Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. Đã hơn 70 ngày khu vực phía Nam không có ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, điều này cũng có nghĩa rằng nếu xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng là do dịch xâm nhập.
Cũng theo ông Long, kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid-19 về từ nước láng giềng cho thấy, 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam phi). Do đó, tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ xâm nhập rất lớn, tuy nhiên chúng ta thấy rằng năng lực kiểm soát và khả năng phòng chống của khu vực này đã được nâng lên.
Nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 sắp tới. Mặc dù kiểm soát biên giới đường bộ chúng ta đã làm tốt, nhưng kiểm soát biên giới trên đường biển lại là thách thức đối với tất cả các tỉnh tại khu vực này.Do đó, càng phát hiện sớm, càng cách ly khoanh vùng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại của dịch bệnh với kinh tế xã hội. Cần giám sát, sàng lọc, xét nghiệm và phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ tại các khu vực trọng yếu của các cơ sở y tế, vì ca bệnh hay được phát hiện ở bệnh viện.
Thiết lập “lá chắn” điều trị bệnh nhân Covid-19
Trước diễn biến dịch Covid-19 tại các nước láng giềng, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vacxin phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ tỉnh Kiên Giang thiết lập Bệnh viện dã chiến; hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Trung Ương Cần Thơ và các đơn vị y tế trên địa bàn thiết lập Bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 800 giường bệnh; hỗ trợ các địa phương như An Giang, Đồng Tháp thiết lập BV dã chiến…
Ngày 27/4, TS Nguyễn Trí Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy do BSCK II Trần Thanh Linh làm trưởng đoàn đã hoàn thành việc khảo sát, hỗ trợ thiết kế lập Bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên (Kiên Giang).
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia của BV Chợ Rẫy, Trung tâm Y tế TP Hà Tiên sẽ thiết lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng đến rất nặng, quy mô khoảng 70 giường, đủ khả năng lọc máu và vận hành hệ thống ECMO.
Theo kế hoạch, trước ngày 30/4 sẽ hoàn chỉnh các hạng mục, sau đó sẽ đưa các trang thiết bị vào lắp đặt và các chuyên gia của BV Chợ Rẫy sẽ tập huấn cho các y bác sĩ làm việc tại đây về sàng lọc, phân luồng tiếp nhận và di chuyển bệnh nhân, công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế.
Đối với việc hỗ trợ thiết lập bệnh viện dã chiến tại Trung tâm văn hóa phường Mỹ Đức (tỉnh lộ 28 khu phố Bà Lý, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên), giai đoạn 1 có thể thu dung 300 bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài ra cũng xây dựng khu hành chính, điều hành bao gồm các phòng ban nằm ngoài khu điều trị, và một khu nhà nghỉ đặt tại UBND phường Mỹ Đức với đủ tiện nghi cho nhân viên y tế sau chăm sóc bệnh nhân trong Bệnh viện dã chiến ra nghỉ cách ly tập trung. Dự kiến sẽ hoàn thiện mặt bằng trong 1 tuần.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản như rà soát nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... để sẵn sàng điều động, điều tiết từ các cơ sở y tế cho bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động. Đồng thời, xây dựng phương án sử dụng toàn bộ Trung tâm Y tế TP Hà Tiên để điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cần thiết.
TP.HCM: kích hoạt lại biện pháp phòng chống dịch Covid-19
TP.HCM là địa bàn có nguy cơ xâm nhập dịch bệnh Covid-19 cao do tần suất giao thương, đi lại lớn. Từ thực tế đó, để giữ vững thành quả 73 ngày không phát hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành siết chặt công tác kiểm soát người nhập cảnh trái phép trên địa bàn, đồng thời kích hoạt lại biện pháp phòng chống dịch Covid-19. "Khuyến khích cán bộ, nhân viên không rời vị trí, ở lại thành phố phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta cần những biện pháp quyết liệt, nghiêm túc, nếu không chúng ta sẽ trả giá bằng những hậu quả khôn lường. Toàn bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trên các lĩnh vực cần được kích hoạt lại", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu các đơn vị siết chặt lại việc thực hiện quy tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế). Ông Phong cũng lưu ý, TP.HCM sẽ xử lý nghiêm trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng và nhập cảnh trái phép.
Đối với các hoạt động trong dịp lễ 30/4-1/5, ngoài việc thành phố không tổ chức bắn pháo hoa, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao báo cáo toàn bộ kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại các lễ hội, sự kiện.
An Giang: Sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong dịp lễ hội
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang là tỉnh có đường biên giới dài gần 100km với Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn lối mở, bến đò ngang, nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối để nhập cảnh vào tỉnh.
Do đó, tỉnh An Giang đã nhanh chóng thiết lập các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là “siết chặt đường biên giới” nhằm chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào An Giang. Tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở, bến sông ngang; quản lý chặt chẽ các hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới. Toàn tỉnh duy trì 200 tổ/1.415 đồng chí “cắm chốt” tại các chốt chặn, kiểm soát cố định và kiểm soát lưu động trên biên giới để ngăn chặn người xuất – nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng chống dịch COVID-19. Các trường hợp nhập cảnh đều được cách ly tập trung theo quy định.
Song song đó, tỉnh An Giang thực hiện đồng bộ các phương án chống dịch, chú trọng kiểm tra tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp... Kiểm tra chặt chẽ hồ sơ thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, thủ tục mời gọi chuyên gia nước ngoài về làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với các chuyên gia nước ngoài được thực hiện cách ly phòng chống dịch bệnh đúng quy định…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là nhiều người Việt Nam sinh sống tại Campuchia quay trở về nước qua các cửa khẩu của tỉnh kể cả nhập cảnh trái phép. Sắp tới trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức các Lễ hội như Lễ hội Vía Chùa Bà, Lễ 30/4- 1/5, dự kiến lượng người dân về tỉnh An Giang sẽ rất lớn. Đây là những thời điểm tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh hoàn thiện các kế hoạch, kịch bản đối phó với dịch bệnh liên quan đến nhập cảnh, kịch bản dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng…
Không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra
Tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 26/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, thủ tục và quy định về cách ly bắt buộc tại các khu cách ly tập trung, các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp, theo dõi y tế sau cách ly.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu hạn chế các sự kiện tập trung đông người; trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Các địa phương có đường biên giới, nhất là biên giới Tây Nam chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh qua đường bộ và đường biển; kiên quyết kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo pháp luật hoạt động nhập cảnh trái phép.
Bộ Y tế quyết định điều chuyển 20.000 liều vacxin phòng Covid 19 trong tổng số 43.700 liều vacxin cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 về Trung tâm kiểm soát bệnh tật cho 8 tỉnh Tây Nam bộ, gần biên giới Campuchia, trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập hiện hữu. Cụ thể, Lào Cai (5.000 liều), Tiền Giang (2.000 liều), Bến Tre (2.000 liều), Vĩnh Long (1.800 liều), Trà Vinh (1.800 liều), Hậu Giang (1.800 liều), Sóc Trăng (2.000 liều), Bạc Liêu (1.800 liều), Cà Mau (1.800 liều).