| Hotline: 0983.970.780

Điểm son đường Hồ Chí Minh trên biển

Thứ Hai 30/04/2018 , 14:30 (GMT+7)

Núi, gành và biển đã kiến tạo cho Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) thành một thung lũng đẹp như tiên cảnh. Sự bí hiểm, hoang sơ này đã từng là nơi đón chiếc “tàu không số”...

Sự bí hiểm, hoang sơ này đã từng là nơi đón chiếc “tàu không số” đầu tiên vào Quân khu V phân tán đạn dược, chi viện cho chiến trường miền Nam, tạo nên điểm son trong chuỗi hành trình “đường Hồ Chí Minh trên biển” của những con tàu huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 

Bến Lộ Diêu huyền thoại

Năm 1961, đoàn tàu vận tải biển được thành lập, có nhiệm vụ chi viện vũ khí và bộ đội cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Từ đây, những con “tàu không số” được hình thành, để sau đó đi vào lịch sử như một kỳ tích trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.

08-57-14_1
Di tích lịch sử nơi cập bến “tàu không số” tại Lộ Diêu

Địa thế của bãi ngang thôn Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) biệt lập với một mặt biển và ba mặt núi; hai đầu thôn có đèo Lộ Diêu và đèo Hà Ra nối với xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ). Hơn nữa, khi ấy Lộ Diêu là vùng giải phóng, có truyền thống đấu tranh cách mạng, có tổ chức Đảng và các đoàn thể, có đội du kích kiên cường nên địch chưa khống chế được. Vậy là Lộ Diêu được chọn làm nơi đón con “tàu không số” đầu tiên chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Ngày 21/9/1964, “tàu không số” có phiên hiệu 401 nhận lệnh lên đường vào Bình Định. Tàu được đóng theo dạng tàu đánh cá, chở 34 tấn vũ khí. Thủy thủ đoàn gồm 12 người, toàn là người miền Nam. Sau 5 lần 7 lượt gặp gió bão phải hoãn chuyến, tiếp đến bị không quân Mỹ theo dõi, nhưng nhờ tàu ngụy trang tốt nên không bị phát hiện.

Đến Đà Nẵng, tàu 401 tiếp tục bị 2 tàu hải quân của quân đội Sài Gòn “bám đuôi”, nhưng khi vào gần đến vùng biển Bình Định thì trời nổi giông gió mịt mù, sóng biển dâng cao, 2 tàu “bám đuôi” đành bỏ cuộc. Lập tức “tàu không số” chuyển hướng vào Lộ Diêu, nhưng do sóng to gió lớn nên bị dạt vào gần bờ thuộc vùng biển Tân Phụng (huyện Phù Mỹ). Sau đó, thuyền trưởng cho tàu chạy ngược về Lộ Diêu, cập bờ vào lúc 4 giờ sáng 1/11/1964.

Ngay sau khi tàu cập bờ, phụ nữ thì mang dây, đòn gánh; các cụ già mang cuốc, mang xẻng; thanh niên trai tráng thì mang “sức vóc” đi thẳng ra tàu. Người gánh kẻ vác, chẳng mấy chốc 34 tấn vũ khí nhanh chóng được đưa vào bờ an toàn. Sau đó, người dân Lộ Diêu dùng cuốc, xẻng, thậm chí dùng cả tay để đào cát chôn giấu vũ khí. Nơi cất giấu nhiều vũ khí nhất là bên bờ suối Ông Bồng, con suối chảy từ núi thẳng ra biển. Vì lượng vũ khí quá lớn, bãi biển Lộ Diêu không thể chứa hết, bà con phải kéo dài phạm vi chôn giấu đến gần khu vực đèo Hà Ra thuộc địa phận xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

3 ngày sau, bộ đội và trai tráng 2 thôn Lộ Diêu và Phú Thứ (xã Mỹ Đức) lại đào cát di chuyển vũ khí lên các kho trên núi bằng con đường mòn do những người làm rừng tạo ra. Con “tàu không số” cập bến ở Lộ Diêu là một trong hàng trăm chiếc tàu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, vận chuyển trên 150 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men và hàng ngàn lượt cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.
 

Người vẽ ký ức bằng… xi măng!

Dù nay đã 84 tuổi, nhưng cựu binh Hải quân Việt Nam, người từng đưa tàu 401 cập bến Lộ Diêu, Trung tá Lê Văn Nốt ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn còn rất rắn rỏi, tố chất của người dân miền biển. Ông sinh ra và lớn lên tại làng chài Lộ Diêu, nhập ngũ từ thời chống Pháp, làm lính huyện gác biển cho ngư dân.

08-57-14_2
Trung tá Lê Văn Nốt bên chiếc “tàu không số” mô hình làm bằng xi măng

Tháng 7/1963, ông và 3 người khác được chọn để thành lập đoàn công tác đặc biệt, do ông Trần Phi Khanh phụ trách. Đoàn có nhiệm vụ vượt Trường Sơn ra Bắc báo cáo Trung ương quá trình chuẩn bị, sau đó sẽ tham gia đưa “tàu không số” vào Lộ Diêu. Ông cùng đoàn công tác đi bộ ròng rã gần 5 tháng trời mới ra đến Hải Phòng để nhận nhiệm vụ.

Sau khi ra Bắc, đoàn của ông Nốt được bổ sung về Lữ đoàn vận tải 125 thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam, thế là ông chính thức trở thành người lính biển, nhận nhiệm vụ đưa tàu 401 chở 34 tấn vũ khí cập vào bến Lộ Diêu vào rạng sáng 1/11/1964.

