| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp lương thực thực phẩm tìm cơ hội mở rộng thị trường

Thứ Tư 15/05/2024 , 15:38 (GMT+7)

TP.HCM Doanh nghiệp lương thực thực phẩm đối mặt với nhiều thách thức, áp lực cạnh tranh. Việc tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Lãnh đạo TP.HCM và các đại biểu tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lãnh đạo TP.HCM và các đại biểu tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngành lương thực, thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đang đứng trước nhiều cơ hội mới, nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức trong thời gian sắp tới như áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài ngay chính "sân nhà"; các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu về môi trường, đầu tư vào công nghệ... ngày càng đòi hỏi cao. 

Một thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua sự thay đổi trong cách thức quản trị để hướng tới phát triển bền vững và tích hợp tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào chiến lược kinh doanh.

Một bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm và đồ uống đang dần thực hiện các biện pháp phát triển bền vững, bao gồm việc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến sự phát triển kinh tế ở địa phương, hỗ trợ cộng đồng và tập trung chú trọng vào việc sản xuất sản phẩm xanh và có nhãn hiệu xanh được công nhận bởi các tổ chức uy tín trong nước.

Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm như: rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm…

Có thể khẳng định, với nguồn nguyên liệu phong phú, ngành lương thực và thực phẩm vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.

Để ngành chế biến lương thực thực phẩm tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP.HCM đã ban hành chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 - 2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ngành lương thực thực phẩm hiện chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, và là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu ưu tiên phát triển của TP.HCM.

Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2024 (HCMC FOODEX 2024) chính thức khai mạc sáng 15/5. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2024 (HCMC FOODEX 2024) chính thức khai mạc sáng 15/5. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm có chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành lương thực thực phẩm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM tổ chức Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2024 (HCMC FOODEX 2024) với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển”.

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC cho biết, triển lãm với quy mô 500 gian hàng và hơn 400 doanh nghiệp, đơn vị trong nước và quốc tế tham gia trưng bày, quy tụ những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm của TP.HCM và các tỉnh thành.

Triển lãm tiếp tục tạo những điểm nhấn thông qua các chương trình, hoạt động như hội thảo, tọa đàm về phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm và nông sản, xu hướng ẩm thực đương đại; tư vấn xuất khẩu hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hoạt động kết nối giao thương với các đơn vị phân phối, siêu thị hiện đại...

Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là cuộc thi nấu ăn chủ đề “Hồn Việt trong ẩm thực đương đại” do Ban tổ chức HCMC FOODEX 2024 phối hợp với Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn thực hiện kỳ vọng sẽ giới thiệu ẩm thực tinh túy, đặc sắc của Việt Nam đến khách tham quan trong và ngoài nước. Yêu cầu các đội thi sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam để chế biến các món ăn đương đại.

"Chương trình mong muốn kết hợp quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản của Việt Nam thông qua văn hóa và ẩm thực, tạo ra một hướng đi đem lại hiệu quả và ấn tượng mạnh tới khách tham quan", ông Đào Minh Chánh cho hay.

Nhiều doanh nghiệp chế biến sâu cà phê tìm kiếm khách hàng, thị trường mới. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều doanh nghiệp chế biến sâu cà phê tìm kiếm khách hàng, thị trường mới. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2024 (HCMC FOODEX 2024) diễn ra từ ngày 15-17/5, dự kiến thu hút 18.000 lượt khách đến làm việc và tham quan.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.