 10 triệu đồng/2 tàu. 

“Trước đây giá dầu thấp, tàu ra khơi không phải suy nghĩ nhiều vì kiểu gì dù ít hay nhiều cũng sẽ có lãi, chí ít là hòa vốn. Tuy nhiên, với tình hình giá dầu hiện nay, nếu đi như vậy chắc chắn lỗ, bởi nguồn lợi thủy hải sản ngày một ít đi, nếu tàu càng đi dài ngày để đạt sản lượng chi phí lại đội lên càng lớn”, anh Hoàng cho hay.

Đang cặm cụi lau chùi, tra dầu, nối lại những đoạn dây điện cho động cơ bị chuột cắn đứt do tàu lâu không hoạt động, ông Trịnh Quốc Trưởng, xã Thụy Hải, Thái Thụy, chủ tàu cá neo đậu trong cảng cá Tân Sơn than thở: Mang tiếng là chủ tàu nhưng không có được ngày nào ngủ ngon giấc vì để có tiền đầu tư mua thuyền gia đình đã phải thế chấp sổ đỏ, vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hai năm nay cố gắng hết khả năng thu nhập chỉ đủ trả lãi, giờ tàu không ra khơi được không biết phải xoay trở thế nào.

“Năm 2021, khi giá xăng dầu vẫn ở mức thấp, hoạt động của tàu thuyền bị gián đoạn do dịch Covid-19, thiếu hụt lao động nên mật độ ra khơi ít, sức ăn của thị trường giảm nên giá bán các loại hải sản cũng giảm theo, chủ tàu không có lãi. Năm nay, khi mọi hoạt động được bình thường trở lại, ai nấy hồ hởi vươn khơi thì giá xăng dầu lại đột ngột tăng cao, thật không biết nói thế nào”, ông Trưởng ngậm ngùi.

Cũng theo ông Trưởng, các tàu ngoài phải đối mặt với khó khăn giá xăng dầu tăng cao, giá bán tôm, cá... không tăng mà có xu hướng giảm trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, những loại thủy hải sản xuất khẩu giảm 150.000 - 200.000 đồng/kg, điều này càng làm cho các tàu đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Ông Trịnh Quốc Trưởng, xã Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) đang bất an do tàu không ra khơi sẽ không có chi phí trang trải cuộc sống và trả lãi khoản vay ngân hàng đầu tư mua tàu. Ảnh: Trung Quân.

Ông Trịnh Quốc Trưởng, xã Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) đang bất an do tàu không ra khơi sẽ không có chi phí trang trải cuộc sống và trả lãi khoản vay ngân hàng đầu tư mua tàu. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Văn Lang, Đội trưởng đội tự quản tàu thuyền thị trấn Diêm Điền thông tin: Hiện tại, có khoảng 200 tàu thuyền thường xuyên ra vào neo đậu trong cảng cá Tân Sơn. Thông thường mọi năm, thời điểm này trừ trường hợp biển động, các tàu mới nằm bờ không là luôn kín lịch ra khơi. Tuy nhiên, năm nay lượng tàu ra khơi chỉ đếm trên đầu ngón tay do các chủ tàu đều e ngại trước việc giá xăng dầu tăng cao, ra khơi không có thu, không cẩn thận là bù lỗ nên chọn cách ngồi đợi, nghe ngóng tình hình rồi mới quyết định.

Hệ lụy dây chuyền đi kèm rất lớn

Ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình chia sẻ: Hiện nay, toàn xã có 55 tàu đánh bắt, khai thác thủy hải sản các loại với hơn 400 lao động tham gia. Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều tàu thuyền của người dân trên địa bàn xã không ra khơi.

Trong đó, tỷ lệ nằm bờ nhiều nhất là các tàu đánh bắt xa bờ, các tàu đánh bắt tầm trung và gần bờ cũng chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có tàu không hoạt động. Qua nắm bắt thông tin từ các chủ tàu, việc tạm dừng ra khơi là do ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng cao, kéo theo chi phí vận hành tàu tăng theo, nếu ra khơi thì chỉ cầm chắc bù lỗ.

Cũng theo ông Bình, với đặc thù là xã không có diện tích đất canh tác lúa, không có kênh mương nước ngọt nào chảy qua địa bàn, nên toàn bộ thu nhập, đời sống của người dân trong xã đều gắn với việc đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản.

Do đó, việc nhiều tàu không ra khơi, trước hết là làm giảm nguồn thu nhập, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, rất nhiều tàu là do người dân vay vốn để đầu tư nên khi nguồn thu bị gián đoạn, không có tiền trả lãi các khoản vay nên khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Tàu không ra khơi, các chủ tàu vẫn phải túc trực trông nom, bảo dưỡng động cơ, sẵn sàng vươn khơi khi thuận lợi và di chuyểnvào nơi tránh trú bão. Ảnh: Trung Quân.

Tàu không ra khơi, các chủ tàu vẫn phải túc trực trông nom, bảo dưỡng động cơ, sẵn sàng vươn khơi khi thuận lợi và di chuyểnvào nơi tránh trú bão. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài ra, việc các tàu cá tạm dừng hoạt động cũng ảnh hưởng đến các dịch vụ hậu cần nghề cá như chế biến, sản xuất ngư lưới cụ, nuôi trồng thủy hải sản khác... Cụ thể, khi tàu nằm bờ sẽ dẫn tới thiếu nguyên liệu cung cấp cho các xưởng chế biến khiến những xưởng này cũng buộc phải tạm dừng hoạt động theo.

Với hoạt động nuôi trồng, trên địa bàn xã Thụy Hải, người dân đang nuôi diện tích rất lớn cá vược, cá song... Trong khi đó, thức ăn của những loại cá này đa phần là cá nhỏ được các tàu đánh bắt ở biển về nên khi tàu không hoạt động làm các diện tích nuôi trồng cá vược, cá song bị thiếu hụt nguồn thức ăn. Nếu các hộ đi mua ở nơi khác về sẽ đẩy chi phí đầu vào lên rất cao, chưa nói đến việc nhiều hộ không thể mua tìm mua được loại cá tạp này.

“Việc người dân vươn khơi, bám biển không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, chăm sóc con cái mà lớn hơn là mỗi ngư dân sẽ là một thành viên tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, khi nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, việc nhiều ngư dân chuyển hướng nghề nghiệp hoặc bỏ nghề là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải bày tỏ quan ngại.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.