| Hotline: 0983.970.780

Du lịch xanh - Chìa khoá để phát triển kinh tế xanh bền vững

Chủ Nhật 13/10/2024 , 15:36 (GMT+7)

TP.HCM Du lịch xanh cần được tích hợp để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây chính là giải pháp để thúc đẩy xây dựng NTM và kết nối giữa đô thị và nông thôn.

Đó là những chia sẻ của ông Lê Viết Bình - Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam, Bộ NN-PTNT tại tọa đàm “Du lịch xanh - Chìa khóa trong phát triển du lịch phục vụ nền kinh tế xanh bền vững” trong khuôn khổ Ngày hội Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững năm 2024 chủ đề “Thử thách NetZero” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chợ hoa bến Bình Đông (Quận 8, TP.HCM) thu hút khách du lịch vào dịp Tết. Ảnh: MV.

Chợ hoa bến Bình Đông (Quận 8, TP.HCM) thu hút khách du lịch vào dịp Tết. Ảnh: MV.

Theo ông Lê Viết Bình, nếu coi kinh tế xanh là ngôi nhà chung rộng lớn thì du lịch xanh là một trong những chìa khóa để mở cửa ngôi nhà đó. Chúng ta phải làm sao để chiếc chìa khóa ấy được nhân bản, trao tay cho nhiều người nhất.

Bộ NN-PTNT xác định du lịch xanh cần được tích hợp để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây không chỉ là giải pháp căn cơ để thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới (NTM) mà còn là động lực mạnh mẽ giúp tăng cường kết nối giữa đô thị và nông thôn, mở rộng bản đồ du lịch quốc gia, phát triển nền kinh tế theo hướng xanh. “Du lịch xanh, du lịch nông nghiệp - nông thôn đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Du lịch xanh và du lịch nông nghiệp - nông thôn có sự gắn bó mật thiết và tương hỗ lẫn nhau. Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường đang được phát triển mạnh mẽ ngay giữa lòng Thành phố, mang lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách khi đặt chân đến đây’, ông Bình khẳng định.

Chuyển đổi du lịch xanh đang được phát triển mạnh mẽ ngay giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh bằng những hành động nhỏ nhất. Ảnh: MV.

Chuyển đổi du lịch xanh đang được phát triển mạnh mẽ ngay giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh bằng những hành động nhỏ nhất. Ảnh: MV.

Nếu hiểu phát triển bền vững là đạt được mục tiêu trong ngắn hạn, ở hiện tại nhưng không để lại rủi ro cho tương lai, thì việc Thành phố Hồ Chí Minh phát triển du lịch xanh gắn với phát triển bền vững cũng là cách Thành phố thể hiện cái “nghĩa tình” của mình. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư ban đầu rất lớn, cụ thể như đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ quản lý, truyền thông… Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì họ thường không có nguồn tài chính dồi dào. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều sản phẩm du lịch xanh vẫn đang được phát triển mạnh mẽ ngay giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh bằng những hành động nhỏ nhất.

Là trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị sầm uất và nhộn nhịp bậc nhất cả nước về các hoạt động kinh tế, dịch vụ, du lịch, Quận 1 đang phát triển, chuyển đổi sang nhiều sản phẩm du lịch xanh, góp phần phát triển bền vững du lịch Việt Nam. Cụ thể như xây dựng tour du ngoạn kết hợp vớt rác, thả cá phóng sinh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; tư vấn cho khách không sử dụng túi nhựa, chai lọ nhựa trong hành trình du lịch; hạn chế sử dụng phương tiện giao thông để di chuyển đến các điểm du lịch nội thành, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách.

TS Ngô Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (Saemaul Undong) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều nhà hàng, khách sạn, đặc biệt ở khu vực Quận 1 có nhiều điều kiện thuận lợi, khi sở hữu hệ thống nhà hàng, khách sạn lâu đời, gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa. Do đó nên chú trọng đến việc phát triển mô hình “lưu trú xanh”, “ẩm thực xanh”, nhằm đáp ứng những tiêu chí về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; sử dụng nước, năng lượng hiệu quả; quản lý chất lượng không khí; kiểm soát tiếng ồn; xử lý nước thải, chất thải...

Theo TS Ngô Thị Thu Trang, trong du lịch xanh, tài nguyên sinh thái và tài nguyên văn hóa giữ vai trò chủ chốt. Thành phố Hồ Chí Minh cần hình thành các điểm đến xanh và phát huy được giá trị của các loại tài nguyên này. Đồng thời, cộng đồng địa phương cũng có thể xem là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động nhằm phát triển du lịch xanh.

Tuyến xe buýt đường sông Sài Gòn luôn là sự trải nghiệm rất thú vị đối với du khách. Ảnh: MV.

Tuyến xe buýt đường sông Sài Gòn luôn là sự trải nghiệm rất thú vị đối với du khách. Ảnh: MV.

Các chuyên gia cũng nhận định, du lịch xanh là loại hình phù hợp với xu hướng toàn cầu khi các quốc gia trên thế giới cần đạt mục tiêu NetZero. Du lịch xanh không chỉ đơn giản là khuyến khích các đơn vị lữ hành hạn chế sử dụng nước đóng chai, rác thải nhựa mà cần các doanh nghiệp du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách yêu thiên nhiên và trân trọng văn hóa bản địa.

Để Thành phố Hồ Chí Minh có thể phát triển du lịch xanh, ngoài sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, rất cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, môi trường, văn hóa... cũng như mỗi cá nhân người Sài Gòn.

"Sự kiện ngày hội Kinh tế tuần hoàn là cơ hội để các cấp quản lý ngành, cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các đối tác quốc tế,… chia sẻ, xây dựng các giải pháp, kế hoạch hành động, huy động và phân bổ nguồn lực, đưa ra lộ trình triển khai để phát triển du lịch xanh. Để mỗi hành trình du lịch không chỉ là khám phá, trải nghiệm, mà còn là một bước đi ý nghĩa hướng tới tương lai bền vững", ông Lê Viết Bình nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chiều 12/10, ngay sau khi đến Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Bảo vệ tài nguyên nước góp phần quan trọng vào phát triển bền vững

Trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, chuyên gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường khi thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 6] Những toan tính của tỉnh Hòa Bình

Điều thú vị và bất ngờ, khi xây đập chặn sông Đà từ đó hình thành nên vùng lòng hồ, gần 5 thập kỷ trước người ta chưa nghĩ tới mục đích cho thủy sản...

Bình luận mới nhất