| Hotline: 0983.970.780

Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Thứ Hai 20/01/2025 , 06:00 (GMT+7)

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Những người đầu tiên nuôi ngựa bạch ở Bắc Giang

Tôi tình cờ biết đến cha con ông Nguyễn Văn Lúa, Nguyễn Văn Hai (xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang) vào giữa tháng 9/2024. Khi đó, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía Bắc. Ở Bắc Giang, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài diện rộng, nước sông Thương dâng cao tràn vào các khu dân cư…

Anh Nguyễn Văn Hai bên con ngựa bạch bố mẹ được mua về từ Mông Cổ để làm ngựa giống. Ảnh: Thái Bình.

Anh Nguyễn Văn Hai bên con ngựa bạch bố mẹ được mua về từ Mông Cổ để làm ngựa giống. Ảnh: Thái Bình.

Khi đó, tại Đồng Sơn, trạm bơm Cống Bún – công trình thủy lợi trọng yếu có vai trò thoát lũ cho thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, các khu công nghiệp liền kề và vùng canh tác nông nghiệp rộng lớn bị đe dọa. Nước sông rò rỉ qua các cửa cống gây nguy cơ nghiêm trọng nếu không được gia cố.  

Trạm bơm Cống Bún gồm 3 cửa cống có 6 cánh, nhiệm vụ của cánh cống là đóng mở tự động khi có sự chênh lệch áp suất. Thời điểm lũ lên cao trên mức báo động 3, nước ở vị trí thăng bằng không có áp suất nên cửa cống không đóng tự động, cần người xuống kiểm tra xem cửa cống có bị đất đá chèn gây ảnh hưởng việc đóng mở và móc nối dây cáp vào cửa cống để người ở trên kéo đóng cửa theo phương thức thủ công. Nếu không khắc phục được sự cố rò rỉ nói trên, nguy cơ vỡ bể chứa rất dễ xảy ra.

Đàn ngựa bạch nuôi lấy thịt của cha con ông Nguyễn Văn Lúa được chăn thả trên cánh đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Đàn ngựa bạch nuôi lấy thịt của cha con ông Nguyễn Văn Lúa được chăn thả trên cánh đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, cha con lão nông Nguyễn Văn Lúa (64 tuổi) và con trai Nguyễn Văn Hai (sinh năm 1987) đã lặn sâu trong dòng nước lũ để đóng 6 cánh cửa của ba cống thông giữa sông Thương và bể xả trạm bơm Cống Bún góp phần quan trọng ngăn chặn vỡ bể xả.

Hành động dũng cảm của cha con ông Lúa khiến người dân cảm phục. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tặng bằng khen cho cha con ông. Giải thích cho việc làm của mình, ông Lúa thật thà: “Mình quen sông nước, với việc cần kíp phải làm ngay, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường. Tôi nghĩ ai trong hoàn cảnh ấy biết bơi lội, lặn ngụp… cũng sẽ làm giống như cha con tôi”.

Vào mồng một mỗi tháng, Nguyễn Văn Hai thịt một con ngựa bạch để bán thịt, xương giữ lại để nấu cao. Ảnh: Thái Bình. 

Vào mồng một mỗi tháng, Nguyễn Văn Hai thịt một con ngựa bạch để bán thịt, xương giữ lại để nấu cao. Ảnh: Thái Bình. 

Những ngày cuối năm, tôi về Bắc Giang theo lời hẹn với con trai của lão nông Nguyễn Văn Lúa – anh Nguyễn Văn Hai. Điều khiến tôi vô cùng bất ngờ đó là Hai thật thà không giấu giếm: “Em không biết chữ, có việc gì anh cứ gọi điện cho em chứ đừng nhắn tin, em không biết viết nên không trả lời được tin nhắn”.

Việc không biết chữ của Hai là một câu chuyện xảy ra từ quá khứ, gia đình nghèo không có điều kiện kinh tế nên em không đi học, ở nhà lao động giúp đỡ bố mẹ. Vả lại, nó cũng bắt nguồn từ chính bản thân anh thiếu sự kiên trì, quyết tâm vượt khổ vượt khó… “Đó là lỗi của bản thân em” – Hai thật thà.

Theo chỉ dẫn mà Hai nhờ người khác gửi định vị qua điện thoại, tôi tìm được Nguyễn Văn Hai đúng vị trí “ngay gần ngã tư, có mấy con ngựa đang thả trên đồng”. Có khoảng 4 – 5 con ngựa trắng cột dây đang tha thẩn gặm cỏ trong chiều đông xám lạnh. Đây là một trong số những con ngựa mà cha con “người hùng cứu trạm bơm cống Bún” gây dựng để làm kinh tế, tự giúp mình thoát nghèo.

Đàn ngựa bạch giống Mông Cổ

Hơn chục năm trước, được người anh đồng hao có thâm niên buôn bán gia súc, trâu bò mách nước, anh Nguyễn Văn Hai tìm mối mua ngựa bạch giống từ bên Mông Cổ về Bắc Giang chăn thả. Một con ngựa bạch thuần chủng khi đó có giá 60 – 70 triệu đồng.

Mỗi ngày có 2 nhân công cho ngựa ăn, vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Thái Bình.

Mỗi ngày có 2 nhân công cho ngựa ăn, vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Thái Bình.

Chạy vạy vay mượn, dồn hết vốn liếng, cha con ông Lúa sở hữu được mấy con ngựa giống để chăn thả, gây đàn. Đồng đất Bắc Giang mênh mông, nhiều dự án chuyển đổi chưa triển khai, cỏ mọc lút đầu. Đó là những bãi chăn thả lý tưởng, không mất nhiều công sức tìm thức ăn nuôi ngựa.

