Nhu cầu cấp thiết
Vườn Quốc gia Pù Mát (miền tây Nghệ An) vốn được biết đến là “trái tim” của Khu dữ trữ sinh quyển thế giới, nằm ở sườn đông của dãy Trường Sơn với diện tích hơn 94.750 ha, địa phận trải dài khắp 3 huyện vùng cao Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, phía tây tiếp giáp biên giới Việt – Lào.
Vườn Quốc gia Pù Mát hội tụ cùng lúc tài nguyên nhân văn, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên lẫn tính đa dạng sinh học hiếm nơi nào có được. Đặc biệt hơn trong vùng đệm Vườn Quốc gia hiện diện hàng loạt di tích độc đáo như thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa (huyện Con Cuông), đền Vạn (huyện Tương Dương), đền Cửa Lũy, đền thờ Lý Nhật Quang, nghĩa Trang Việt - Lào (huyện Anh Sơn)… những địa danh này hoàn toàn có thể kết hợp, xây dựng thành các điểm tham quan, du lịch, các tour tuyến có tính kết nối.
Không chỉ có thế, nơi đây còn là nơi tập trung, sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số anh em, dẫu nhiều điểm chung nhưng cũng có muôn vàn sự khác biệt, tất thảy góp phần tạo nên một bức tranh lắm gam màu tươi mới. Cái hay là đồng bào các dân tộc không còn quay cuồng với công cuộc đốt nương làm rẫy, rày đây mai đó như vốn dĩ đã từng, từ chủ trương, đường lối thiết thực của Đảng và Nhà nước bà con đã biết vận dụng, từng bước đẩy lùi nghèo đói và lạc hậu.
Tín hiệu tích cực đã có nhưng chừng đó là chưa nhiều, thực tế miền tây Nghệ An sở hữu tiềm năng to lớn nhưng chưa được khai phá đúng cách, điều này phần nào kìm hãm sự phát triển trong thời gian qua.
Có thể lấy tộc người Đan Lai ở huyện Con Cuông làm dẫn chứng. Tộc người này số lượng ít, sống tập trung tại 3 bản Cò Phạt, Cồn và Búng của xã Môn Sơn, nằm ở phía đông của Vườn Quốc gia Pù Mát. Do tính chất đặc thù đã hình thành nên những tập quán riêng biệt, lạ nhất là tục ngủ ngồi.
Trước đây, người Đan Lai sống dựa hẳn vào thiên nhiên, quanh năm suốt tháng chỉ biết đến săn bắn, hái lượm, họ sống biệt lập với thế giới bên ngoài, họ ngại giao tiếp, ngại học hỏi nên các hủ tục lạc hậu càng có cơ hội ăn sâu bám rễ. Nhiều lớp người Đan Lai quả quyết, cha ông đã có công khai hoang, mở lối thì bậc con cháu phải có nghĩa vụ tiếp bước theo sau. Sinh ra giữa chốn đại ngàn thì khi chết đi phải gắn liền với quê cha đất tổ, được hòa mình giữa cỏ cây mây gió. Lối suy nghĩ có phần tiêu cực thái quá đã góp phần kìm hãm đà phát triển của người Đan Lai suốt nhiều năm.
Cùng với đó, do vẫn mang nặng tư tưởng “trời sinh voi trời sinh cỏ”, thành thử vấn nạn hôn nhân cận huyết chưa được loại trừ, qua đó tăng nhanh dân số theo chiều hướng đáng quan ngại. Khổ nỗi người nhiều lên nhưng quỹ đất sản xuất không đổi vô hình trung đẩy áp lực ngày một chất chồng. Như một lẽ tất yếu, khi bụng đói cồn cào người dân lại “vác dao” tác động đến rừng vàng (săn bắn động vật hoang dã, phá rừng trái phép…) Đành rừng vấn nạn trên đã giảm qua từng năm, dù vậy để xử lý triệt để là câu chuyện dài kỳ.
Đáng nói, thực trạng thiếu đất, thiếu rừng đến cùng cực không chỉ là câu chuyện của riêng người Đan Lai mà thực chất đã lan rộng khắp vùng cao Nghệ An. Chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan ban ngành thấy đó nhưng không thể làm “cách mạng” bởi nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Trung ương.
