| Hotline: 0983.970.780

Đối thoại với nhà thơ Trần Đăng Khoa về chuyện nghĩa trang

Thứ Tư 02/12/2020 , 14:54 (GMT+7)

Theo nhà thơ, sự lộn xộn ở các nghĩa trang hiện nay là điều đáng buồn, cần sự quan tâm ngay của cả xã hội nhất là lãnh đạo các cấp và nhà quản lý.

Chân dung nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chân dung nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tham nhũng mồ mả

Cách đây khoảng dăm bảy năm, báo Nông nghiệp Việt Nam đã từng có cuộc trao đổi với ông về chuyện không gian kiến trúc ở nông thôn và ông đã nhận định rằng làng quê đang vỡ một cách rất tưng bừng, rất lộn xộn.

Đó là thế giới của người sống còn giờ đây thế giới của người chết trong các nghĩa trang cũng lộn xộn hệt như thế từ thành phố đến nông thôn. Không giống như nghĩa trang liệt sĩ có hàng có lối các mộ cùng một kích cỡ quy củ, nghĩa trang bình thường mộ to, mộ nhỏ đủ các trường phái kiến trúc, ốp đá, ốp gạch thậm chí ốp cả gạch…vệ sinh. Họ xây bao chiếm theo từng gia đình, dòng họ, nhiều thì vài trăm m2, có người còn rộng hơn, ít thì vài chục m2, chen lấn đến mức nhiều nơi không có lối đi phải trèo lên cả mộ để mà thắp hương. Ý kiến của ông thế nào về chuyện đó?

Hãy xem ở các nước văn minh, nấm mộ có khi chỉ là một tảng đá mà thôi. Tôi rất thích đi lang thang trong các khu nghĩa trang danh nhân của nước ngoài.

Ở Nga có rất nhiều người mình mới nghe tên thôi đã phải cúi đầu kính phục rồi như mộ của nhà văn Pautopxki (tác giả của Bông hồng vàng) chỉ là một thảm cỏ xanh trên đặt một tảng đá đề tên và năm sinh, năm mất. Một của nhà văn khổng lồ Lep Tonxtoi (tác giả Chiến tranh và hòa bình) chỉ là ngôi mộ cỏ bé tí tẹo, đến nơi mà không nhận ra là mộ nữa vì còn không có cả bia, không có một chữ nào cả. Vân vân… Đó là mộ nhà văn hóa, do người có văn hóa xây dựng ở một nước có văn hóa.

Một góc nghĩa trang làng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc nghĩa trang làng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh từng viết về ngôi mộ này:

TRƯỚC MỘ ĐẠI VĂN HÀO LÉP TÔNXTÔI

Đỉnh của muôn ngọn núi

Tự thu mình

Trong vuông cỏ

Dãi dầu

Đầu suối cạn

Những tác phẩm thiên tài

Vượt ra ngoài

Các giới hạn

Đấng Tạo Hóa nằm đây

Nhỏ bé cô đơn

Bên gốc một cây sồi

Tôi lặng lẽ cúi đầu và khẽ gọi:

- NƯỚC

NGA

ƠI!

Pôliana 18/5/1990

Ở Pháp rồi cả ở Cu Ba cũng thế, tôi đến thăm một nghĩa trang có nhà thơ rất nổi tiếng là Felix Pita Rodriguez tác giả bài thơ “Hồ Chí Minh tên người là cả một niềm thơ” và bài “Hà Nội thủ đô nhớ Bác Hồ”, hay vô cùng, thì ngôi mộ của ông cũng chỉ là một khối đá nhỏ có chữ ký của ông.

Ở Mỹ, nhiều ngôi mộ chỉ là một cây thánh giá với một viên đá phẳng khắc dòng tên bên dưới mà phải bới cỏ lên mới thấy chứ không thấy lùm lên gì cả. Rất trang nhã, rất đẹp và rất văn minh!

Ở nước mình, có một hiện tượng hiện nay là một số người có tiền của, có thế lực xây ngôi mộ thân nhân rất nguy nga, làm mất nhiều ruộng đất. Dân rất kêu ca mà có khi ta không nghe được. Cái này cần phải uốn nắn ngay, tương đương như một thứ tham nhũng mồ mả.

