| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch FFA: 'Chưa bao giờ ngành nông nghiệp phát triển tốt như hiện nay'

Thứ Năm 18/04/2024 , 10:02 (GMT+7)

Để chủ động mở rộng hợp tác, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại.

3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo, thu về 1,37 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thủy.

3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo, thu về 1,37 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiềm năng xuất khẩu nông sản rộng mở

Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3 năm 2024 đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 13,53 tỷ USD. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm rau quả (1,23 tỷ USD); gạo (1,37 tỷ USD); cà phê (1,9 tỷ USD).

Trong đó, mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng tốt trong 3 tháng đầu năm là cà phê. Quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 799.000 tấn cà phê, mang về kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử với mốc 1,9 tỷ USD chỉ sau 3 tháng, tăng 44,45% về lượng và 54,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp đến là gạo có mức tăng trưởng ấn tượng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo, thu về 1,37 tỷ USD, tăng 12% về lượng và 40% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.

Về thị trường xuất khẩu đều ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng ở các thị trường. Cụ thể, xuất khẩu sang các nước châu Á đạt 6,27 tỷ USD (tăng 16,6%); châu Mỹ 2,96 tỷ USD (tăng 27,2%); châu Âu 1,85 tỷ USD (tăng 34,8%); châu Đại Dương 188 triệu USD (tăng 22,9%) và châu Phi 192 triệu USD (tăng 21,6%).

Đặc biệt, ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam có giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng là Trung Quốc (20,2%, tăng 18,3%), Hoa Kỳ (chiếm 19,9%, tăng 28,3%) và Nhật Bản (chiếm 7%, tăng 4,6%).

Để có được những kết quả đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, công nghệ chế biến nông sản, lương thực thực phẩm; thúc đẩy kết nối giao thương với các nhà mua hàng quốc tế. Qua đó, mang lại giá trị kinh tế cao, không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng năm, nhiều ngành hàng đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam như rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm…

“Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, với lượng hàng cung ứng cho thế giới tốt nhất. Trong quý I/2024, một số nhóm hàng thủy sản chế biến xuất khẩu tăng cao.

Chưa bao giờ nông dân trồng gạo, cà phê được giá tốt như bây giờ. Dù còn đối mặt với hạn hán, nhưng chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển tốt như hiện nay. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành lương thực và thực phẩm Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng bứt phá trong năm 2024”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) đánh giá.

Doanh nghiệp Việt tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Doanh nghiệp Việt tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhờ vào sự đa dạng và chất lượng cao của các mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, hạt điều, sầu riêng… các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Cộng với việc tận dụng mức thuế suất khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như tối ưu hóa chuỗi giá trị nông sản qua các nền tảng trực tuyến, kết nối giao thương quốc tế. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Để chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng sức cạnh tranh, mang lại giá trị nhiều hơn cho doanh nghiệp Việt Nam, thời gian qua, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, các địa phương đã tổ chức nhiều triển lãm, hội chợ, qua đó, giúp các doanh nghiệp kết nối giao thương; tiếp cận thông tin và xây dựng chiến lược đổi mới máy móc, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

Theo Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), trong năm 2024, để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo tập huấn, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới ngoài việc tổ chức các hội chợ, chuỗi sự kiện trong nước, đơn vị còn tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các sự kiện quốc tế.

Đơn cử như Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Gulfood Dubai 2024 tại UAE; Hội chợ quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống Foodex Japan 2024 tại Nhật Bản; Hội chợ quốc tế về Thực phẩm và Nguyên liệu thực phẩm IFT Food 2024 tại Hoa Kỳ; Hội chợ quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống tại Singapore; Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Nhật Bản; Hội chợ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; Hội chợ Xuất nhập khẩu Quảng Châu - Trung Quốc (Canton Fair Complex); Tổ chức hoạt động kết nối, quảng bá du lịch nông thôn Việt Nam tại một số nước Châu Âu; Hội chợ quốc tế sản phẩm OCOP,  thủ công mỹ nghệ quốc tế (AF L'ARTIGIANO) tại Châu Âu; Xây dựng vận hành gian hàng nông sản Việt Nam trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc.

Về phía Bộ Công thương, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, ngày 6-8/6 tới đây, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024).

“Đây là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và năng lực xuất khẩu học hỏi, đa dạng hóa thị trường, cũng như nghiên cứu thông tin, xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp với phát triển thị trường trong thời gian tới”, ông Tạ Hoàng Linh nói.

Ở góc độ địa phương, các tỉnh thành cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Đơn cử như TP.HCM, ngày 16-18/5 tới đây sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM năm 2024 quy tụ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngày 22-28/4, TP.HCM cũng phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại TP.HCM. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, mở rộng hệ thống phân phối thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, ngoài các hội chợ trong nước, ITPC tổ chức kết nối các DN trong nước với nhà mua hàng quốc tế tại các sự kiện quốc tế trong thời gian tới như ThaiFex (tháng 5), hội chợ ở Pháp, Hàn Quốc (tháng 11); Hội chợ thực phẩm tại Thượng Hải…

Bình Dương là địa phương đóng góp 10% vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Bình Dương có ga Sóng Thần (thành phố Dĩ An) - là ga đường sắt đầu tiên của cả khu vực miền Nam xuất khẩu nông sản trực tiếp đi Trung Quốc. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, đã có nhiều chuyến tàu chở nông sản xuất khẩu trực tiếp đi Trung Quốc từ ga Sóng Thần.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, dự kiến sắp tới Bình Dương sẽ có các bản ghi nhớ hợp tác về thủ tục hải quan, logistics… Qua đó, tạo thuận lợi  đẩy hợp tác giao thương hàng hóa, mở ra nhiều cơ hội làm ăn hơn cho các doanh nghiệp.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm