Dù phải đến 18h30 chiều 8/1/2025 mới chính thức khai mạc Lễ hội Hoa - kiểng huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhưng từ sáng sớm đã có rất nhiều du khách đến để “check in” làm cho không khí lễ hội nhộn nhịp hẳn lên.
Chị Nguyễn Thị Loan (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, dù đã có đôi lần ghé thăm “Vương quốc hoa kiểng” nhưng nghe tin địa phương tổ chức lễ hội hoa kiểng mấy ngày nay náo nức lắm. Sáng nay, khi trời còn mờ sáng chị Loan cùng nhóm bạn tranh thủ khởi hành để đến đây sớm nhất. Nhóm của chị đã đến các địa điểm như sân khấu khai mạc tại sân vận động xã Phú Sơn, không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật (khu K26 xã Phú Sơn), tuyến đường hoa dài nhất Việt Nam… để ngắm cảnh đẹp và chụp hình kỷ niệm.
“Lần này tôi thấy khác biệt lắm, quy mô hơn, thấy bà con chuẩn bị rất chu đáo. Hai bên đường có nhiều hoa đẹp, nhiều cảnh đẹp, hài hòa, rất nên thơ. Sau lễ hội này, chúng tôi còn quay trở lại nữa”, chị Loan cảm nhận.
Theo UBND huyện Chợ Lách, đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức Lễ hội Hoa - kiểng rất phong phú gồm các chương trình, hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thi, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, vui chơi giải trí mang đến một “Sắc màu Chợ Lách” tươi mới đầy sáng tạo.
Lễ hội diễn ra từ ngày 8-12/1/2025, trong khuôn khổ sự kiện này sẽ có hơn 100 gian hàng thương mại thuộc các lĩnh vực hoa kiểng, cây giống, gà nòi, du lịch miệt vườn, làng nghề truyền thống...
Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Lễ hội Hoa – kiểng huyện Chợ Lách không chỉ là một sự kiện giao thương, mua bán thuần tuý mà là không gian văn hoá mang tính đặc hữu địa phương. Lễ hội mang đến thông điệp liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ của chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của Chợ Lách. Trong đó, vị thế của nhà vườn, nghệ nhân và doanh nông miệt vườn Chợ Lách được nâng cao.
Qua lễ hội này, Chợ Lách kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ nông nghiệp, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, mô hình làng điểm của vùng ĐBSCL được Bộ NN-PTNT lựa chọn.
Trên địa bàn huyện Chợ Lách hiện có hơn 6.000 hộ chuyên trồng hoa, cây cảnh. Trong đó, có 2.500 hội viên Hội Sinh vật cảnh, với khoảng 700 nghệ nhân cấp tỉnh và 7 nghệ nhân cấp quốc gia. Làng nghề có nhiều nghệ nhân chuyên làm ra sản phẩm cây cảnh hình thú từ các loại cây như si, quất, mẫu đơn… rất đẹp mắt và được xem là sản phẩm độc quyền trong dịp Tết của người dân nơi đây.