Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), thời gian qua, Bộ đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và 28 địa phương có biển để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định về lấn biển.
Vấn đề thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển; đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển… là những nội dung quan trọng được đề cập tại dự thảo Nghị định sửa đổi.
Tại các cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành tiếp tục đóng góp ý kiến về các nội dung: lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển; điều khoản chuyển tiếp; phương án gộp hai thủ tục giao đất và giao khu vực để biển; khái niệm lấn biển; thẩm định, phê duyệt đơn giá, định mức xây dựng của dự án lấn biển; về thời điểm giao đất, cho thuê đất; việc trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Theo tổng hợp ý kiến góp ý, đa số bộ, ngành, địa phương đồng tình với quy định này (có 28/32 bộ, ngành, địa phương). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên giao đất, cho thuê đất khi chưa có đất trên thực tế và đề nghị giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành lấn biển và được nghiệm thu, tức là đã có mặt bằng đất đai hiện hữu…
Bộ TN&MT cho rằng việc giao đất, cho thuê đất sau khi giao khu vực để lấn biển và theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ tháo gỡ vướng mắc hiện nay, tránh được sự không thống nhất giữa quy định của pháp luật đất đai và pháp luật biển, giúp rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lấn biển, sớm đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội…
Theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ, nhà đầu tư lấn biển được sử dụng đất lấn biển theo quy định của pháp luật đất đai, tức là giao đất, cho thuê đất sau khi hoàn thành, nghiệm thu lấn biển.
Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó khăn, vướng mắc, đó là kéo dài thời gian được giao đất, cho thuê đất, kéo dài thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án và làm tăng chi phí tuân thủ; gây khó khăn và tạo gánh nặng cho nhà đầu tư khi phải bỏ ra một số vốn lớn để san lấp lấn biển nhưng thời gian này nhà đầu tư chưa có quyền lợi gì…
Về phương diện thu ngân sách, quy định này cũng không làm lợi cho Nhà nước bởi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cao hơn nhiều so với tiền sử dụng khu vực biển và nếu giữ quy định như hiện nay thì thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sẽ chậm hơn từ 3 đến 4 năm cho một dự án đầu tư lấn biển.
Cấn trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Một nội dung quan trọng khác đang có nhiều ý kiến góp ý, đó là vấn đề trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.
Dự thảo Nghị định đang xây dựng đề xuất, nhà đầu tư dự án lấn biển được khấu trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Nhiều ý kiến đồng thuận cần thiết phải trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bởi nhà đầu tư mặc dù được giao đất, cho thuê đất nhưng thực chất chưa có đất trên thực tế mà phải đầu tư chi phí san lấp lấn biển để có mặt bằng quỹ đất để sử dụng.
Về nguyên lý, chi phí lấn biển được kết dư trong giá đất vì khi định giá là căn cứ vào các yếu tố, trong đó có yếu tố quy hoạch và mặt bằng đã hoàn thiện (tương tự như giải phóng mặt bằng hiện nay).
Việc trừ chi phí san lấp lấn biển phải bảo đảm nguyên tắc không vượt quá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; trường hợp vượt qua sẽ được tính vào chi phí đầu tư của dự án.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng không nên trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; việc lựa chọn đầu tư lấn biển và bỏ chi phí lấn biển là việc nhà đầu tư phải cân nhắc, tính toán khi quyết định đầu tư dự án lấn biển theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu” và không nên có quy định này.
Bộ TN&MT cho rằng cần có quy định trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Chính sách này làm giúp thu hút các nhà đầu tư thực hiện lấn biển để tạo quỹ đất, không gian phát triển mới để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị ven biển trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư; tách bạch việc xác định chi phí lấn biển với việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà đầu tư phải nộp…
Trường hợp không trừ chi phí lấn biển thì sẽ không thu hút đầu tư thực hiện các dự án đầu tư lấn biển do nhà đầu tư vừa phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vừa phải đầu tư chi phí san lấp biển để được sử dụng đất.
Việt Nam hiện có khoảng 80 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành ven biển. Các dự án lấn biển quy mô lớn triển khai thuộc các tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Kiên Giang... Nhiều dự án lấn biển triển khai bài bản, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng có nhiều dự án lấn biển gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển... Tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch; nghiêm trọng hơn còn lợi dụng, biến tướng các dự án được phê duyệt để tiến hành lấn biển trái phép.