Ngập tràn sắc xuân
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, khu rừng nguyên sinh vốn được nhiều người biết đến với cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Thời gian từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm là khoảng thời gian thích hợp để trải nghiệm, khám phá thiên nhiên ở vườn quốc gia Cát Tiên nhưng mùa xuân, mùa cây thay thay lá, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết quả được xem là lý tưởng nhất.
Đến VQG Cát Tiên những ngày này chúng tôi không khỏi cảm thán trước vẻ đẹp của mẹ thiên nhiên. Toàn khu rừng đang “khoác” lên mình “bộ cánh” sặc sỡ sắc màu. Lá cây dần đổi màu rồi rụng xuống, phủ kín nền rừng và những lối đi, để rồi khi mùa mới bắt đầu, những chồi non lại bừng tỉnh tràn đầy sức sống.
Len lỏi trên con đường mòn xuyên rừng dưới ánh sáng của vài vạt nắng xuân hắt qua tán cây, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những loài nấm lạ, những nhánh hoa rừng mang hương sắc quyến rũ, hàng trăm loại cây dược liệu, phong lan quý... Dọc tuyến đường, cả đoàn nghe tiếng chim thú râm ran không khi nào ngớt, đại thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi không đếm sao cho hết được. Mỗi cây mang một vẻ đẹp kỳ vĩ khác nhau.
Đặc biệt hơn, ở đây có rất nhiều loại cây kỳ lạ như cây tung đại thụ 500 năm tuổi, cây si có bộ rễ to chia thành nhiều nhánh mọc giữa dòng suối trong veo chảy róc rách, cây bằng lăng 1 thân 6 ngọn vút thẳng lên trời, cây gõ bác đồng quý hiếm với đường kính thân cây hơn 2 mét, lá cây trung quân không cháy được dùng lợp nhà trong thời kháng chiến.
Ông Bùi Quốc Vị, hướng dẫn viên có gần 20 năm gắn bó với VQG Cát Tiên cho hay, tuy không rực rỡ, đa dạng sắc màu như những mùa khác nhưng khu rừng vào mùa này có vẻ đẹp riêng của thiên nhiên lúc nguyên sơ ẩn nhẫn, đợi chờ ngày bừng nở. Đặc biệt, thi thoảng trong không gian tĩnh tại đó lại có một vài loại động vật như khỉ, gà rừng... thoáng qua, vô tư khuấy động, sau đó mất hút vào thăm thẳm màu lá úa. Đâu đó, du khách có thể bắt gặp con chim rừng gọi nhau, ra sức khoe tiếng hót líu lo trên những nhành cây “trơ trọi”. Tất cả tạo nên những màu sắc, thanh âm riêng của rừng vào lúc cuối đông, lập xuân.
“Có thể ví vẻ đẹp của cánh rừng như một cô gái trẻ, vào lúc giao mùa, “cô gái” ấy toát lên vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm, có phần e thẹn khác hẳn so với vẻ đẹp kiêu sa, xuân thì khi “cô gái” đấy được trang điểm, trưng diện bằng những tán lá xanh mơn mởn hay những khóm hoa rực rỡ sắc màu”, ông Vị ví von.
Nao lòng du khách
Đây là lần thứ 3 đến VQG Cát Tiên trải nghiệm, chị Ngọc Thanh đến từ quận 8, TP.HCM phấn khởi cho biết, du lịch xanh và du lịch chữa lành vẫn đang nằm trong tốp dẫn đầu các loại hình du lịch. Trong 2 năm trở lại đây, chị đã lựa chọn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là dịp để vi vu đồi gió về những miền xanh và VQG Cát Tiên là địa điểm chị ưu tiên lựa chọn để du xuân.
“Phần lớn những người trẻ, đặc biệt là giới nhân viên công sở như tôi ở các thành phố lớn, suốt năm quanh quẩn làm việc trong văn phòng máy lạnh, vây quanh bởi bốn bức tường bí bách, mỗi sáng đi làm chen chúc giữa dòng người đông đúc, mỗi chiều muộn tan làm dấn thân trong khói bụi tắc đường kẹt xe.
Đến với VQG Cát Tiên được đắm điểm trong không gian xanh, đặc biệt khi đứng trước những “cụ cây”, “thần cây” có tuổi thọ vài thế kỷ, thậm chí hơn nửa thiên niên kỷ giữa rừng xanh bạt ngàn, tôi cảm thấy mình nhỏ bé biết bao, thấy tâm hồn thư thái, bớt lo âu căng thẳng trước cuộc sống vốn hữu hạn, vô thường”, chị Ngọc Thanh chia sẻ.
