| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 26/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 26/08/2015

Dạy trẻ… liều?

Dạy, rèn luyện để học trò tăng thêm lòng dũng cảm là điều tốt. Nhưng dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh thì là liều lĩnh, mù quáng chứ không còn là dũng cảm.

Mấy hôm nay, cư dân mạng xôn xao trước một cuốn sách có tên là “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” do hai tác giả của nhóm Tâm Việt (một trong những trung tâm huấn luyện kỹ năng sống tại Việt Nam) biên soạn và NXB Giáo dục ấn hành, trong đó có đoạn dạy cách tăng lòng dũng cảm cho trẻ bằng cách… đi chân trần trên thảm thủy tinh vỡ.

Đoạn sách ấy có tên là “bạn An dũng cảm”, nội dung như sau: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dầy trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi. An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng.

Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không còn đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.

Cư dân mạng xôn xao là có lý. Bởi muốn dạy trẻ lòng dũng cảm thì phải phân biệt một cách rõ ràng thế nào là dũng cảm? Thế nào là liều? Dũng cảm khác với liều ở chỗ nào?

Dũng cảm là hành vi cao quý của con người, và những hành vi đó luôn có mục đích rất rõ ràng là vì người khác, vì cộng đồng mà xả thân, kể cả phải hy sinh tính mạng của mình. Ví như lao mình xuống dòng nước để cứu người đang bị đuối nước, tham gia truy bắt một tên cướp khi nó vừa hành sự xong, ngăn cản không cho bọn côn đồ hành hung những người yếu đuối, hay như hành vi của những “hiệp sỹ” chống trộm cướp ở Bình Dương.

Và trên thực tế đã có rất nhiều tấm gương dũng cảm như vậy, như trong vụ chìm tàu ở ngoài khơi biển Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Trần Hữu Hiệp đã cởi chiếc áo phao mình đang mặc nhường cho một phụ nữ, khi thấy chị này đang đuối nước, còn bản thân anh thì chấp nhận cái chết.

Hay như trung sỹ Đỗ Đăng Long thuộc tiểu đoàn cảnh sát cơ động thành phố Hải Phòng, đã quên mình truy bắt tên cướp có vũ khí và đã chấp nhận hy sinh để bắt được nó… Lòng dũng cảm luôn được cha ông ta khuyến khích bằng những câu như “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng cảm)” hay “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha”…

Còn liều là hành vi mù quáng, không vì người khác, không vì cộng đồng và bất chấp hậu quả, như chặn xe của lực lượng chức năng khi lực lượng đó đang thi hành công vụ, chống lại CSGT khi mình đã vi phạm luật giao thông…

Việc dạy trẻ lớp 1 đi trên thảm thủy tinh vỡ cũng không vì người khác, không vì cộng đồng, và cũng bất chấp hậu quả là những mảnh thủy tinh vỡ kia có thể cứa đứt chân đứa trẻ. Đó chính là liều, là dạy học trò liều.

Tâm hồn các cháu học sinh lớp 1 như những tờ giấy trắng. Các cháu chưa phân biệt được việc đi trên thảm thủy tinh ở nhà trường khác với đi trên đống thủy tinh vỡ ở ngoài đường là thế nào? Đi trên thảm thủy tinh ở nhà trường, nếu chẳng may làm sao thì còn bạn bè, thày cô và có y sỹ của nhà trường giúp đỡ.

Đi đường, gặp đống thủy tinh vỡ, nhớ đến “bài học” ở nhà trường, các cháu cứ điềm nhiên bước qua, thì hậu quả sẽ ra sao?

Dạy, rèn luyện để học trò tăng thêm lòng dũng cảm là điều tốt. Nhưng không thiếu gì cách.

Bình luận mới nhất