Ngựa giống mua về, anh Hai thả chung với trâu, bò, sáng lùa ra đồng, chiều lùa về chuồng nuôi nhốt trong khu chuồng trại rộng 3 mẫu… Cánh đồng hoang rộng bát ngát, cỏ sẵn, không con nào phải cạnh tranh thức ăn nên bầy gia súc rất hòa thuận.

Ngựa bạch được anh Hai nuôi nhốt trong mùa đông, không thả rông để tránh rét. Ảnh: Kiên Trung.

Ngựa bạch được anh Hai nuôi nhốt trong mùa đông, không thả rông để tránh rét. Ảnh: Kiên Trung.

“Ngựa rất hiền, chúng không gây lộn, đánh nhau với những vật nuôi khác nên em thả chung, đỡ tốn sức chăn thả. Mày mò tìm hiểu cách thức phối giống, cho đẻ rồi cứ thế nhân đàn lên, từ đó tới nay, đàn ngựa bạch của cha con em được hơn chục con”, anh Hai cho biết.

Cách phân biệt ngựa bạch thuần chủng của anh Nguyễn Văn Hai cũng hết sức đơn giản, ngoài lông trắng, mắt hồng, mõm hồng, toàn thân chúng cũng phải hồng, kể cả bộ phận sinh dục. Trong chuồng nuôi của Nguyễn Văn Hai có những con ngựa giống hơn chục năm tuổi mua từ những ngày đầu là thế hệ F1 của đàn ngựa lên tới cả chục con bây giờ.

Anh Nguyễn Văn Hai minh chứng để phân biệt ngựa bạch với ngựa trắng thông thường. Ảnh: Thái Bình.

Anh Nguyễn Văn Hai minh chứng để phân biệt ngựa bạch với ngựa trắng thông thường. Ảnh: Thái Bình.

Khi đàn ngựa ngày càng tăng số lượng theo thời gian, anh Hai mở sang hướng kinh doanh mới là nuôi ngựa thịt để bán, xương nấu cao, bán cao ngựa cho khách.

“Một con ngựa bạch nuôi khoảng vài ba năm, đạt trọng lượng trên dưới 2 tạ là có thể bán thương phẩm. Giá bán dao động từ 50 – 60 triệu đồng/con, mỗi tháng em mổ ngựa vào mồng một đầu tháng. Khách quen biết cữ, cứ tới ngày này là đến mua thịt ngựa về làm thực phẩm”, anh Hai cho biết.

Khu vực nuôi nhốt ngựa của cha con Nguyễn Văn Hai “đóng đô” ở làng Như Thiết (xã Hồng Thái, thị xã Việt Yên, Bắc Giang). Khu chuồng rộng vài trăm m2, lợp mái fibro xi măng thông thoáng; máng thức ăn bằng xi măng xây phía bên ngoài cửa chuồng, đàn ngựa chỉ việc thò đầu ra ngoài ăn cỏ.

Tại đây, anh phân chia thành các khu vực riêng biệt như khu ngựa bố mẹ, ngựa non, ngựa trưởng thành đến tuổi khai thác… và thường xuyên có từ 2 – 3 nhân công phục vụ, vệ sinh chuồng trại.

Để nuôi đàn ngựa bạch, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Hai mua 1 xe thân ngô về băm cho ngựa. Ảnh: Kiên Trung.

Để nuôi đàn ngựa bạch, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Hai mua 1 xe thân ngô về băm cho ngựa. Ảnh: Kiên Trung.

“Đang mùa thu hoạch cây vụ đông, thời tiết rét nên mỗi ngày em mua một xe thân ngô về băm thái làm thức ăn cho ngựa, trâu bò..., không thả rông ngoài đồng để tránh rét. Hiện nay, nhiều địa phương cũng nuôi ngựa bạch do giá trị kinh tế cao hơn ngựa thường nên nguồn cung cấp ngựa khá nhiều và ổn định. Có những lúc trong chuồng em nuôi nhốt cả trăm con được thu mua từ Quảng Ninh, Thái Nguyên, rồi tiếp tục cung cấp cho các tỉnh miền núi theo chương trình phát triển đàn gia súc xóa đói giảm nghèo”, anh Hai cho biết.

Với việc nuôi đàn ngựa bạch, cha con người hùng cứu trạm bơ cống Bún khẳng định không có lý do gì để nghèo. Ảnh: Thái Bình.

Với việc nuôi đàn ngựa bạch, cha con người hùng cứu trạm bơ cống Bún khẳng định không có lý do gì để nghèo. Ảnh: Thái Bình.

Với suy nghĩ giản dị, cha con người hùng từng lặn ngụp dưới dòng nước sâu để cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào thật thà chia sẻ: “Mình không biết chữ, không làm được những công việc đòi hỏi trình độ, bằng cấp thì lao động chân tay. Cứ chăm chỉ, người thật việc thật, em nghĩ chẳng có lý do gì mà mình lại nghèo cả” – Nguyễn Văn Hai thủ thỉ trong lúc mở điện thoại bật chế độ đèn pin rồi rọi ánh sáng vào mắt con ngựa giống đang hồng rực để chứng minh đó là con ngựa “chuẩn bạch” chứ không phải ngựa trắng, ngựa kim… như nhiều người vẫn còn tỏ ra nghi ngại.

Nhiều nông dân Bắc Giang đang mạnh dạn nuôi ngựa bạch để phát triển kinh tế hộ gia đình. Cha con ông Nguyễn Văn Lúa, Nguyễn Văn Hai là một trong số những "triệu phú ngựa bạch" như thế.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Làng hoa, cây cảnh: Cúc rực vàng, đào mai khoe sắc

Thời tiết thuận lợi, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp nên các nhà vườn trồng hoa Tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, đều, nở đúng dịp Tết.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.