Cùng tâm trạng, chị Mai Thị Thuý, bạn cùng đường với chị Ngọc chia sẻ, theo lời giới thiệu của bạn Ngọc, đây lần đầu tiên tôi đến với VQG Cát Tiên. “Mặc dù đã đi tham quan rất nhiều cánh rừng khắp các tỉnh thành trong cả nước, tuy nhiên VQG Cát Tiên đem lại nhiều trải nghiệm lạ, thú vị hơn. Đặc biệt, tôi cảm thấy may mắn khi đến với VQG Cát Tiên vào đúng mùa rừng thay lá, cảm giác không gian trở nên thơ mộng với những vạt rừng vàng úa, lá rụng đầy hai bên lối đi, những nhánh cây rừng khẳng khiu như nét phá cách trong tiết trời ngày xuân”, chị Thuý hồ hởi nói.
Không chỉ có khách trong nước, nhiều khách quốc tế cũng chọn VQG Cát Tiên để vừa trải nghiệm và nghiên cứu khoa học. Sau khi dành hơn 11 tiếng đồng hồ để đến Bàu Sáu, nơi được Ban Thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sĩ công nhận là khu Ramsar thứ hai ở Việt Nam, là Khu Ramsar thứ 1.499 trên thế giới, ông Jake Brunner một khách du lịch quen thuộc của VQG Cát Tiên phấn khích nói: “Đây là một chuyến đi rất đáng nhớ. Tôi thấy rất nhiều chim tự nhiên, voọc chà và chân đen sống theo bầy đàn và mọi thứ đều được bảo tồn ở trong điều kiện rất là tốt ở ngoài tự nhiên. Đây là một trong những khu vực hiếm hoi mà tôi thấy điều này, thật đáng mừng đối với Việt Nam”.
Phát triển du lịch an toàn, bền vững
Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường, Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết: VQG được mệnh danh là “ngôi nhà của muôn thú”. Tại đây, đang có gần 100 loài thú, 94 loài bò sát, 903 côn trùng và hàng trăm loài gỗ quý… Chính điều đó, VQG Cát Tiên là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, trung bình mỗi năm đơn vị đón từ 55.000 - 65.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong đó, có hàng ngàn du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đến trải nghiệm, nghiên cứu tại vườn.
“Với nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên, việc tổ chức hoạt động du lịch trong rừng đặc dụng luôn phải đảm bảo sự bảo tồn và quản lý bền vững các hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học. Điều này bao gồm việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, giám sát và kiểm soát du khách và xây dựng chính sách quản lý hợp lý để đảm bảo sự cân bằng giữa du lịch và bảo tồn".
Nơi đây có những quy định “gây khó” cho du khách, như không được vứt rác bừa bãi hay khẩu hiệu “Rừng là nhà của muông thú, khách không xả rác khi đến thăm nhà của người khác”. VQG Cát Tiên cũng quy định về đi lại, tuyến điểm nào được phép tự đi, tuyến nào phải có hướng dẫn; quy định hạn chế tiếng ồn tại khu vực và tại từng thời điểm; xây dựng các biển báo cảnh báo nguy hiểm; xây dựng hàng rào điện tử tại những khu vực có thú lớn hay xuất hiện; cảnh báo du khách không cho thú ăn vì sẽ làm thay đổi bản năng tự nhiên của động vật hoang dã…
VQG Cát Tiên còn là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc ít người như người Mạ, S’tiêng…. Do vậy, VQG cũng tuyên truyền cho du khách hãy lịch sự và tôn trọng người dân địa phương, những người sống hài hòa với thiên nhiên và phụ thuộc vào thiên nhiên để kiếm sống. Có thể hỗ trợ người dân địa phương bằng cách mua các sản phẩm của họ, chẳng hạn như mật ong, cà phê hoặc đồ thủ công mỹ nghệ hoặc tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng bản địa của họ.
“Thiên nhiên tuyệt bích, khi được bảo vệ và phát huy giá trị xứng tầm, nó không chỉ là tài sản dạng cây gỗ lớn chứa nhiều mét khối gỗ đắt tiền; không chỉ là những con thú to quý hiếm…, chúng còn là không gian sống diễm lệ và thắm tình để nuôi dưỡng tâm hồn, chữa lành mọi vết thương cho chúng ta. Ngoài lực lượng chức năng hiện có, chúng tôi kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã”, ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên chia sẻ.