| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đóng góp rõ nét cho sự phát triển của Hải Phòng

Thứ Tư 23/08/2023 , 10:10 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hải Phòng hiện nay có hơn 26.500 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp khu vực tư nhân đóng góp đến 34,63% GRDP toàn thành phố Cảng.

Hải Phòng ngày càng khẳng định được vị thế hàng đầu tại miền Bắc, trong đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng ngày càng khẳng định được vị thế hàng đầu tại miền Bắc, trong đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Dấu ấn doanh nghiệp

Tính đến hết tháng 7/2023, trên toàn địa bàn thành phố Hải Phòng có có trên 26.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 25.700 doanh nghiệp khu vực tư nhân. Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm thành phố có khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký trung bình trên 8 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Theo UBND TP Hải Phòng, tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, thành phố Hải Phòng đã thu hút được 81 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp Hải Phòng, có tới 734 dự án đầu tư, chiếm 83% tổng số dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 457 nghìn tỷ đồng, chiếm 52% tổng số vốn đầu tư.

Một số dự án đầu tư quy mô lớn, đang triển khai đầu tư như: Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, tổng vốn đầu tư 4,8 nghìn tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng với tổng vốn 4,6 nghìn tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Hoàng Huy Commerce với tổng vốn đầu tư 5 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, Hải Phòng đặc biệt coi trọng doanh nghiệp khu vực tư nhân, coi sự phát triển của kinh tế tư nhân là động lực, nền tảng quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội và thời gian qua, đóng góp của doanh nghiệp cho TP Cảng rất rõ nét.

Vinfast là doanh nghiệp đóng góp ngân sách rất lớn cho Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Vinfast là doanh nghiệp đóng góp ngân sách rất lớn cho Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP), khu vực doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm 34,63% GRDP toàn thành phố Hải Phòng, đóng góp lớn nhất trong các khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Đối với doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, doanh thu đạt trên 209.260 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt trên 6.714 tỷ đồng, chiếm 37,71% trong tổng số thu nội địa.

Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Hải Phòng đạt 29,33 tỷ USD và nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.750 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, số lượng lao động được doanh nghiệp tư nhân tại Hải Phòng giải quyết được việc làm liên tục tăng, nếu như thời điểm tháng 12/2021 mới là 253.277 thì thời điểm tháng 12/2022 đã tăng lên là 259.424 người.

Bên cạnh đóng góp về kinh tế, các doanh nghiệp thành phố Hải Phòng đã tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp, hỗ trợ cho các sự nghiệm văn hóa, xã hội. Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2023, tổng số kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp đã hơn 384 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Ảnh: Đinh Mười.

Các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Ảnh: Đinh Mười.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp kinh doanh lớn nhất tại Hải Phòng, bao gồm: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 24,7%), lĩnh vực vận tải kho bãi (chiếm 13,8%), công nghiệp, chế biến, chế tạo (chiếm 11,5%), xây dựng (chiếm 9,2%) và hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 5,1%).

3 nhóm giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, 7 chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế gặp nhiều thách thức, cần có giải pháp quyết liệt, đột phá mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới, dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, Hải Phòng đã định hướng 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường nội lực của doanh nghiệp trên địa bàn thời gian tới.

Đầu tiên là địa phương sẽ hoàn thiện và ban hành sớm các chính sách, quy định. Cụ thể là đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, nhất là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ thông tin tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp năm 2023. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ thông tin tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp năm 2023. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sớm xây dựng đề án chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp và nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại thành phố Hải Phòng.

Thứ hai là tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của doanh nghiệp khu vực tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Điều này thể hiện qua việc tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo cũng như tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Nhà nước sẽ hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác hiệu quả thị trường nội địa và công nghệ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics cũng như đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất. Sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất áp dụng những công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường, xử lý nước thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhóm giải pháp sẽ đưa doanh nghiệp Hải Phòng vượt khó trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Các nhóm giải pháp sẽ đưa doanh nghiệp Hải Phòng vượt khó trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Thứ ba là phát huy năng lực tự lực, tự cường của doanh nghiệp, điều này thể hiện qua việc động viên, khơi dậy tinh thần phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phát huy nội lực của doanh nghiệp, doanh nghiệp liên kết, hợp tác kinh doanh cùng phát triển.

Các doanh nghiệp được khuyến khích đẩy mạnh khai thác hiệu quả thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp và chính sách nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Ông Lê Anh Quân khẳng định, doanh nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy thành phố Hải Phòng phát triển. Nhìn lại lịch sử giai đoạn trước, tại Hải Phòng đã xuất hiện những nhà doanh nhân yêu nước nổi tiếng thời Pháp thuộc như nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà - người đã tạo nên bước đột phá trong ngành sơn Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều. Hay nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi - ông “Vua tàu thủy Việt Nam” trong ngành hàng hải.

Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, phong trào “Sóng Duyên Hải” của cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải trở thành một trong các phong trào thi đua lớn của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

"Trong thời kỳ đổi mới, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân được đón nhận Danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới như Tập đoàn VLC, Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và rất nhiều doanh nghiệp khác. Đó là những tấm gương sáng mà doanh nghiệp, doanh nhân khu vực doanh nghiệp tư nhân thành phố Hải Phòng luôn luôn tự hào, học tập và làm theo", ông Quân nói.

Xem thêm
Tập đoàn Phúc Sinh ra mắt mặt hàng cà phê đặc sản

Tập đoàn Phúc Sinh hôm nay (15/5) chính thức ra mắt sản phẩm cà phê đặc sản Honey & Natural Specialty Coffee được chọn lựa từ vùng cà phê Arabica Tây Bắc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Ký kết thỏa thuận bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Benefits One

Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Marsh Việt Nam ký kết Thỏa thuận triển khai giải pháp bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Benefits One.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.