Chiều 2/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giá (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.
Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.
Đồng tình với đề xuất này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) cho rằng sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Ủy ban TCNS nhất trí như dự thảo, theo đó Nhà nước quy định giá bán tối đa (giá trần).
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cũng nhấn mạnh, so với quy định của luật hiện hành, dự thảo lần này bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc quy định Nhà nước định giá nhiều dịch vụ có thể sẽ dẫn đến sự can thiệp sâu từ phía Nhà nước, làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lựa chọn của người tiêu dùng.
Cơ quan thẩm tra đề nghị hoàn thiện các nội dung về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trách nhiệm xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phương pháp định giá, bảo đảm cụ thể, tránh cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng tùy tiện, tạo lỗ hổng trong quản lý, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.