| Hotline: 0983.970.780

Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975: [Kỳ 1] Những người đầu tiên vào dinh Độc Lập

Thứ Năm 29/04/2021 , 10:30 (GMT+7)

PV Báo NNVN đã có dịp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Họ đã kể lại những giờ phút lịch sử không thể nào quên này.

Cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn (hiện sinh sống tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là chính trị viên Đại đội xe tăng 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2. Là người trực tiếp chỉ huy xe tăng số 390 chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã chia sẻ về hoạt động của mình và đồng đội tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Chính trị viên Vũ Đăng Toàn. Ảnh: Tư liệu.

Chính trị viên Vũ Đăng Toàn. Ảnh: Tư liệu.

Lính xe tăng vào dinh Độc Lập đầu tiên

Sáng hôm đó, chấp hành triệt để mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các đơn vị trong Quân đoàn 2 mở hết tốc lực tiến công đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố và các mục tiêu được phân công. Được nhân dân chỉ đường, đoàn xe tăng, xe cơ giới Quân đoàn 2 tiến vào trước cửa dinh Độc Lập.

Xe tăng 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu; kíp xe gồm: pháo thủ Thái Bá Minh, lái xe Lữ Văn Hỏa và Nguyễn Văn Kỷ nạp đạn.

Tiếp sau là xe tăng 390 do chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm: pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên, lái xe Nguyễn Văn Tập và Lê Văn Phượng nạp đạn.

Sau khi đập tan ổ kháng cự của địch, đơn vị chia làm hai ngả tiến vào nội đô Sài Gòn. Xe 390 theo đường Hồng Thập Tự (hiện là Nguyễn Thị Minh Khai) đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái theo đúng phương án đã thống nhất từ trước; còn xe 843 rẽ trái rồi theo đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) cùng hướng tới mục tiêu là dinh Độc Lập.

“Khoảng gần 11 giờ, khi gần đến cổng dinh Độc Lập - ông Vũ Đăng Toàn kể - tôi thấy xe 843 lao vào cổng dinh nhưng rồi bị kẹt phải dừng lại ở cổng phụ bên trái. Tôi lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập lao thẳng vào cổng chính. Cánh cổng đổ sập, xe 390 tiếp tục qua bãi cỏ lao thẳng về phía dinh. Mọi loại vũ khí trên xe đều ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, sẽ nổ súng nếu thấy bất kỳ sự chống cự nào trong dinh nhưng rất may là không có”.

Chính trị viên Vũ Đăng Toàn và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận vừa vào tầng 1 của dinh thì gặp một người mặc quân phục, đội mũ hơi lệch. Ông ta chào rất lịch sự và nói: “Thưa hai ông, tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh. Hiện nay Tổng thống vẫn còn tại dinh, mời các ông lên làm việc!”. Rồi ông ta chỉ tay: “Mời hai ông theo tôi!”.

Kíp xe tăng 390 - Lữ đoàn 203. Ảnh: Tư liệu.

Kíp xe tăng 390 - Lữ đoàn 203. Ảnh: Tư liệu.

Trong khi ông Bùi Quang Thận lên cắm cờ, một mình ông Vũ Đăng Toàn với khẩu AK lăm lăm trên tay đi vào. Ông thấy Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang đứng ở hành lang và trong căn phòng lớn cạnh đó, tình hình có vẻ rất nhốn nháo với thái độ khá sợ hãi. Chính trị viên xe tăng 390 hồi tưởng:

- Tôi nghĩ rất nhanh: “Vậy là Nội các Dương Văn Minh vẫn còn ở đây. Mình chỉ là cán bộ cấp thấp, cần phải canh giữ họ sao cho an toàn, đúng chính sách để đợi cấp trên đến giải quyết”. Tôi nói với ông Nguyễn Hữu Hạnh: “Đề nghị ông mời mọi người vào trong phòng và ngồi yên tại đó, không đi lại lộn xộn”.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nghe theo và ông yêu cầu các thành viên Nội các đang ở ngoài hành lang vào hết trong căn phòng lớn – tức phòng Khánh tiết của dinh Độc Lập.

Vừa lúc đó, pháo thủ số 1 xe 390 Ngô Sĩ Nguyên cũng lên tới nơi. Ông Toàn phân công cho ông Nguyên ra đứng gác ở cửa, không cho bất cứ ai ra vào. Sau khi thấy tình hình yên ổn, ông Vũ Đăng Toàn hỏi to:

- Tổng thống Dương Văn Minh đâu?

