Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại Hội nghị. |
Theo báo của Bộ NN-PTNT, tính đến thời điểm hiện tại dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia trên cả 5 châu lục và các nước đã buộc phải tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn với tổn thất hàng chục tỷ USD.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 87 của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tại Pháp từ ngày 26 – 31/5/2019, các tổ chức quốc tế cũng như các nước nhận định bệnh dịch tả lợn Châu Phi là mối đe dọa lớn của toàn cầu. Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ ưu tên hàng đầu của các tổ chức quốc tế và biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện nay là vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học bởi vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (Thứ 3 từ phải sang) kiểm tra việc nghiên cứu vaccine dịch tả lợn Châu Phi. |
Tại Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra rất nghiệm trọng tại 100% các tỉnh, số lợn buộc phải tiêu hủy do dịch rất lớn, được dự báo đã lên tới 200 triệu con, Chính phủ Trung Quốc đã phải chi tới hơn 1 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch bệnh, thậm chí phải điều chỉnh mức hỗ trợ nhiều lần.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 12/6, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố, số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 2,5 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 150.000 tấn. Thời gian qua đã có 56 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày, tuy nhiên sau đó một số nơi dịch bệnh lại bùng phát trở lại.
Do mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đến nay Việt Nam đã có trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có những văn bản quan trọng của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT… bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có những tín hiệu tích cực bước đầu trong nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tính đến thời điểm này việc các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn về cơ bản vẫn giữ được đàn lợn hạt nhân, cụ kỵ, ông bà, bố mẹ trên 150.000 con an toàn là vô cùng đáng mừng, đáng quý bởi đây là tài sản, nguồn nguyên liệu quý báu để tới đây sẽ tái đàn khi điều kiện thuận lợi đến.