Hòa 0-0 trên sân Malaysia không phải lợi thế lớn cho Thái Lan |
Châu Âu luôn là nơi đi đầu cho các xu hướng mới về bóng đá nhưng riêng về thể thức đá sân nhà và sân khách ở vòng bảng một giải đấu lớn, lục địa già lại đi sau. Phải tới Euro 2020, người hâm mộ tại châu Âu mới được luân phiên chứng kiến đội tuyển quốc gia mình thi đấu, nhưng tại Đông Nam Á, ngay ở AFF Cup 2018, thể thức này đã được thực hiện.
Thể thức mới mang lại nhiều nét hấp dẫn và khó lường cho giải đấu. Điều này thể hiện rõ tại bảng B khi 4 trong 5 đội tuyển đều có cơ hội và tham vọng vào bán kết. Nếu Singapore không thua dễ Thái Lan ở lượt cuối và nhường vé cho Philippines, cục diện bảng đấu này có lẽ đã hấp dẫn tới phút chót.
Tuy nhiên, những cải cách ở AFF Cup không dừng tại đây. Từ vòng bán kết, thể thức đá lượt đi và về được áp dụng. Nếu không có điểm nào cải tiến, những đội đá lượt về trên sân nhà luôn có lợi thế bởi họ lợi hơn ở 30 phút hiệp phụ, nếu tổng tỷ số 2 lượt trận khi hết 90 phút lượt về vẫn là hòa. Đó là điều mà đội đá sân nhà lượt đi không thể có.
Thái Lan, sau khi hòa Malaysia 0-0 trên sân khách, tỏ ra hài lòng, chính bởi điểm này. Họ chỉ cần thắng “Hổ Malay”, với bất cứ tỷ số nào là đi tiếp. Chính bởi vậy, để công bằng hơn với các đội đá lượt về trên sân khách, Ban tổ chức AFF Cup đã thòng thêm một chi tiết ở điều 7, khoản 3, trong đó ghi rõ: “Nếu tổng tỷ số sau 2 lượt trận, khi kết thúc 90 phút lượt về là hòa, đội ghi nhiều bàn hơn trên sân khách đi tiếp. Nếu hai đội ghi bàn trên sân khách bằng nhau, trận đấu sẽ có 2 hiệp phụ, mỗi hiệp 15 phút. Trong hiệp phụ, nếu hai đội không ghi bàn, hai đội sẽ đá luân lưu. Nếu hai đội ghi số bàn bằng nhau, số bàn đội khách được nhân đôi”.
Đây là điểm khiến Thái Lan, dù đá sân nhà lượt về lo lắng. Bởi trước đây, kể từ AFF Cup 2010 đến 2016, luật bàn thắng sân khách chỉ dừng ở 90 phút và không tính cho hiệp phụ. Điều ấy có nghĩa, nếu Thái Lan và Malaysia ghi mỗi đội 1 bàn trong hiệp phụ, theo luật trước đây, hai đội sẽ đá luân lưu. Còn tại AFF Cup 2018, Thái Lan bị loại.