| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị 'soi' cá tầm Trung Quốc

Thứ Ba 15/12/2020 , 17:29 (GMT+7)

Không chỉ quan tâm đến số lượng, giá cả cá tầm Trung Quốc, ý kiến của các địa phương, hiệp hội đều đề nghị kiểm tra chất lượng của mặt hàng này.

Đề nghị kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh: HA.

Đề nghị kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh: HA.

Trước thực trạng buôn lậu cá tầm Trung Quốc tiếp tục diễn ra và các chiêu trò nâng khối lượng nhập khẩu cá tầm Trung Quốc (Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh), Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương đã có văn bản “cầu cứu” gửi Bộ NN-PTNT và các cơ quan chuyên môn liên quan.

Theo văn bản của Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, sau 15 năm phát triển, nhờ sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, sự quan tâm của các địa phương, sự cố gắng của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, bà con nông dân đã đưa nghề nuôi cá tầm phát triển thành một nghề nuôi có giá trị kinh tế.

Thống kê cho thấy, sản lượng cá tầm Việt Nam năm 2020 ước đạt trên 3.000 tấn với giá trị hơn 500 tỷ đồng. Việc phát triển nuôi cá tầm ở Việt Nam đã tạo được nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi cá tầm khá lên từ nghề này.

Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 40-45%, nghề nuôi cá tầm đã giúp khai thác được tiềm năng các loại hình mặt nước, đặc biệt là ở vùng núi, nơi mà trước đây các đối tượng truyền thống không phát triển được, tạo ra được sản độc đáo, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao cung cấp cho nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu.

Các chuyên gia thủy sản, các nhà quản lý nhận định, với dư địa phát triển còn nhiều, nhiều thủy vực sông, suối, hồ, ao ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn chưa được sử dụng khai thác sử dụng. Nếu quản lý tốt, chắc chắn trong những năm tới nghề nuôi cá tầm sẽ có vai trò quan trọng đối với thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm nhập khẩu chính ngạch và cả cá tầm buôn bán qua đường tiểu ngạch, không có giấy tờ hợp pháp từ Trung Quốc.

“Lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm từ Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được cá tầm Việt Nam và cá tầm nhập khẩu từ Trung quốc, tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm hiện nay”, văn bản của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Tất Ngà ký nêu rõ.

Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, qua tìm hiểu của các nhà chuyên môn thì cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù có giá rẻ nhưng chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam và quan sát hình dạng bên ngoài khác nhiều so với các loài cá tầm đang nuôi tại Việt Nam.

Hiện nay, cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu là 4 loài: Cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baerii), cá tầm slelert (Acipenser ruthenus), đây là những loài đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan Cites Việt Nam và từ các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ NN-PTNT.

Theo quy định hiện hành thì nhập khẩu cá sống làm thực phẩm không có trong danh mục được sản xuất thông thường phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nhưng theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, chưa có việc cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục sản xuất thông thường.

Trước tình hình trên, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ NN-PTNT có giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, cụ thể: Đề nghị Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm hàng hóa cá tầm tươi sống của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật.

Đề nghị các ngành, các cơ quan chức năng (Thú y, Hải quan, Quản lý thị trường...) có biện pháp tịch thu và tiêu hủy sản phẩm và có các hình thức xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp nhập lậu theo quy định của pháp luật như: Rút giấy phép kinh doanh và các biện pháp xử phạt khác theo quy định hiện hành.

Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý và thành phần loài cá tầm nhập khẩu để đảm bảo sự canh tranh công bằng sản xuất trong nước với cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất cấm tồn dư trong sản phẩm cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Các chủ hồ cá tầm Việt Nam lao đao vì cá tầm Trung Quốc giá rẻ. Ảnh: HA.

Các chủ hồ cá tầm Việt Nam lao đao vì cá tầm Trung Quốc giá rẻ. Ảnh: HA.

Trước khi có văn bản của Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, nhiều địa phương phát triển cá tầm ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng đã có những kiến nghị về việc giám sát việc nhập khẩu cũng như nhập lậu qua đường tiểu ngạch đối với cá tầm Trung Quốc.

Ông Dương Văn Biểng, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La than thở: Giống như nhiều tỉnh khu vực miền núi phía Bắc khác, Sơn La là tỉnh tiên phong nuôi cá tầm và đã từng có Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển nghề nuôi cá tầm chế biến xuất khẩu.

Tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch, triển khai chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên kể từ khi cá tầm Trung Quốc đổ bộ qua các đường tiểu ngạch thì các hộ nuôi, các hợp tác xã nhỏ lẻ không trụ được, phải bỏ hồ. Không hiểu tại sao cá tầm Trung Quốc rẻ như thế, liệu chất lượng có đảm bảo không nhưng nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt với cá tầm Việt Nam.

Chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc cũng như việc buôn lậu qua đường tiểu ngạch nhằm bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng. Theo một số kênh thông tin chúng tôi nắm được, có việc người Trung Quốc bán cá tầm của họ sang Việt Nam và sau đó mua cá tầm Việt Nam về ăn.

Theo thống kê ở khu vực miền núi phía Bắc có khoảng hơn 165 trang trại nuôi cá nước lạnh. Phần lớn các cơ sở, trang trại nuôi có quy mô vừa và nhỏ, khi cá tầm Trung Quốc đổ bộ với giá bán tại chợ tầm 110 nghìn/kg thì cá tầm người dân nuôi ở khu vực này không thể nào cạnh tranh nổi.

Tại tỉnh Yên Bái, với tiềm năng về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên phù hợp, việc phát triển nuôi cá nước lạnh đã đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2020 diện tích đưa vào nuôi đạt trên 32.000 m3; sản lượng đạt gần 100 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh này, do có tình trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào rất rẻ giá trong nước không cạnh tranh được, hơn nữa con giống vẫn chủ yếu là nhập từ Trung Quốc nên phần nào bị hạn chế.

Tương tự là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai... gần như tất cả các tỉnh nuôi cá tầm ở khu vực miền núi phía Bắc đều "cầu cứu" trước thực trạng cá tầm Trung Quốc ồ ạt đổ bộ.

Tổng cục Thủy sản thông tin, với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, hiện nay, cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh.

Việc phát triển trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Hiện nay cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua, đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.