“Lúc bị 2 chiếc tàu hải quân của quân đội Sài Gòn “bám đuôi”, biết là nguy hiểm cận kề, nhưng anh em rất bình tĩnh và chuẩn bị tư thế sẵn sẵng chiến đấu, sẵn sàng hủy tàu và hy sinh, nhất định không để tàu và vũ khí rơi vào tay địch, để bảo vệ bí mật con đường vận tải quân sự trên biển Đông. Nhưng nhờ khi ấy trời nổi giông gió “che mắt” chúng, nên tàu 401 hoàn thành được nhiệm vụ”, ông Nốt nhớ lại.

Bây giờ ông Nốt đang an cư ở quê nhà. Căn nhà ông ở không có gì đặc biệt, ngoài chiếc thuyền được làm bằng xi măng, mô phỏng “tàu không số” được đặt trang trọng trước nhà, nơi có bộ bàn ghế đơn sơ ông thường tiếp khách.

08-57-14_3
Phải sửa đi sửa lại 3 - 4 lần chiếc “tàu không số” mô hình của ông Nốt mới thành hình

“Lúc làm xong căn nhà, còn dư ít vật liệu, tui đã cùng vợ tự tay đắp con “tàu không số” này theo trí nhớ của mình. Thấy thì đơn giản là vậy, nhưng phải mất 3 lần 4 lượt đập đi xây lại mới nên hình nên dáng như bây giờ. Mỗi khi nhìn thấy nó, những chuyến biển hào hùng của những con “tàu không số” như ùa về đầy ắp ký ức”, ông Nốt tâm sự.
 

13 tuổi đã tham gia chuyển vũ khí “tàu không số”

Thời điểm lịch sử “tàu không số” mang phiên hiệu 401 cập bến Lộ Diêu vào ngày 1/11/1964, khi ấy ông Hồ Văn Tiện mới chỉ 12 tuổi, nhưng đã là Chi đội trưởng thiếu niên tiền phong thôn Lộ Diêu. Dù còn nhỏ nhưng tính tình đã chững chạc, vì thế, những đêm cha ông là liệt sĩ Hồ Thuận, khi ấy là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Hoài Mỹ, ra vũng để bắt tín hiệu “tàu không số” đều cho ông đi theo.

“Khi ấy cha tôi được cấp trên giao phụ trách công tác đón “tàu không số” cập bến Lộ Diêu. Tôi theo cha ra vũng đến đêm thứ 5 thì tàu vào. Lúc đó đã gần 4 giờ sáng. Tôi thấy con tàu lừng lững tiến vào vũng, càng vào gần nó càng to đùng ra. Sinh ra ở làng biển nhưng từ nhỏ đến lúc ấy tôi chưa thấy con tàu nào to đến thế. Tôi theo cha lên tàu, lúc ấy cha thì thầm bàn bạc với các bác các chú phương án vận chuyển vũ khí lên bờ. Sau đó, tôi được tham gia vác súng, vác đạn cùng dòng người trong thôn đưa lên bờ đào cát chôn”, ông Tiện nhớ lại.

08-57-14_4
Ông Hồ Văn Tiện và mẹ là bà Đỗ Thị Mao

Trước khi tàu 401 cập bến, bà con thôn Lộ Diêu đã có 7 đêm liền thức trắng trong cái lạnh như cắt của mùa đông để đón con “tàu không số” huyền thoại. Lúc tàu còn cách bờ khoảng 20m nhưng không thể cập sát bờ được, vì tàu chở vũ khí rất nặng. Khi ấy, toàn bộ người làng Lộ Diêu từ già trẻ lớn bé đồng loạt nhảy ùm xuống biển, bơi ra tàu đưa vũ khí từ hầm tàu lên, phân cho từng người chuyển vào bờ.

“Riêng bản thân, tôi không còn nhớ mình chuyển được bao nhiêu khẩu súng CKC và bao nhiêu thùng đạn vào bờ, chỉ biết sau khi công việc hoàn tất thì toàn thân tôi tím tái vì ngấm nước và rét lạnh. Mẹ tôi (bà Đỗ Thị Mao) khi ấy cũng góp nhiều công sức trong việc vận chuyển, chôn giấu vũ khí của “tàu không số”. Sau đó tôi cùng cha khiêng một chiếc thùng phuy không trên tàu về nhà, đào một hố sâu đặt phuy xuống rồi bỏ vũ khí vào ngụy trang bí mật để cất giấu. Một tháng sau khi tất cả vũ khí được chuyển đi đến địa điểm an toàn, tui đào lấy thùng phuy rỗng lên, sau đó mẹ tui giữ gìn rất cẩn thận để làm vật kỷ niệm cho đến khi trao lại cho BCH Quân sự tỉnh Bình Định”, ông Tiện kể.

08-57-14_5
Ông Hồ Văn Tiện thắp nhang bàn thờ cha là liệt sĩ Hồ Thuận
Theo tài liệu lịch sử của Quân chủng Hải quân Việt Nam, số vũ khí do tàu 401 đưa vào Lộ Diêu năm 1964 được trang bị cho các trung đoàn chủ lực Quân khu V, sau này là Sư đoàn 3 (Quân khu V) và lực lượng vũ trang trong tỉnh, góp phần vào chiến thắng trong chiến dịch Đông - Xuân 1964 - 1965 với những trận đánh lớn như: An Lão (12/1964), Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (2/1965) và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi. Từ đó, ta tạo ra thế và lực mới trước khi bước vào giai đoạn chống chiến tranh cục bộ của địch, đi đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975.

 

Xem thêm
Dàn nghệ sĩ khách mời 'đốt cháy' sân khấu 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'

Vừa qua, ca sĩ Will, Khải cùng Ngô Trúc Linh đã đem đến bữa tiệc cảm xúc tại đêm nhạc gây quỹ từ thiện 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'.

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Đội tuyển Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 6/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.