Có những thanh niên 30 tuổi đã mua hay xí phần đất cho cả hai vợ chồng mình sau này, thậm chí cả con cái của họ. Đất nghĩa địa làng có chỗ còn đắt hơn cả đất thổ cư.

Một góc nghĩa trang làng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc nghĩa trang làng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cảm giác của ông khi ngày xưa ra nghĩa trang làng thăm ông bà, tổ tiên vào dịp ngày giỗ, ngày thanh minh như thế nào và bây giờ ra sao?

Ngày xưa nghĩa trang làng tôi đơn giản lắm, chỉ là những ngôi mộ cỏ hoặc nếu có xây cũng chỉ bằng gạch, mỗi cái khoảng 2m2 kể cả rèm quanh mộ. Giờ thì không chỉ làng tôi mà nhiều nơi khác còn ghê gớm hơn, có nơi người ta xây dựng cả một thành phố nguy nga dành có người đã chết, trong khi người sống ở lay lắt trong các túp lều chẳng khác gì chuồng trâu chuồng bò.

Mộ người chết rất hoành tráng, lô nhô cao thấp, có cái là ngọn tháp cao từ 10 - 20 tầng, xây mái che, đắp hoành phi, câu đối, lát đá hoa, làm đủ thứ như biệt thự cho người sống, có cái tốn đến vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ. Có người còn bảo: “Thế vẫn còn bé nhé!”.

Bên này mộ to bên kia cũng phải cố gắng mộ to hơn thành ra một cuộc ganh đua cho người chết. Đôi khi đám con cháu cảm thấy không yên tâm với những người đã chết, nhất là khi làm ăn lại phát đạt nữa. Muốn biết ơn tổ tiên, biết ơn các đấng sinh thành nên lại càng xây phình mộ to ra. Mộ với mộ chen lấn nhau không còn cả lối đi phải trèo lên mộ này để đến mộ khác.

Nó không hay ho gì, nó không phải là một vẻ đẹp của văn hóa. Thà rằng tiền ấy để làm việc thiện, để giúp cho địa phương xây trường cho trẻ em học, xây bệnh viện cứu người đang sống còn hay hơn là trang điểm cho những người đã chết.

Tôi nhiều năm quan tâm, nghiên cứu về tâm linh nên biết chẳng có gì ở dưới mộ cả. Thầy Thích Nhất Hạnh một con người vĩ đại của trái đất này, đã xuất bản hàng trăm cuốn sách về đạo Phật. Toàn cầu đều ngưỡng vọng giống như một vị Phật sống, những buổi thuyết pháp có cả tổng thống, quan chức, cảnh sát của các nước đến dự. Ông là người nổi tiếng khắp thế giới, nhiều nước muốn đón rước ông, nhưng về già bị tai biến, ông quyết định về quê để chết ở quê.

Vừa rồi có chùa đã xây dựng cho ông một ngôi tháp nhưng ông từ chối mà đề nghị sau này thác hãy thiêu xác rồi lấy tro rải trên con đường thiện hành và rải xuống sông. Còn ngôi tháp đã xây rồi thì cứ để đấy nhưng phải đề là “Ở đây không có gì”. Đã thế ông còn đề nghị ghi tiếp “Và ở ngoài kia cũng không có gì”. Ông là một tấm gương rất sáng! Ông đã siêu thoát ngay cả khi vẫn còn đang sống.

Nếu mình mà không gương mẫu thì không thể nói được ai, khó nhất giờ là những người đã có tiền lại có thế lực, họ muốn thế nào cũng được mà. Cho nên, trong tiêu chí đánh giá một làng văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn thiếu một tiêu chuẩn là xem cái nghĩa trang làng đó có văn hóa hay không!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: 'Đánh giá làng văn hóa phải đánh giá cả nghĩa trang'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Đánh giá làng văn hóa phải đánh giá cả nghĩa trang". Ảnh: Dương Đình Tường.

Do văn hóa hay do gì?

Thế giới người sống ở các nước họ quy hoạch những đô thị có tầm nhìn hàng vài trăm năm, thế giới người chết ở nghĩa trang cũng thế, phải chăng là do cái phông văn hóa của người ta cao? Còn nước ta kinh thế thị trường mới chỉ hơn 30 năm thôi mà lộn xộn từ thế giới của người sống đến thế giới của người chết là do cái gì thưa ông?