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trả lời: - Thưa ông, để tôi vào mời Tổng thống ra chào cáo ông!

Dứt lời, ông Hạnh đi vào một căn phòng phía sau rồi quay trở ra cùng một người cao lớn.

- Thưa ông, đây là Tổng thống Dương Văn Minh! Ông Hạnh giới thiệu.

Đúng lúc đó, Chính trị viên Vũ Đăng Toàn nhớ như in, một người đầu đội mũ cối, tay cầm khẩu súng ngắn cùng hai người nữa đi đến nơi. Thấy Tổng thống Dương Văn Minh, người cầm súng ngắn tiến lại và nói:

- Báo cáo Tổng thống, tôi là Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66.

Báo cáo xong, Đại úy Phạm Xuân Thệ tiến lên đưa tay phải ra bắt tay Tổng thống Dương Văn Minh - ông Vũ Đăng Toàn kể tiếp - Tôi cũng đưa tay trái ra bắt tay ông Dương Văn Minh. Tiếp đó, ông Minh và ông Thệ có nói với nhau vài câu xung quanh chuyện đầu hàng và chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện

Tuy nhiên, khi mọi người chưa kịp làm gì tiếp thì đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 tới. Chính trị viên Vũ Đăng Toàn tiếp tục mạch hồi tưởng:

Ông Minh thấy đồng chí Bùi Văn Tùng người to cao, nói giọng miền Nam thì chào: - Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào để bàn giao chính quyền.

Chính ủy Bùi Văn Tùng dẫn Tổng thống Dương Văn Minh cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu rời dinh Độc lập sang Đài Phát thanh Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu.

Chính ủy Bùi Văn Tùng dẫn Tổng thống Dương Văn Minh cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu rời dinh Độc lập sang Đài Phát thanh Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu.

Chính ủy Bùi Văn Tùng lập tức trả lời: - Các ông là người bại trận. Các ông không còn gì để bàn giao mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện!

Tổng thống Dương Văn Minh hơi cúi đầu, mặt đăm chiêu nhưng tỏ ra cam chịu. Hai bên trao đổi qua lại mấy câu nữa thì ông Dương Văn Minh xin được tuyên bố đầu hàng tại dinh Độc Lập. Một người trong Nội các - sau này ông Toàn mới biết là Tổng trưởng Thông tin Lý Quí Chung - nói:

- Hiện giờ thiết bị tại dinh đã hỏng hết, không thể phát lên đài phát thanh được.

Nghe vậy, Chính ủy Bùi Văn Tùng nói rất kiên quyết: - Các ông phải ra ngay Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng!

Một người thấp béo (sau đó mới biết là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu) lên tiếng tỏ vẻ thận trọng: - Nếu đưa chúng tôi sang Đài Phát thanh Sài Gòn thì phải có xe bọc thép đưa đi, nếu không phe đối lập sẽ gây nguy hiểm cho chúng tôi.

Chính ủy Bùi Văn Tùng nói luôn: - Bây giờ không còn phe đối lập nào ở Sài Gòn nữa, mà toàn là quân giải phóng. Chúng tôi sẽ bảo đảm cho các ông sang đài phát thanh và trở lại dinh Độc Lập an toàn tuyệt đối!

Tổng thống Dương Văn Minh đành chấp nhận.

Tôi cùng đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng một số cán bộ, chiến sĩ nữa đưa Tổng thống Dương Văn Minh cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và vài người nữa trong Nội các ra khỏi phòng để đi sang Đài phát thanh. Sau khi họ lên xe, tôi và pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên quay về xe 390, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của mình - Chính trị viên Vũ Đăng Toàn kể.

Nhà báo Tiziano Terzani (1938 - 2004) đặc phái viên tuần báo Der Spiegel (Italia) là một trong số ít nhà báo phương Tây có mặt tại dinh Độc Lập khi xe tăng của quân giải phóng tiến vào. Là nhân chứng của thời điểm lịch sử đó, ông đã viết:

“Anh Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, đã đến dinh Độc Lập 10 phút sau khi chiếc xe tăng đầu tiên đến. Anh bước vào phòng họp, tự giới thiệu với Dương Văn Minh và đề nghị Minh cùng 18 thành viên khác đang có mặt tại đó hãy coi mình là người được tự do. Anh nhấn mạnh rằng, họ chưa bao giờ là tù nhân cả. Anh yêu cầu Dương Văn Minh phát qua radio mệnh lệnh đầu hàng mới tới binh sĩ để tránh đổ máu thêm một cách vô ích”.

Xem thêm
Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...