| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL sẵn sàng khởi động Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao

Thứ Tư 01/02/2023 , 16:32 (GMT+7)

Tổng đầu tư dự kiến cho Đề án giai đoạn 2023 - 2030 là trên 40.000 tỷ đồng. Nông dân là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, với chính sách đề xuất 30% chi phí mua giống lúa xác nhận ở định mức lượng giống sử dụng 80 kg/ha trong 4 vụ đầu liên tiếp...

Sẵn sàng khởi động

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh các địa phương vùng ĐBSCL tham vấn ý kiến, hoàn thiện nội dung và phương thức tổ chức Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhanh chóng đưa đề án vào triển khai thực hiện.

Ảnh 1

Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh các địa phương vùng ĐBSCL tham vấn ý kiến, hoàn thiện Đề án Phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang phấn khởi cho biết, dự kiến tỉnh sẽ đăng ký tham gia 200.000ha trong đề án. Bao gồm sản xuất giống lúa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu sản xuất của tỉnh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Ông Lâm tự tin ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện thành công đề án này. Hiện nay, An Giang có khoảng 30.000ha sản xuất lúa giống với 20 doanh nghiệp đang tham gia liên kết. Với Đề án, tỉnh An Giang sẽ có thêm sự hỗ trợ của các viện, trường, chuyên gia có kinh nghiệm, đảm bảo duy trì được diện tích sản xuất lúa giống. Bên cạnh đó, tỉnh có sự trợ lực lớn từ 5.000 hộ nông dân chuyên sản xuất lúa giống và có thể lai giống, thuận lợi cho tỉnh khi triển khai đề án.

Tuy nhiên, ông Lâm bày tỏ băn khoăn “làm sao để tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi lúa gạo có đủ cơ sở, điều kiện và hăng hái tham gia”. Thực tế, trải qua đợt dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lãi suất ngân hàng đang tăng, nhiều doanh nghiệp vùng ĐBSCL gặp khó khăn, diện tích liên kết ngày càng co lại, chưa có điều kiện để đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi lúa gạo nói riêng.

Ảnh 2

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, dự kiến tỉnh An Giang sẽ đăng ký tham gia 200.000ha trong Đề án. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lâm cho rằng, để Đề án thực hiện thành công, cần có sự tính toán kỹ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, chính sách đất đai. Bên cạnh đó, Đề án cần có sự đồng hành tham gia của nhiều bên liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, các hiệp hội ngành hàng…

“Hiện quỹ đất công của tỉnh An Giang đã gần hết, nếu không có chính sách đột phá, đặc thù dành cho doanh nghiệp, việc liên kết chỉ dừng lại ở diện tích, doanh nghiệp sẽ không đủ tiềm lực đầu tư nhà máy chế biến”, ông Lâm bày tỏ.

Các địa phương khác trong vùng đã lên kế hoạch, phương án triển khai đề án như Cà Mau cam kết tham gia với diện tích khoảng 100.000ha, Hậu Giang dự kiến tham gia khoảng 30.000ha, TP Cần Thơ khoảng 50.000ha trong vùng sản xuất lúa tập trung trên địa bàn thành phố.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, dựa vào các điều kiện tự nhiên và khả năng thực tế, Sở NN-PTNT tỉnh đang rà soát, tham mưu UBND tỉnh tham gia đề án theo 3 phương án, với diện tích dự kiến lần lượt là 100.000ha, 140.000ha hoặc 180.000ha.

Trước quyết tâm và tâm thế sẵn sàng khởi động Đề án, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, mục tiêu chính của đề án là tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực là lúa gạo. Các địa phương cần xác định nhiệm vụ chính trị là giữ đất lúa và khi giữ đất lúa phải nâng giá trị cây lúa cho bà con nông dân.

Vấn đề quan trọng đối với các địa phương vùng ĐBSCL là xây dựng được vùng nguyên liệu. Với các doanh nghiệp khi tham gia Đề án cần xác định trách nhiệm là phải gắn kết với bà con nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bởi thực tế hiện nay rất ít doanh nghiệp lúa gạo xây dựng được vùng nguyên liệu riêng.

Hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô lớn

Theo Đề án, mục tiêu nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài. Từ đó, tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Để hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn, Đề án đưa ra nhiều mục tiêu thiết thực. Nổi bật, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL sẽ đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng với sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo). Thúc đẩy lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Giảm lượng lúa giống xuống còn 80 kg/ha và lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%. Song song đó, tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 80%, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%.

Ảnh 3

Theo Đề án, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng. Ảnh: Kim Anh.

Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL sẽ tăng lên, đạt 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng. Sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo). Chỉ tiêu lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%. Tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 100%. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%.

Để xây dựng vùng lúa chất lượng cao, trong Đề án đã đưa ra 5 tiêu chí về vùng sản xuất, sản xuất lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ và hợp tác xã tham gia đề án.

Trong đó, vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao là vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa nước ổn định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời là vùng đặc thù một vụ lúa ổn định có luân canh với thủy sản hoặc cây trồng cạn. Diện tích thực hiện mô hình phải có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, hạ tầng giao thông tốt phục vụ cho công tác cơ giới hóa các khâu.

Vùng sản xuất lúa chất lượng cao phải đảm bảo tổ chức sản xuất giống hoặc đặt hàng các tổ chức, doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất, cung ứng giống lúa cấp xác nhận. Bộ giống lúa ưu tiên sử dụng là giống lúa thơm, lúa chất lượng cao được thị trường tiêu thụ trong nước chấp nhận và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ảnh 4

Tổng đầu tư dự kiến cho Đề án trong giai đoạn 2023 - 2030 là trên 40.000 tỷ đồng. Ảnh: Kim Anh.

Doanh nghiệp khi tham gia Đề án cũng phải đảm bảo có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm dài hạn từ 2 năm trở lên với hợp tác xã. Đồng thời, các hợp tác xã khi tham gia thì điều kiện đầu tiên phải có đất chuyên trồng lúa phù hợp với tiêu chí của vùng sản xuất.

Tổng đầu tư dự kiến cho Đề án trong giai đoạn 2023 - 2030 là trên 40.000 tỷ đồng. Nông dân tham gia liên kết là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, với chính sách đề xuất 30% chi phí mua giống lúa xác nhận ở định mức lượng giống sử dụng 80 kg/ha trong 4 vụ đầu liên tiếp. Đặc biệt, nông dân được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/vụ trong thời gian tham gia liên kết.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.