| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 31/05/2024 , 09:08 (GMT+7)
Bùi Phú Châu

Bùi Phú Châu

Luật gia 09:08 - 31/05/2024

Học làm cha mẹ

Tối hôm qua tôi lần đầu đánh con. Mười roi vào mông. Sau một đêm mất ngủ, ngày hôm nay tôi vẫn trong tâm trạng rối bời và khó có thể tập trung làm việc.

Tôi xin biện hộ thêm một chút, tối hôm trước, cũng để tránh phải đi ngủ, cu cậu đã khóc mè nheo đòi “đi thang bộ” ở nhà ông bà cách đó vài km. Sau khi dỗ dành xong, cu cậu ngủ đến 3h sáng thì lại bật dậy khóc lóc đòi “đi thang bộ”. Tôi đã phải dậy, mặc quần áo, dắt cu cậu đi trong cơn mưa tầm tã vài trăm mét để thuyết phục rằng mưa quá rồi, không đi được nữa, về thôi, mai rồi bố cho “đi thang bộ” và cho đi tạm vài vòng thang thoát hiểm ở nhà mình. Nhưng hôm nay lại là một kịch bản khác của sự mè nheo và ương bướng không thể chịu nổi.

Trước khi sinh con, tôi từng tuyên bố với ông bà hai bên: “Con sẽ không bao giờ đánh nó, đánh con chỉ thể hiện sự bất lực của bố mẹ, con hồi bé bị đánh nhiều rồi, giờ con sẽ không đánh nó nữa”. Ông bà bảo “suy nghĩ thế là tốt, nhưng mà cứ để xem sao đã”.

Sau khi cu cậu đi ngủ, tôi vạch mông ra xem thì thấy có 1 vết roi hằn đỏ tấy, 10 roi và chỉ có 1 vết hằn, theo tính toán của tôi thế là vừa đủ. Kỳ thực, mặc dù tuyên bố là không đánh con, tôi cũng đã tính toán cho tình huống nếu không thể kiềm chế, phải đánh thì sẽ làm thế nào.

Đầu tiên, tôi tự cho mình nguyên tắc: việc công ty để ở ngoài cửa nhà. Nhiều lần dù đã về đến cửa nhà nhưng tôi không vào mà đứng nhắn tin, gọi điện cả tiếng ở hành lang vì không muốn mang bất kỳ áp lực công việc nào về với vợ con. Tôi tính rằng sẽ không đánh bằng tay hoặc tiện cái gì dùng cái đấy vì có thể đánh trượt gây nguy hiểm cho con, phải đánh bằng roi và đánh vào mông. Rồi lúc đánh thì sẽ luôn trong tư thế con nằm sấp để để đánh chính xác vào mông chứ không trượt lên lưng hay xuống chân, đánh 10 roi thì không cần tất cả phải đau, chỉ cần 1 roi đau còn những roi còn lại mang tính răn đe là chủ yếu. Mọi tính toán hoàn hảo, việc thực thi cũng đã hoàn hảo cho một lần đánh con. Nhưng rồi đánh xong tôi lại không ngủ được.

Một lần đánh con rồi thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba. Đối với thằng bé thì giới hạn mè nheo của con sẽ được nới ra đến đỉnh điểm là đến lúc bị đánh nghĩa là nếu chưa bị đánh thì có thể tiếp tục mè nheo. Và xa hơn, tôi đã đánh con thì thằng bé cũng ngay lập tức thấy rằng mình có quyền đánh bạn khi cáu giận. Mọi dạy bảo của tôi với con sau này về việc thân thể con người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Mẹ nó an ủi “đấy là khủng hoảng tuổi lên ba”, qua đoạn này nó sẽ ngoan, mình sẽ không phải đánh con nữa. Tôi tạm tin thế nhưng rồi lại phát hiện ra, sau “khủng hoảng tuổi lên ba” sẽ là “khủng hoảng tuổi lên năm”, “khủng hoảng vào lớp 1”, “khủng hoảng tuổi dậy thì” cho đến “khủng hoảng tuổi ba mươi”, lúc mà tôi không chắc là mình còn có thể đánh nó không.

Trong cảm xúc hỗn độn đó, tôi lên google gõ chữ “đánh con”, kết quả toàn là “nằm mơ thế này thì đánh con gì”, hoàn toàn là một vấn đề không liên quan. Tôi lại gõ “làm sao để không đánh con”. Kết quả trả về là: hít thở sâu, bình tĩnh, giải thích, lơ đi, hình phạt khác v.v… Tôi tự đánh giá và thấy mình đã nhẫn nại hơn cả mức mà các “chuyên gia tự phát” trên mạng đề nghị, nhưng rồi thực tế chỉ có cái roi thể hiện được sự hiệu quả tức thời của mình.

Tôi nhận thấy rằng, mặc dù mình có rất nhiều tuyên ngôn, nghĩa ra rất nhiều lý thuyết, đã từng xây dựng rất nhiều kịch bản nhưng kỳ thực, khi đối mặt với sự phát triển của con, tôi hay hầu như tất cả những người làm cha mẹ đã bắt đầu công việc này mà chẳng hề có một nguyên tắc khoa học, một lý thuyết chỉ đường hay ít nhất là một chút kinh nghiệm gì.

Tôi chợt nhớ ra ngày xưa lang thang cùng bạn bè ở Đại học Cambridge đã nhìn thấy biển quảng cáo của một khóa học tiền hôn nhân và thấy trong lớp rất nhiều bạn trẻ tham gia. Ở phương tây người ta biến tất cả mọi thứ thành những khóa học. Tất cả mọi thứ đều phải học, từ thắt nút dây giày cho đến cách làm sao để chung sống (bao gồm cả cách quan hệ) vợ chồng. Phổ biến hơn, trong các cộng đồng Công giáo, khóa học tiền hôn nhân từ 3 đến 6 tháng là bắt buộc đối với các đôi bạn trẻ như một điều kiện để kết hôn.

Gần đây, trong quá trình hoàn thiện Luật Hôn nhân và Gia đình vào năm 2020, tôi từng đọc được ý kiến đệ trình lên Quốc hội về việc các cặp vợ chồng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân trước khi kết hôn, tương tự như các quy định của Úc hay Thụy Điển. Tuy nhiên, dường như đến thời điểm hiện tại, ý kiến rất tiến bộ này đã bị chìm vào quên lãng.

Có một câu thơ rất hay của Hữu Thỉnh, đại ý là: những đôi trai gái ôm hoa vào phòng cưới, họ yêu nhau không có kinh nghiệm gì, rồi họ nhảy hát và chia tay cũng chẳng có kinh nghiệm gì. Đối với tôi, chắc phải bổ sung thêm là: "Họ cầm roi lên đánh con mà cũng chẳng có kinh nghiệm gì".

Tuy nhiên, thay vì cố gắng làm thơ về tình cảm cha con hay xin lỗi vì đã đánh con rồi đăng facebook như tôi thấy nhiều người đã làm, hai vợ chồng tôi quyết định ngay tối nay sẽ bẻ cái roi đi và tìm hiểu để cùng nhau tham gia một khóa học về cách làm cha mẹ.