Kỳ vọng thủ phủ tôm
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, được xây dựng trên diện tích là 418ha, trong đó, Cty Việt - Úc sử dụng 315ha, Khu công nghệ cao quản lý 103ha, thuộc xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Trong đó, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (gọi tắt là Ban quản lý) là giúp UBND tỉnh Bạc Liêu cung ứng dịch vụ công, quản lý các hoạt động trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu như: Tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, các ngành công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm, tổ chức sự kiện, trưng bày, hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao.
Các mục tiêu và định hướng lớn Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đó là làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Ban quản lý có vai trò là nòng cốt, động lực để thực hiện đề án “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”.
Đây cũng là trung tâm liên kết với các viện, trường cùng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngành tôm. Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm. Bên cạnh đó là thực hiện các dịch vụ kiểm nghiệm, xét nghiệm và chuẩn đoán bệnh tôm.
Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban quản lý cho biết, hiện nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 (kinh phí do UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư, với nguồn vốn là 175 tỷ), bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước, hệ thống điện, cổng, hàng rào bao quanh…
Hiện đang tiếp tục thi công xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, kinh phí do Bộ NN-PTNT với tổng mức đầu tư của dự án là 194,874 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng giao thông và các công trình hạ tầng khác…
Cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp vào đầu tư
Theo hợp đồng thi công xây dựng công trình được ký ngày 27/6/2022, ước tính khối lượng đạt khoảng 40%. Dự kiến đến tháng 10/2023 là hoàn thành nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng giao thông.
Theo ông Minh, Ban quản lý đã trình UBND tỉnh Bạc Liêu, xin ban hành Quy định mức thu tiền bảo trì công trình hạ tầng và tiện ích công cộng, Quyết định ban hành Quy chế thu và sử dụng tiền bảo trì công trình hạ tầng và tiện ích công cộng đối với dự án đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm.
Hiên nay, Ban quản lý đã tiến hành các thủ tục cho thuê đất cho 9 doanh nghiệp, đã giao đất cho doanh nghiệp và thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục, đang chờ Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay các doanh nghiệp đang chờ giấy chứng nhận quyền sử sụng đất đề xin cấp phép xây dựng. Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất cho đợt 1, Ban Quản lý sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tuyển chọn doanh nghiệp đợt 2 vào đầu tư, trình diễn mô hình.
Tuy nhiên, theo tiến độ thực hiện dự án của các doanh nghiệp sẽ thi công xây dựng trong 6 tháng, nhưng đến nay chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các doanh nghiệp không thực hiện được việc đầu tư xây dựng để trình diễn các quy trình công nghệ theo thuyết minh dự án được duyệt.
Lý do là hiện nay theo các văn bản quy phạm pháp luật như luật, nghị định, thông tư có phạm vi và đối tượng áp dụng có cụm từ quy định ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, chưa có cụm từ “khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, vì vậy rất khó khăn trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ.
Về thu hút đầu tư, ông Minh cũng nêu những khó khăn vướng mắc hiện nay như: Thứ nhất, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu chưa được phân cấp, ủy quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo khoản 2, Điều 32, Luật Đầu tư 2020. Thứ hai, đối với dự án đầu tư quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 32 chỉ được thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu theo điểm g khoản 3 Điều 7 của Quy chế ban hành kèm Quyết định 694/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 thì Ban quản lý chỉ có chức năng “Tham gia thẩm định hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, theo khoản 1, Điều 39 Luật Đầu tư năm 2020 thẩm quyền về cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định:
Thứ nhất, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Thứ hai, Sở KH-ĐT cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Do đó, trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Ban quản lý không thể giải quyết theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Về đất đai, Luật Công nghệ cao ngày 11/12/2014 tại khoản 1 Điều 32 có nêu: “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp” và Quyết định 694/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 1 Điều 3 có nêu: “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm”.
Hiện nay, Sở TN-MT tỉnh Bạc Liêu chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư thực hiện dự án.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được UBND tỉnh này giao đất với diện tích là hơn 100ha đất, gồm 18 tiểu khu, diện tích cho các doanh nghiệp thuê là hơn 47ha. Sau đó, UBND tỉnh thành lập Hội đồng tuyển chọn (thẩm định) dự án, đã tuyển chọn được 9 dự án của 9 doanh nghiệp vào thực hiện dự án đầu tư theo Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 29/9/2020 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc phê duyệt danh mục dự án vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (đợt 1).