| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 04/06/2024 , 10:08 (GMT+7)
Bùi Phú Châu

Bùi Phú Châu

Luật gia 10:08 - 04/06/2024

Điện ảnh hoạt hình bị lãng quên

Tôi từng nghĩ rằng nền điện ảnh phim hoạt hình Việt Nam đang bị lãng quên khi xem cách mà Studio Ghibli (Nhật Bản) tư duy làm 'Spirited Away' (Vùng đất linh hồn)...

Bộ phim hoạt hình nói trên không nhằm đưa Nhật Bản ra với thế giới mà ngược lại, đưa vấn đề của thế giới về đây để giải quyết bằng tư duy và văn hóa của Nhật Bản. Và nó xứng đáng được trao giải Oscar hơn hai thập niên trước.

Thời hoàng kim của phim hoạt hình Việt Nam chiếu trên mục "Những bông hoa nhỏ", từ những phim như: "Đáng đời thằng cáo" làm những năm 60, "Ai cũng phải sợ", "Quỷ núi và tình yêu"... Nổi tiếng hơn là "Trê cóc", "Tổ tiên loài ếch"..., hay được tung hô nhiều như "Xe đạp" tại kỳ liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam, "Tít và Mít" vô cùng gần gũi đầu những năm 2000. Giờ, tôi không có cơ hội được biết đến hay được xem bất kỳ bộ phim hoạt hình nào nữa. Dù cho ký ức về những bộ phim hoạt hình thuần chất Việt Nam, ngắn gọn và súc tích, luôn luôn chân thành nhưng cũng đầy dí dỏm thì có lẽ không thể nào quên.

Sẽ có nhiều cách giải thích tại sao không còn thấy phim hoạt hình Việt Nam được chiếu phổ biến ở rạp hay trên truyền hình. Đó có thể là do thời lượng quá ngắn, chỉ từ 20-30 phút. Cũng có thể là do không thể cạnh tranh về mặt kỹ thuật, công nghệ, kinh phí làm phim hoạt hình với nước ngoài, hoặc có thể do chưa chú trọng truyền thông, đối tượng khán giả xác định là trẻ em không có nhiều thời gian xem phim?

Trong quá trình tìm câu trả lời cho mình, tôi đã tìm xem lại gần như toàn bộ các phim hoạt hình Việt Nam có tính điện ảnh, trong đó xin dẫn ra đây ba phim hoạt hình tiêu biểu nhất, đó là: "Con chim gỗ" - Bông sen vàng, "Người thầy của muôn đờ"i và "Ánh sáng không bao giờ tắt" - Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, diễn ra cuối tháng 11/2021.

Về phía cá nhân, với tôi đây đều là những phim rất hay, từ câu chuyện cho đến cách thể hiện. "Con chim gỗ ám ảnh" bởi việc sử dụng những chuyển động của nhân vật cắt giấy phù hợp tuyệt vời với những chuyển động cơ khí của chiếc bẫy chim và con chim mồi, ám ảnh bởi âm thanh của bánh răng, của tiếng đàn chim hót và tiếng thét đến rách cổ họng của con chim gỗ. Mặc dù câu chuyện khá ngắn và có phần đơn giản, thông điệp về tự do và cảm xúc mang lại cho người xem có lẽ là điều xứng đáng để phim này đoạt Bông sen vàng.

“Người thầy của muôn đời” dựa trên một câu truyện cổ tích mà trước đây đã có phim điện ảnh. Tuy vậy, không khí, không gian của lớp học và làng quê được thể hiện bằng ngôn ngữ của hoạt hình vẫn mang nhiều điểm dí dỏm và mới lạ. “Ánh sáng không bao giờ tắt” là một bộ phim đầy ẩn dụ, thậm chí là có câu chuyện hay nhất trong ba phim. Phim có biểu cảm 3D của nhân vật rất tốt, màu sắc nhiều dụng ý.

Nhưng rồi, dù được chiếu miễn phí trên youtube, khó mà nói được những bộ phim này sẽ đi về đâu sau khi liên hoan phim kết thúc. Công bằng mà nói, mặc dù rất hay, rất ấn tượng, nhưng với cách làm phim hoạt hình để kể câu truyện ngắn và ám ảnh, thế giới đã có và sẽ có hàng nghìn bộ phim như "Con chim gỗ". Về mặt kỹ thuật, đó có thể là cách mà các studio nhỏ trên khắp thế giới gây ấn tượng về bản thân khi không thể làm những phim dài hơi đòi hỏi kinh phí lớn và việc làm phim như thế ngoài kết quả là chứng minh rằng xưởng phim vẫn còn tồn tại thì chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Nhưng xa hơn, bỏ qua tất cả những trở ngại về kĩ thuật hay kinh phí, có vẻ như, phim hoạt hình Việt Nam sau bao nhiêu năm vẫn không khác về mặt tư duy, đó là luôn tự nhận lấy cho mình trách nhiệm làm phim chỉ để kể những câu chuyện nhỏ, những thông điệp nhân văn đơn giản, những nhiệm vụ văn hóa tuyên truyền như đưa bản sắc, câu chuyện của Việt Nam ra với thế giới mà không nghĩ rằng hoạt hình có thể làm được nhiều hơn như thế rất nhiều.

