Để sang tên một chiếc xe ôtô cũ, người mua phải đóng phí trước bạ tương đương 10-15% giá trị còn lại của chiếc xe. Cơ quan cảnh sát cho rằng thu như vậy quá cao và đề nghị đưa về mức thấp nhất có thể.
Chiều 12/11, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho biết đã đề xuất lên Chính phủ điều chỉnh giảm đến tối đa phí sang tên đổi chủ cho xe ôtô cũ. Không tiết lộ cụ thể mức đề nghị là bao nhiêu, ông Đỗ Đình Nghị chỉ cho biết "thấp nhất có thể".
"Phí trước bạ với xe cũ hiện nay quá cao và là nguyên nhân khiến người dân không muốn sang tên, đổi chủ", ông bình luận.
Ông Nghị cho biết thêm Tổng cục đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giảm mức phí này xuống. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an để sửa đổi xuống thấp nhất, sao dân thấy phù hợp và thực hiện đăng ký lại.
Trong khi đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng CSGT đường bộ), mức lệ phí trước bạ được đề xuất là 1%, thay cho 10 đến 15% như quy định hiện hành. "Ai cũng muốn là chính chủ sở hữu phương tiện của mình, đề xuất này nhằm giúp tạo thuận lợi cho người dân thực hiện Nghị định 71, đồng thời giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý phương tiện", ông nhận định.
Để sang tên một chiếc xe hơi cũ, người mua phải chịu khoản phí lên đến hàng chục triệu đồng
Hiện để sang tên một chiếc ôtô cũ, người mua sẽ phải nộp phí trước bạ tương đương 10 đến 15% giá trị còn lại của chiếc xe, mức áp dụng tùy từng địa phương. Giá trị còn lại này được tính dựa trên thời gian sử dụng.
Ví dụ xe đã chạy từ 1 đến 3 năm, giá trị sử dụng bằng 70% so với giá mua từ năm sản xuất hoặc nhập khẩu. Sau 3 đến 6 năm, giá trị xe còn 50%. Cứ mỗi lần sang tên chủ mới, chiếc xe sẽ lại thêm một lần được đóng phí trước bạ. Ví dụ một chiếc xe ô tô có trị giá 700 triệu đồng lúc mua mới, nếu sang tên đến đời chủ thứ ba trong vòng 5 năm, Nhà nước sẽ thu được hơn 240 triệu đồng riêng loại phí này. Ngoài ra, người mua sẽ chịu thêm phí cấp lại giấy đăng ký xe, phí cấp biển mới nếu biển số cũ là biển 4 số.
Đối với xe máy, lệ phí trước bạ khi sang tên chủ thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Ví dụ một chiếc xe máy trị giá 30 triệu đồng, phí sang tên mà người mua xe cũ phải đóng là 300.000 đồng.
Nghị định 71, có hiệu lực từ ngày 10/11/2012 đang gây xôn xao dư luận do bổ sung các hình thức phạt so với Nghị định 34 trước đây. Trong số đó, có quy định chủ phương tiện không thực hiện việc sang tên đổi chủ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng đối với xe máy, 6 đến 10 triệu đồng đối với ôtô. |
Cũng như các ý kiến từ Tổng cục Cảnh sát, nhiều chủ xe cho rằng mức thuế phí hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến việc 40% lượng xe đang lưu thông chưa sang tên đổi chủ. Anh Nguyễn Văn Hiếu, một người kinh doanh nhỏ lẻ tại Cầu Giấy, Hà Nội đang tìm mua xe cũ. Một trong những tiêu chí mà anh đặt ra là mua xe từ người chủ đầu tiên, hoặc chí ít là chủ thứ hai để không phải sang tên. "Mua xe qua một hoặc hai đời chủ, tôi sẽ chỉ cần làm hợp đồng ủy quyền công chứng là có thể sử dụng xe. Trong khi đó nếu làm hợp đồng mua bán và sang tên, tôi sẽ phải đóng phí trước bạ", anh Hiếu giải thích.
Làm hợp đồng ủy quyền công chứng khi mua xe cũ thực chất là một chiêu "lách luật" trốn thuế. Khi có hợp đồng này trong tay, người mua có toàn quyền sử dụng, cho, tặng đối với chiếc xe mà chỉ mất vài trăm nghìn đồng phí công chứng. Trong khi đó, nếu làm hợp đồng mua bán và sang tên, phí trước bạ có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Mua xe cũ chỉ có tờ hợp đồng ủy quyền, người mua chịu không ít rủi ro. Đơn cử trong trường hợp chủ xe qua đời, hợp đồng sẽ tự động hết hiệu lực. Tuy nhiên, để tiết kiệm vài chục triệu đồng đóng phí, người mua đã chấp nhận mạo hiểm. "Ai mà chả muốn đi xe mang tên mình, nhưng cái giá để thành "chính chủ" quá đắt ở Việt Nam", anh Hiếu nói.
(Theo VnExpress)