| Hotline: 0983.970.780

Dữ liệu đưa ra của chương trình 'Ai là triệu phú' có chính xác là tục ngữ hay không?

Thứ Hai 28/11/2016 , 08:16 (GMT+7)

Trong chương trình "Ai là triệu phú", phát sóng trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, người chơi là chị Phạm Thị Quyên, kỹ sư, 24 tuổi, đã gặp câu hỏi số 8 do chương trình đưa ra như sau: Từ nào còn thiếu trong câu tục ngữ dân gian sau về kinh nghiệm gieo trồng: “Trẻ trồng đa, già trồng…”?

14-44-11_nh-3
 

Các phương án đưa ra để người chơi có thể lựa chọn là: A - thông; B - si; C - xoan; D - mít. Người chơi thẳng thắn chia sẻ, chị không gieo trồng bao giờ nên không biết câu tục ngữ này. Chị phân vân giữa 2 phương án A và B. Người dẫn chương trình Lại Văn Sâm gợi ý nên lựa chọn trợ giúp 50/50. Hai phương án sai sau đó được loại bỏ là B và C; chỉ còn lại hoặc A - thông, hoặc D - mít.

Chị Phạm Thị Quyên cho rằng trồng mít để cho con cháu. Trồng thông hiệp vần nên chị cũng phân vân. Người chơi nghĩ phương án D - trồng mít để sau này con cháu có quả ăn sẽ tưởng nhớ đến ông bà. Và đáp án cuối cùng được chị Quyên đưa ra là mít. Nhưng đáp án do chương trình Ai là triệu phú đưa ra lại là phương án A - thông.

“Tại sao người ta lại có cái câu như vậy. Vần nó chỉ là một chuyện thôi, bao giờ cũng có lý lẽ của người ta khi người ta đưa ra những kinh nghiệm. Đây lại là kinh nghiệm gieo trồng. Theo kinh nghiệm dân gian thì đa là loại cây chậm lớn, muốn có cây đa to thì phải trồng từ lúc còn rất là trẻ. Còn thông là loại cây rất mau lớn. Người già trồng thông vẫn có thể hưởng thụ thành quả lao động của mình”, ông Lại Văn Sâm lý giải.

Liệu rằng dữ liệu đưa ra của chương trình Ai là triệu phú có chính xác là tục ngữ hay không?

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên - Trưởng phòng Văn học So sánh (Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam) chia sẻ: “Câu này rất mới”. Theo lý giải của ông Phạm Xuân Nguyên, câu tục ngữ quen thuộc là: “Trẻ trồng na, già trồng chuối”.

Na và chuối là giống cây nhiệt đới. Còn thông không phải giống cây nhiệt đới mà có nguồn gốc từ xứ lạnh (ôn đới/ hàn đới). Đồng thời thông cũng không phải cây trồng ngắn ngày để nói phù hợp với người già.

“Trong văn học có những câu rất mới tưởng như ca dao tục ngữ mà không phải. Ví dụ “Kẻ thù được trang bị đến tận răng” là dịch nghĩa từ nước ngoài”, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên lưu ý.

GS.TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa khẳng định câu tục ngữ “Trẻ trồng đa, già trồng thông” có trong bộ sách “Kho tàng tục ngữ người Việt” (NXB Văn hóa Thông tin, 2002) do ông chủ biên. Tuy nhiên, GS Kính cũng nói ông và nhóm biên soạn trích dẫn lại từ PGS Chu Xuân Diên.

“Câu tục ngữ Trẻ trồng đa, già trồng thông xuất hiện muộn. Nó được Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đưa vào sách năm 1975”, ông Kính cho biết. Đó là cuốn “Tục ngữ Việt Nam” do Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang và Phương Chi thực hiện, bản in đầu tiên do NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp phát hành năm 1975 (tái bản năm 1993). Còn câu “Trẻ trồng na, già trồng chuối” xuất hiện từ rất sớm, năm 1925.

Theo giải thích của GS Nguyễn Xuân Kính, trong cuốn “Kho tàng tục ngữ người Việt” (tập 2, NXB Văn hóa Thông tin 2002) đã dẫn chú giải của tác giả Lê Gia trong cuốn “Về cội về nguồn” (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1994) như sau: “Đa (theo âm Hán Việt) có nghĩa là nhiều; “đa phú quý” - nhiều giàu sang; “đa tử tôn” - nhiều con cháu. Vậy nên cây đa tượng trưng cho mọi sự tốt đẹp, tăng trưởng. Thông là thứ cây chịu đựng sương tuyết, mùa đông không rụng lá và sống khá lâu. Thông tượng trưng cho cha già, cho tuổi thọ. Người trẻ tuổi lo vun đắp, xây dựng cuộc sống tăng trưởng tốt đẹp, hướng về tương lai; còn người già lo giữ lấy sức khỏe, bảo vệ tuổi thọ”.

14-44-11_nh-5
 

Nhà nghiên cứu Văn học Dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cũng khẳng định câu “Trẻ trồng đa, già trồng thông” ra đời rất muộn. Lần đầu tiên được ghi chép trong sách của PGS Chu Xuân Diên năm 1975. Có 3 đơn vị câu này là: “Trẻ trồng na, già trồng chuối”; “Trẻ trồng đa, già trồng thông” và “Trẻ trồng đa, già trồng thông, chết cha chết ông thì trồng cây gạo”. Câu phổ biến nhất vẫn là “Trẻ trồng na, già trồng chuối” đã được chép trong “Nam âm sự loại” cả trăm năm.

“Cách giải thích của tác giả Lê Gia nói trên đó không phải là kinh nghiệm gieo trồng mà là quan niệm về hình ảnh cây đa và cây thông. Quan niệm về cây đa là dựa trên từ vựng, còn quan niệm về cây thông là dựa trên tính chất của cây đó và áp vào cho con người”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ phân tích.

Theo ông, dữ liệu của chương trình Ai là triệu phú đưa ra chỉ là một biến thể của âm giai, toàn bộ câu đó phải là: “Trẻ trồng đa, già trồng thông, chết cha chết ông thì trồng cây gạo”. Cả câu này có thể giải thích được về cuộc sống. Đó là trẻ thì hay chơi gốc đa, già thì hay dựa gốc thông; còn khi người chết thì thường được trồng cây gạo xung quanh mộ để đánh dấu.

“Từ vùng người Mường vào đến tận Tây Nguyên người ta vẫn giữ được phong tục trồng cây gạo quanh mộ. Vì thế mới có câu: Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề… Thế thì ở đây phải hiểu ngược lại: Muốn cho trẻ chơi thì trồng cây đa, muốn cho người già nghỉ ngơi thì trồng thông, muốn giữ mồ mả ông bà tổ tiên thì trồng cây gạo. Câu đầy đủ này thì trọn nghĩa hơn nhưng đó là cách hiểu ngược, chủ ngữ ẩn, chứ không phải người trẻ trồng, người già trồng, mà phải hiểu là trồng cho trẻ chơi, trồng cho già nghỉ và trồng cho nghĩa trang người chết”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ cắt nghĩa.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Jannik Sinner vô địch ATP Finals, vững ngôi số 1 thế giới

Tay vợt người Italia đã có chiến thắng thuyết phục trong trận chung kết ATP Finals của quần vợt nam chuyên nghiệp thế giới.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.