Văn hóa. Đặc trưng cao nhất của văn hóa là sự giản dị. Ta có giàu lên, nhưng là cái giàu của anh ít học, như một thứ Lý Toét và Xã Xệ kiểu mới.

Dĩ nhiên không phải tất cả đều như thế, nhưng số đó không ít. Vì trong đời sống, ta thường quan tâm đến chính trị và kinh tế, có mấy ai quan tâm đến văn hóa đâu. Nếu có chỉ là có trong các Nghị quyết và các bài phát biểu của mấy ông quản lý “chay” rồi người nói vỗ tay trước cho mọi người nghe vỗ tay theo. Tôi thấy rất ngượng cho họ mà họ thì không biết ngượng. Nghĩ cũng lạ!

Những người thành đạt bây giờ ở xã hội ta nhiều khi không đồng nghĩa với có văn hóa cao bởi họ đã đầu tư rất lớn cho việc xây lăng mộ của ông bà, bố mẹ và của chính họ sau này?

Không hẳn thế. Vì xây lăng mộ cho ông bà hay bố mẹ chỉ là một biểu hiện của văn hóa mà thôi, nhất là văn hóa cao như anh nói.

Đấy là do người ta không hiểu thế giới tâm linh. Tâm linh không phải ở chỗ ngôi mộ. Ngay cả tấm thân của mình khi chết có phải là của mình nữa đâu? Mình chỉ là mình khi còn đang sống thôi chứ sau này mất thân xác chẳng là gì cả. Thân xác chỉ như căn nhà thôi, năm nay có thể ở nhà này năm sau lại ở nhà khác. Khi người đã rời đi rồi nhà chẳng khác gì cái bãi hoang.

Nghiên cứu thế giới tâm linh, tôi nhận thấy thế. Và tôi cũng hiểu vong hồn không phải trú trong thể xác sau khi mất vì không ai trú trong thứ hôi thối ấy cả, nó kinh lắm! Vong hồn tồn tại ở cõi khác chứ không phải trong ngôi mộ. Mộ là nơi thiêng liêng nhưng thiêng liêng với người sống. Vì đó là nơi ta tưởng niệm người đã mất. Có một chỗ để thắp hương, để tưởng nhớ người mất là điều cần thiết nhưng thắp là thắp vậy thôi chứ người chết không ở dưới đó.

Phải hiểu như thế sẽ thấy rất thanh thản và giải thoát cho cả người sống lẫn người chết chứ xây mộ to và bít kín thế thì người chết làm sao mà siêu thoát được? Và ngược lại nó lại tạo cho người chết sự tham lam, nuối tiếc về cuộc sống ở trần gian.

"Mà người chết có ở trần gian đâu, họ ở cõi khác cơ mà? Bởi thế xây mộ to và tốn kém suy cho cùng đó là sự u mê, chẳng khác gì thời mê muội trước đây chứ những người có nhận thức chẳng ai lại làm thế", nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Tôi đã chuẩn bị cho mỗi anh em 2m2 đất

Một góc nghĩa trang làng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc nghĩa trang làng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy thì chuyện mồ mả của gia đình ông ra sao? Ông có thể tiết lộ được không?

Cảm ơn anh đã hỏi, có hỏi tôi mới nói, chứ nói điều này chưa chắc đã hay đâu. Ông bà bố mẹ tôi phần mộ được xây ở nghĩa trang làng, chỉ có một ô đất xây gạch cao vừa phải (ngang thắt lưng) trên có tấm bia nhỏ ghi tên các vị, năm sinh và ngày mất, ngày cát táng. Riêng bố mẹ tôi thì tấm bia để nghiêng, 2/3 tấm bia chìm trong cỏ, chỉ có vậy thôi.

Cụ nội tôi, nghĩa sĩ Cần Vương Trần Tấn, là tiểu tướng của Nguyễn Thiện Thuật, hi sinh tại Bãi Sậy khi Pháp đánh vào căn cứ trận cuối cùng. Lúc ấy lãnh tụ Nguyễn Thiện Thuật đã sang Trung Quốc rồi. Mộ cụ đặt chung với 2 cháu nội, khi làng đào hết các đống để làm ruộng cấy lúa. Hàng trăm ngôi mộ không ai thừa nhận, hoặc không kịp biết để đến nhận, dân quân bốc xương lên xe cút kít, đổ rào rào xuống chuôm ở giữa đồng, rồi vùi đất lên cấy lúa ở trên.

