| Hotline: 0983.970.780

Đột phá chuyển đổi cây trồng

Chủ Nhật 10/01/2016 , 14:24 (GMT+7)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích là bài toán được nhiều địa phương đặt ra. 

Những năm qua, với chủ trương đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nâng cao đời sống nhân dân, huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã triển khai thành công nhiều mô hình. Trong đó phải kể đến trồng ớt cay xuất khẩu, ngô luân canh trên đất 2 lúa…

Những năm trước đây, cánh đồng màu ở xã Hội Sơn chỉ trồng 3 vụ ngô. Thực hiện mối liên kết 4 nhà, vụ đông năm nay, bà con đưa 2 ha cây ớt cay số 7, số 10 vào gieo trồng. Theo hợp đồng, Cty CP Xuất khẩu nông lâm sản Thanh Hóa cho vay giống, thuốc BVTV và hướng dẫn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Theo tính toán của nông dân xã Hội Sơn, trồng 3 vụ ngô/năm, giỏi lắm cũng chỉ thu về 8 tạ/sào. Bán được giá cũng khoảng 4.000.000 đồng, tương đương 80.000.000 đồng/ha/năm. Nay vụ đông trồng ớt, 2 vụ còn lại trồng ngô vẫn sẽ thu về 500kg ngô, 1,5 tấn ớt/sào. Tính ra, bà con sẽ đút túi 11.250.000 đồng/sào, tương đương 225.000.000 đồng/ha/năm. Lợi ích từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều không cần phải bàn cãi.

Ông Bùi Công Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Sơn cho biết: “Trên đất Hội Sơn, cây ớt cay cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây ngô. Công thức trồng xen 1 vụ ớt giữa 2 vụ ngô/năm cho thấy, giá trị kinh tế tăng gấp 3 lần so với trồng ngô 3 vụ/năm. Bình quân, mỗi sào ớt, nông dân thu được 1,5 tấn quả, hộ làm tốt có thể đạt 1,8 - 2 tấn. Đây là một mô hình rất hiệu quả, nông dân rất phấn khởi vì doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết ban đầu”.

15-00-09_dscf2125

"Trên địa bàn huyện Anh Sơn còn triển khai mô hình trồng ngô 4 vụ, bán ngô cây cho Cty Sữa TH. Theo tính toán, nếu thành công mô hình này cho lãi ròng cao hơn so với công thức ngô 3 vụ/năm khoảng 39 triệu đồng/ha. Đây sẽ là bước đi mới cho bà con nông dân, có thể linh hoạt tùy điều kiện cụ thể để sử dụng công thức trồng ngô 3 vụ để lấy ngô hạt, hoặc trồng ngô 4 vụ để bán ngô thương phẩm”, ông Đăng chia sẻ.

Được biết, vụ đông 2014, mô hình trồng ớt cay xuất khẩu đã được đưa vào thử nghiệm tại 2 xã Tường Sơn và Hoa Sơn với diện tích 7,7 ha, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu, bà con nông dân rất phấn khởi. Vụ đông 2015, diện tích ớt cay xuất khẩu được mở rộng lên 31 ha, tập trung ở các xã Tường Sơn, Hoa Sơn, Đức Sơn, Hội Sơn, Vĩnh Sơn.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Anh Sơn, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được 10 lứa ớt. Qua đánh giá ban đầu, đối với những diện tích chăm sóc đúng quy trình, đầu tư thâm canh tốt, năng suất đạt 1,8 tấn/sào. Với giá thu mua của công ty là 5.900 đồng/kg, nông dân có nguồn thu trên 10 triệu đồng/sào, lãi ròng 7 triệu đồng/sào, tương đương 140 triệu đồng/ha.

Ngoài mô hình ớt xay xuất khẩu, nông dân Anh Sơn còn gieo trồng 470 ha ngô đông trên đất 2 lúa tại các xã Tường Sơn, Tào Sơn, Đức Sơn... Hiện nông dân đang ra đồng thu hoạch, năng suất ước đạt 55 tạ/ha.

Ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: “Vụ đông năm 2015, Anh Sơn gieo trồng 3.200 ha ngô, trong đó 470 ha trên đất hai lúa, năng suất đạt khá. Mô hình thử nghiệm những năm trước đạt hiệu quả cao, nông dân rất phấn khởi nên năm nay, ngay sau khi thu hoạch ngô xuân, người dân tự giác gieo trỉa ngô hè thu đúng thời vụ để kịp gieo trỉa ngô đông.

Với công thức luân canh ngô xuân - ngô hè thu - ngô đông trên đất 2 lúa qua tính toán, nông dân lãi ròng gần 61 triệu đồng/ha/năm. Tuy chưa phải là con số lớn nhưng với nhà nông, đây là thành quả đáng ghi nhận, là tín hiệu vui bởi trong những năm tiếp theo, Nghệ An nói chung và Anh Sơn nói riêng rất có thể sẽ đối mặt với hạn hán nặng. Việc chuyển đổi đất 2 lúa sang trồng ngô có hiệu quả kinh tế cao sẽ là một hướng đi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu."

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.