Vấn đề này luôn là chủ đề nóng, được đưa ra bàn bạc, mổ xẻ không biết bao nhiêu lần. Điển hình như năm 2019, UBND huyện Con Cuông đã làm công văn kiến nghị chuyển đổi 918,376 ha rừng đặc dụng của thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Pù Mát sang rừng sản xuất; chuyển tiếp 382,205 ha khác rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu BTTN Pù Huống sang đất khác (ngoài quy hoạch lâm nghiệp). Đến nay đã 3 năm trôi qua nhưng tính thời sự vẫn vẹn nguyên, mọi thứ cơ bản vẫn mới như in.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022 – 2030 của VQG Pù Mát, trong đó hơn 400 ha đất ở và đất sản xuất của cộng đồng người Đan Lai tại 2 bản Cò Phạt và bản Búng sẽ được bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. Động thái trên khá tích cực, có điều chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đặt ra mà thôi.
Để tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó góp phần giảm thiểu áp lực lên tài nguyên rừng đòi hỏi phải tính đến những phương án khả dĩ, thực tế hơn. Từ nhu cầu đặt ra, nhiệm vụ thúc đẩy, phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn, đa dạng sinh học là vô cùng cấp thiết và phù hợp với tình hình hiện có.
Hơi thở mới, hình hài mới
Nằm trong lộ trình vạch sẵn, tháng 8/2022 Vườn quốc gia Pù Mát đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) tổ chức thành công Hội thảo Thúc đẩy Du lịch Sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát nhằm kết nối các đơn vị du lịch lữ hành tiềm năng. Chương trình đã thổi một làn gió mát tràn qua Pù Mát đại ngàn, kỳ vọng sẽ sớm thúc đẩy quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng đủ sức khai phá, nâng tầm nhằm phát triển sinh kế cho cộng đồng vùng lõi, vùng đệm của Vườn quốc gia.
Giám đốc Vườn Quốc Pù Mát, ông Trần Xuân Cường nhấn mạnh: Hội thảo là một sự kiện quan trọng, thể hiện nỗ lực vượt khó để phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh Nghệ An nói chung, của Vườn Quốc gia Pù Mát nói riêng trước ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, đồng thời thể hiện sâu sắc tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã thông qua phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Về phần mình, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch bày tỏ sự hồ hởi: Du lịch sinh thái là một xu thế tất yếu, đáng để khuyến khích. Tiềm năng, dư địa về cảnh quan nông thôn (núi, rừng, sông suối…), đan xen sự đa dạng về văn hóa, thành phần đồng bào các dân tộc đã tạo nên những nét đặc trưng riêng biệt. Vườn quốc gia Pù Mát sở hữu tất cả những yếu tố cần thiết, có đủ chất liệu phong phú để phát triển loại hình này.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), ông Nguyễn Văn Thái chia sẻ thêm tầm quan trọng trong việc tạo ra sinh kế thay thế cho cộng đồng sống quanh vùng đệm: “Kỳ vọng sau hội thảo các đơn vị lữ hành sẽ là cầu nối hữu hiệu để du khách biết đến Vườn Quốc gia Pù Mát với bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nhiều hơn, sâu hơn, từ đó lan tỏa sâu rộng tình yêu thiên nhiên và đẩy mạnh thông điệp bảo tồn đến toàn thể cộng đồng.
Phát triển du lịch sinh thái sẽ góp phần tạo ra sinh kế thay thế cho người dân nơi đây từ các dịch vụ du lịch với nguồn thu nhập ổn định hơn, từng bước giảm thiểu sự tác động tiêu cực của họ tới tài nguyên rừng, qua đó có thể bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã VQG Pù Mát một cách hiệu quả và bền vững hơn”.
Vườn Quốc gia Pù Mát là một đại ngàn lồng lộng gió đang trong cơn ngái ngủ dài ngày. Dù vậy những trang sách cũ mèm sẽ sớm được gấp lại, tới đây hứa hẹn sẽ trình làng một diện mạo Pù Mát rất khác thông qua những trải nghiệm thú vị. Du khách trong và ngoài nước sẽ thỏa sức vẫy vùng qua các tuyến trekking mạo hiểm xuyên những khu rừng đặc dụng, được chinh phục các đỉnh núi cao chót vót để săn mây, được đắm chìm giữa cảnh quan hùng vĩ của núi rừng nguyên sinh, được hòa vào nhịp đập thường nhật của các đồng bào dân tộc thiểu số hiếm nơi nào có được.