Các cuộc cách mạng của nông dân ở làng quê, bao giờ cũng gay gắt, không hề có nhân nhượng, mà đến nay chưa có một tác phẩm nào động chạm đến, đúng như nó đã xảy ra. Ba ông cháu chỉ có 1m2 mà thôi và tiểu của 2 cháu nội kê lên 2 vai của ông nội. Đành vậy, vì làng đã hết đất đặt mộ rồi mà.

Còn 2 anh em tôi đã mua khoảng non 10m2, cạnh phần mộ bố mẹ mình và sắp tới sẽ xây trước cho 2 vợ chồng anh Trần Nhuận Minh và vợ chồng tôi, mỗi người khoảng 2m2, đúng như mọi nông dân của làng. Và chúng tôi hài lòng về việc đó bởi cũng có đủ chỗ đặt hài cốt, và có cả chỗ đứng cho người đến thắp hương rồi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: 'Báo hiếu không phải là xây mộ to mà là đối xử với bố mẹ thế nào lúc còn sống'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Báo hiếu không phải là xây mộ to mà là đối xử với bố mẹ thế nào lúc còn sống". Ảnh: Dương Đình Tường.

Xin kể thêm một chuyện. Hôm về làng, tôi nghĩ phải đến thắp hương cho bà ngoại tôi, người tôi đã viết trong bài Đánh thức trầu năm 7 - 8 tuổi. Nghĩa trang làng vô cùng lộn xộn, tôi không thể tìm ra. Tôi vừa đi vừa khấn: “Bà ở đâu thì chỉ đường cho cháu với”.

Thế rồi chị dâu tôi, người dường như chưa ra đây bao giờ, từ phía sau tôi, bỗng lón cón chạy lên trước, chị phải nhảy lên bao ngôi mộ mà đi. Chị đến thẳng đúng ngôi mộ của bà ngoại, thắp hương cái là thấy tất cả trắng lóa. Thế có lạ không? Nếu tôi không là người trong cuộc thật khó mà tin được.

Nghĩa trang làng tôi ngoài lộn xộn cũng lụt lội quanh năm. Ngay như vừa rồi mẹ tôi mất, huyệt đào bên một mương nước, dù đã rắc cát xuống rồi nhưng chắc chỉ sau nửa tiếng là quan tài đã ngập nước dù không phải là mùa mưa.

Nhiều người vẫn quan niệm rằng xây mộ to cho bố mẹ, tổ tiên là một cách để báo hiếu, ông nghĩ ra sao về chuyện đó?

Báo hiếu không phải là ở chỗ xây mộ to mà ở chỗ khi người thân đang còn sống có làm cho lòng họ đau buồn không, lúc đau ốm có chăm sóc tốt không? Khi họ chết rồi, con cháu có làm điều gì tệ hại, ảnh hưởng đến họ không? Xây mộ to là chuyện vô nghĩa với người đã khuất mà chỉ là phô phang cho người đang sống mà thôi.

Tôi vẫn thích những ngôi mộ truyền thống xưa kia các cụ làm, nho nhỏ, xây tròn giật ba cấp như bông hoa đồng tiền, không biến thành bê tông cốt sắt trùm kín bên trên mà vẫn chừa ra một chỗ trồng cỏ để thông thiên và để cắm hương.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị ngày hôm nay!

Xem thêm
Bí quyết sở hữu vé chương trình 'Bài hát của chúng ta' top 1 rating VTV3

Đến hết 30/10/2024, khách hàng chi tiêu thẻ quốc tế VPBank thỏa mãn điều kiện hoặc tham gia minigame trên fanpage sẽ nhận vé dự chương trình 'Our Song - Bài hát của chúng ta'.

Jannik Sinner mất ngủ vì sự cố doping

Tay vợt số 1 thế giới của quần vợt nam Jannik Sinner cho biết sự vụ liên quan tới câu chuyện doping khiến mình bị mất ngủ nhiều đêm.

Lần đầu giải bóng chuyền hạng A toàn quốc có ngoại binh

Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc 2024 được ghi nhận thu hút nhiều cầu thủ ngoại (ngoại binh) tới thi đấu.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.