| Hotline: 0983.970.780

Đề án sữa học đường: Hay nhưng khó đạt mục tiêu

Thứ Bảy 04/07/2020 , 07:35 (GMT+7)

Sau một thời gian thí điểm Đề án Chương trình sữa học đường trên địa bàn TP.HCM, tỷ lệ trẻ tham gia giai đoạn 1 đạt 52% nhưng giai đoạn 2 giảm còn 45%.

Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em được nhiều phụ huynh hưởng ứng. Ảnh: Vinamilk.

Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em được nhiều phụ huynh hưởng ứng. Ảnh: Vinamilk.

Đề án sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em (gọi tắt là Đề án - PV) được UBND TP.HCM triển khai từ đầu năm học 2019-2020 tại 10 quận, huyện gồm quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc ở trẻ em.

Theo đó, mỗi ngày trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 sẽ được uống 1 hộp sữa dung tích 180ml với 5 lần/tuần trong suốt năm học. Các em tham gia chương trình theo đăng ký tự nguyện của phụ huynh với 50% mức phí, còn lại ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20%.

Đặc biệt, trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội tham gia đề án sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ 50% phí và doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Tỷ lệ trẻ uống sữa giảm

Tại quận 9, giai đoạn 1 thí điểm từ tháng 11/2019 đến tháng 1/2020, có 118/158 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tham gia (tỷ lệ 74,7%) với 10.576/23.109 học sinh uống sữa (tỷ lệ 45,76%), trong đó có 237 học sinh hộ nghèo, cận nghèo. Giai đoạn 2 từ ngày 25/5 đến nay còn 99/157 cơ sở tham gia (tỷ lệ 63%) với 8.684/22.601 học sinh uống sữa (tỷ lệ 38,4%), trong đó có 249 học sinh hộ nghèo.

Hiệu trưởng một số trường chia sẻ nhiều phụ huynh ủng hộ đề án sau thời gian tích cực tuyên truyền, phổ biến.

Như Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9) hiện có hơn 120 học sinh lớp 1 tham gia uống sữa học đường (tỷ lệ hơn 50%).

Theo cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh hết sức ủng hộ, thậm chí phụ huynh học sinh lớp lớn hơn mong muốn cho con tham gia.

Ngay từ đầu, nếu đề án đưa vào loại sữa cụ thể thì số lượng phụ huynh cho trẻ tham gia uống còn nhiều hơn, vì trước đây chưa biết trẻ sẽ uống loại sữa nào nên một số phụ huynh còn băn khoăn.

Trẻ mầm non trên địa bàn quận 9 tham gia đề án được uống sữa mỗi ngày. Ảnh: Thùy Lâm.

Trẻ mầm non trên địa bàn quận 9 tham gia đề án được uống sữa mỗi ngày. Ảnh: Thùy Lâm.

Tuy nhiên, cũng có trường cho rằng, một số phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến đề án với lí do các em đã uống quen với loại sữa khác.

Bên cạnh đó, trẻ mầm non trên địa bàn thường xuyên dao động nên trong quá trình tham gia luôn có sự thay đổi về số lượng. Đối với trẻ tạm trú có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chưa có xác nhận hộ nghèo thì gặp khó khăn trong nhận hỗ trợ kinh phí.

Đơn cử như Trường Tiểu học Trường Thạnh (quận 9) nằm ở khu công nghiệp, trong số 263/420 học sinh tham gia, một số trẻ tạm trú chưa có xác nhận hộ nghèo nên nhà trường gặp khó khăn trong hỗ trợ dẫn đến ảnh hưởng đến việc uống sữa của các em. Cũng có những gia đình, phụ huynh không quan tâm dù nhà trường phổ biến cụ thể.

Tại huyện Bình Chánh, sau thời gian thí điểm, bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh đánh giá đề án triển khai hiệu quả, đảm bảo tất cả học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đều được tham gia.

Tuy nhiên, bà Ly cũng nhìn nhận, số lượng học sinh tham gia uống sữa còn biến động do phụ huynh học sinh muốn tự chọn loại sữa theo sở thích của con và điều kiện kinh tế gia đình.

Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên số lượng trường học và học sinh tham gia đề án trong học kỳ 2 giảm, nhất là các đơn vị mầm non ngoài công lập.

Qua thống kê của huyện Bình Chánh, học kỳ 1 có 207/253 cơ sở mầm non, tiểu học tham gia (tỷ lệ 81,82%) với 17.522/32.855 học sinh uống sữa (tỷ lệ 53,33%), trong đó có 385 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Đến học kỳ 2 còn 97/258 cơ sở (tỷ lệ 37,6%) tham gia với 11.049/31.808 học sinh uống sữa (tỷ lệ 34,74%), trong đó có 230/230 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Suốt quá trình thực hiện, Bình Chánh không ghi nhận trường hợp dị ứng sữa.

