Ngay sau khi xuất hiện chùm ca bệnh Covid-19 tại Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, chiều 25/5, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc và kêu gọi các đơn vị y tế trên cả nước dồn lực hỗ trợ cho Bắc Giang.
Theo TS.BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bắc Giang hiện đang rất phức tạp, khó lường. Bộ Y tế đã cử một đội trực chiến tại Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn là chỉ huy trưởng tại đây. “Bệnh viện Chợ Rẫy luôn sẵn sàng lên đường khi được chỉ đạo để cùng chia lửa với Bắc Giang”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy được điều động đợt này gồm 13 y bác sĩ, nhân viên y tế tại rất nhiều chuyên khoa đến tăng cường cho Bắc Giang. Tất cả đều là những bác sĩ, nhân viên y tế tinh nhuệ đến từ các khoa, phòng, có năng lực chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm trong các lần “chi viện” tới các điểm nóng của dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong thiết lập hệ thống săn sóc đặc biệt, chạy ECMO, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Ngoài ra, êkip sẽ giúp Bắc Giang xây dựng bệnh viện dã chiến trong thời gian ngắn nhất.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã cấp, xuất rất nhiều trang thiết bị y tế đến các địa phương, trong đó có Bắc Giang. “Chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng, nhân dân Bắc Giang hãy bình tĩnh và an tâm, bởi luôn có cả nước và ngành y tế, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy luôn luôn đồng hành cùng các bạn. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đến với các bạn ngay trong ngày mai”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh.
Là một trong những người luôn có mặt tại các điểm nóng Covid-19 suốt đầu mùa dịch Covid-19 đến nay và cũng là trong những người đóng góp lớn vào quá trình điều trị thành công bệnh nhân phi công người Anh - bệnh nhân 91 hồi giữa năm ngoái, BS CKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Chúng tôi luôn trong tâm thế chủ động trước khi có lệnh điều động. Sau khi nhận lệnh, chúng tôi sẵn sàng lên đường đến với Bắc Giang. Chúng tôi sẽ phụ trách về mặt chuyên môn, cùng với các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... hỗ trợ về mặt hồi sức, điều trị, các công tác chăm sóc điều dưỡng cho bệnh nhân Covid-19. Mục tiêu là làm thế nào để có thể xử lý nhanh nhất những trường hợp bệnh nặng, giúp bệnh nhân sớm hồi phục, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong...”.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, số ca bệnh Covid-19 tại Bắc Giang đang tiếp tục gia tăng, đã có những trường hợp tử vong, điển hình là nữ bệnh nhân 38 tuổi dù trước đó không có bệnh nền.
Trong khi đó, các chuỗi lây nhiễm tại đây được xác định do các biến thể Ấn Độ, Anh với khả năng lây lan rất nhanh, mức độ tổn thương phổi rất cao, diễn tiến bệnh khó lường.
Với lực lượng tinh nhuệ nhất đến Bắc Giang, êkip các bác sĩ đã dự trù các tình huống có thể xảy ra khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 như cấp cứu, lọc máu, chạy ECMO, kiểm soát bằng máy thở, sử dụng hệ thống siêu âm, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu…
"Biến thể virus hiện nay diễn tiến khá phức tạp, với kinh nghiệm từ các đợt chống dịch, về chuyên môn, phân luồng chống lây nhiễm chéo, chúng tôi hy vọng cùng chung tay với các lực lượng chống dịch ở Bắc Giang; cố gắng điều trị nhiều bệnh nhân nhất, hạn chế tối đa tử vong, sớm dập tắt dịch", bác sĩ Trần Thanh Linh nói.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn trực tuyến với Bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ưu tiên lớn nhất hiện nay là làm thế nào phòng chống và dập cho bằng được ổ dịch tại Bắc Giang.
Bộ trưởng Y tế cũng đã điều động dồn tổng lực cho Bắc Giang. "Nếu không làm được thì dịch sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác và như thế sẽ rất nguy hiểm. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo rất sát với thực tiễn phòng chống dịch hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.