Năm 2002, Spirit away của Ghibli trở thành bộ phim hoạt hình châu Á đầu tiên và cho đến thời điểm hiện tại là duy nhất dành được Oscar cho phim hoạt hình hay nhất. Với tiêu chí riêng của mình, Oscar không phải là giải thưởng tôn vinh những phim hay nhất của năm theo ý nghĩa nghệ thuật và nhân văn vượt thời gian mà là để tôn vinh bộ phim thể hiện rõ nhất trào lưu đang lên của “tư duy kiểu Mỹ” vào thời điểm đó.

Những năm đầu tiên của thế kỷ 21, sau vụ khủng bố 11/9, chủ nghĩa khủng bố quốc tế có lẽ là điều mà nhân loại, nhất là người Mỹ, quan tâm nhất. Tiến bộ của kỹ thuật làm thế giới xích lại gần nhau hơn về mọi mặt. Cũng vì thế, sự tiếp xúc tạo nên cơ hội để xung đột giữa những nền văn minh, giữa những tôn giáo trở nên gay gắt. Đỉnh điểm của nó là chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang đe dọa đưa thế giới vào một cuộc chiến còn dai dẳng hơn những gì mà nhân loại đã hai lần trải qua.

Trong hoàn cảnh đó, Spirit away ra đời. Bộ phim kể về cuộc phiêu lưu vào thế giới khác của một cô bé. Cô bé vốn yếu đuối và ích kỷ trưởng thành qua từng ngày: từ yếu ớt, nhút nhát trở nên mạnh mẽ và gan dạ. Tất nhiên quá trình đó không phải bằng chủ nghĩa anh hùng kiểu Mỹ cổ điển rằng cô bé sẽ vượt qua khó khăn gian khổ để giết chết đại diện cái ác để trở thành anh hùng hoàn mỹ. Trong câu chuyện này không có ai xấu xa và cũng không có ai phải chết cả.

Câu chuyện diễn ra trong vùng đất của những linh hồn, có bối cảnh là một nhà tắm hơi nơi cô đi lạc vào, nơi tất cả mọi linh hồn tìm đến. Những linh hồn ban đầu trong mắt cô là xấu xí, kỳ dị hay thậm chí là những con quái vật có cách tư duy, cách sinh sống khác hẳn với những thứ hằng ngày cô vẫn sống ở thế giới của mình.

Và cách để cô bé trưởng thành và mạnh mẽ lên là một quá trình chung sống bằng cách tự thay đổi bản thân. Đó là quá trình cô bé học được giá trị của tôn trọng, quan tâm và sẻ chia. Cuối cùng, kết quả là cô bé đã trở thành bạn, trở thành chỗ dựa cho những linh hồn kia, hay những linh hồn kia cũng là chỗ dựa của cô bé trong vùng đất của những linh hồn. Để cô bé thấy được rằng, dù có khác biệt đến đâu về hình hài, cách sống, mỗi tâm hồn đều có thể chạm đến nhau ở một nơi sâu kín nhất mà chúng ta gọi là tình yêu thương.

Đó là câu trả lời xác đáng nhất cho người Mỹ vào thời điểm đó, thế giới được tạo nên bởi sự khác biệt, do đó cách duy nhất để kiến tạo, duy trì hòa bình và phát triển là chung sống trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, sẻ chia và yêu thương. Xa hơn, mỗi cá nhân, mỗi dân tộc chỉ có thể trở nên mạnh mẽ, hoàn thiện khi tự họ có thể làm được điều này.

Chúng ta hiểu rằng cách mà Studio Ghibli của Nhật Bản tư duy để làm phim hoạt hình, không phải là đưa Nhật Bản ra với thế giới mà ngược lại, đưa vấn đề của thế giới về đây để giải quyết bằng tư duy và văn hóa của Nhật Bản. Phim hoạt hình cho người kể chuyện một công cụ tuyệt vời mà các thể loại khác không thể nào làm được. Đó là một thế giới hình ảnh mơ mộng và rực rỡ không giới hạn, không lệ thuộc vào bất kỳ công cụ máy móc nào, biểu cảm của nhân vật trong đó có thể đa dạng và đẩy lên đến tối đa mà con người khó lòng thể hiện được.

Đến ngày hôm nay, những bộ phim hoạt hình đoạt giải Oscar còn lại của Mỹ đã dần đi vào quên lãng, chỉ có Spirited Away và những bộ phim khác của Ghibli dù qua bao nhiêu năm tháng vẫn được đón nhận, vẫn được chiếu đi chiếu lại hàng nghìn lần cho người xem trên thế giới mà bất kỳ ai, bất kỳ dân tộc nào cũng có thể tìm ra được bài học và con đường của mình trong đó.

Phim hoạt hình Việt Nam sẽ có rất nhiều thứ phải bàn, phải nghiên cứu, nhưng từ bài học của Spirited Away, có lẽ thứ đầu tiên cần thay đổi chính là cách tư duy về ý nghĩa và giá trị của chính phim hoạt hình.