Làng nghề đúc đồng Phú Lộc (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) hình thành hơn 100 năm. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều giá trị về văn hoá truyền thống. Đây là làng nghề nổi tiếng nhận được sắc phong của vua Tự Đức, chuyên đúc những đồ đồng tinh xảo như lư hương, chân đèn, các đồ thờ tự.
Những tháng cuối năm, các lò đúc đồng nơi đây thường đỏ lửa để làm sản phẩm như lư hương, đèn đồng và các sản phẩm khác của làng nghề phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán.
Theo các nghệ nhân ở làng nghề, từ đầu tháng Chạp công việc đúc đồng sẽ dừng và chuyển sang đánh bóng các sản phẩm đồ đồng cho người dân. Những ngày cận Tết, trên những con đường tại làng nghề đúc đồng Phú Lộc, tiếng máy chà lư đồng xè xè vang lên hòa vào không khí rộn rã, tất bật của những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ông Hồ Văn Mình, tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh đã có hơn 20 năm theo nghề đánh bóng lư đồng và bắt đầu nhận làm khoảng từ ngày 10 tháng Chạp trở đi.
Ông Mình chia sẻ, lư đồng là món đồ được nhiều gia đình truyền từ đời này sang đời khác nên không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn, tiền bạc không thể mua được. Do đó, làm nghề này người thợ phải đặt cả cái tâm để làm, xem bộ lư của khách như bộ lư của gia đình nhà mình.
Để làm cho những bộ lư đồng được sáng bóng, không bị trầy xước cũng như biến dạng, người thợ phải tỉ mỉ và đánh thật kỹ ở các khe, rãnh, hoa văn cầu kỳ.
“Mỗi ngày tôi đánh bóng khoảng 7 - 8 bộ, tùy theo kích thước và loại khư khác nhau mà tiền công đánh bóng dao động từ 130 - 150 nghìn đồng/bộ. Có những chiếc lư đồng kích thước lớn, nhiều chi tiết thì tiền công có thể cao hơn”, ông Mình cho hay.
Cách khu vực làm của ông Mình khoảng vài trăm mét, ông Trần Vĩnh Trí cũng đang tất bật đánh bóng hoàn thiện những bộ lư đồng để kịp giao cho khách.
Theo ông Trí, đồ nghề dùng để đánh bóng lư đồng khá đơn giản, gồm chiếc mô-tơ, thùng ngâm, giẻ lau và cục sáp đánh bóng. Bình thường, để hoàn thành bộ lư đồng phải mất hơn 1 giờ. Đối với những bộ lư có họa tiết cầu kỳ, phức tạp thời gian đánh bóng cần lâu hơn.
Bên cạnh đó, nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, làm việc tập trung cao độ bởi chỉ cần sơ sẩy một chút có thể khiến lư đồng bị văng xa không chỉ làm hư hỏng đồ của khách mà còn khiến người thợ bị thương.
Năm nay ông Trí bắt đầu từ rằm tháng Chạp, do lượng lư đồng của người dân trong và ngoài huyện Diên Khánh mang đến đánh bóng rất nhiều nên mỗi ngày ông phải dậy làm từ 4 giờ sáng đến 6 giờ tối để kịp giao cho khách.
“Tiền công đánh bóng mỗi bộ 120 nghìn đồng, mỗi ngày tôi làm được 8 - 10 bộ, tính sơ sơ tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng”, ông Trí cho biết.
Sát bên khu vực làm của ông Trí, ông Trần Vĩnh Thảnh cũng đang hoàn thiện những bộ lư đồng cho khách. Ông Thảnh chia sẻ, ông nối nghiệp bố mẹ làm nghề đúc đồng đến nay đã được hơn 30 năm. Công việc đúc đồng chỉ ổn định khoảng 3 tháng cuối năm, những tháng còn lại lượng lư đồng khách hàng đặt đúc ít nên rất bấp bênh.
“Những ngày cuối năm, khách có nhu cầu đánh bóng nên tôi làm thêm để gia tăng thu nhập. Mỗi ngày tiền công đánh bóng được khoảng 1 triệu đồng nên tôi có thêm kinh phí để sắm sửa đón Tết”, ông Thảnh chia sẻ.