Ngoài những vướng mắc trên, một số cơ sở giáo dục phản ánh công ty cung cấp trang bị kệ để sữa chưa đầy đủ, phải tận dụng phòng kế toán để chứa sữa vì không có phòng. Dung tích 180ml/hộp là nhiều so với nhóm trẻ 3-4 tuổi, trẻ không uống hết gây lãng phí.

Trong khi đó, Đề án yêu cầu phải cho học sinh uống sữa ngay tại trường, do đó, với những em nghỉ nhiều ngày khi quay lại trường, bắt buộc phải uống bù cũng gặp khó khăn…

Đẩy nhanh chương trình

Theo Sở Y tế TP.HCM, thực tế năm học 2019-2020, Đề án chỉ thực hiện được khoảng 5 tháng bắt đầu từ tháng 11 và tiếp tục gián đoạn bởi dịch Covid-19.

Thống kê kết quả trên 10 quận, huyện thực hiện đề án ở học kỳ 1 có 1.516/2.052 cơ sở mầm non, tiểu học tham gia (tỷ lệ 74%) với 132.818/254.350 học sinh uống sữa (tỷ lệ 52%). Nhưng sang học kỳ 2 còn 892/2.046 cơ sở tham gia với 109.484/238.751 học sinh uống sữa (tỷ lệ 45%).

Tuy nhiên, đề án được đánh giá có tính nhân văn cao vì hướng đến cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc ở trẻ em, nhận được sự đồng cảm cao từ xã hội nên các đơn vị giáo dục và Sở ngành kiến nghị tiếp tục triển khai đề án và mở rộng đối tượng tham gia.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để triển khai Đề án được hiệu quả, việc duy trì liên tục là cần thiết.

“Cần tiếp tục triển khai đề án từ học kỳ 1 năm học 2020-2021 đến tháng 12/2020 cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn thành phố. Nếu tiếp tục triển khai thì nên sử dụng nhiều dung tích sữa khác nhau để phù hợp với độ tuổi của trẻ. TP.HCM cũng nên có văn bản xin ý kiến Chính phủ cho phép thành phố tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Hữu Hưng đề xuất.

Là đơn vị trực tiếp quản lý học sinh, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở tài chính, Sở Tư pháp nghiên cứu tham mưu việc hỗ trợ cho học sinh nghèo, cận nghèo, nhưng hộ khẩu tại các tỉnh lân cận, đang theo học tại các quận huyện thực hiện chương trình.

Trước ý kiến các đơn vị nêu ra, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM hết sức đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, với kết quả thực hiện như vừa qua, đòi hỏi các sở ngành, đơn vị liên quan cũng phải nhìn nhận tỷ lệ chưa đạt.

“Nghị quyết đặt ra đạt 80% trẻ được uống sữa nhưng kết quả chung của 10 quận, huyện đạt khoảng hơn 40% thì phải phân tích cụ thể nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục”, ông Phong cho biết.

Theo ông Phong, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án. Việc thực hiện nên theo đúng các quy định, trên cơ sở quy định làm nhanh nhất. Các sở ngành, đơn vị liên quan sớm rà soát lại và trao đổi kỹ với các sở như Tư pháp để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Đảm bảo ATTP cho sản phẩm sữa tham gia Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường

Trong Đề án Sữa học đường, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (BQL ATTP) được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, ATTP của tất cả các sản phẩm sữa trước khi chuyển đến tay học sinh sử dụng,

Công tác bảo quản các sản phẩm sữa học đường tại trường học. Ảnh: BQL ATTP TP.HCM.

Công tác bảo quản các sản phẩm sữa học đường tại trường học. Ảnh: BQL ATTP TP.HCM.

Theo đó, BQL ATTP TP.HCM cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế nhà trường, giáo viên, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, đại diện hội cha mẹ học sinh của các trường học tham gia Đề án.

Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát nguồn sản phẩm sữa học đường tại nơi sản xuất, BQL ATTP TP.HCM đã tổ chức giám sát thực tế tại các trường học, nơi trực tiếp thực hiện cấp phát sữa cho học sinh.

Đồng thời, phối hợp với UBND 10 quận/huyện tham gia Đề án Sữa học đường (Phòng GD&ĐT, Phòng Y tế) tiến hành giám sát ATTP tại các trường học trên địa bàn, giám sát việc tiếp nhận, bảo quản, phân phát sản phẩm sữa học đường; việc lưu mẫu thực phẩm và các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm trong quá trình triển khai Đề án.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm