Giá thịt lợn tăng 15 - 25%
Theo Báo cáo nhanh tình hình thị trường một số mặt hàng phục vụ Tết Ất Tỵ ngày 27/01/2025 tức ngày 28 Tết âm Lịch của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhu cầu mua sắm Tết tại hầu hết các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng tương đối cao so với ngày thường trong ngày thứ ba của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cho đến hôm nay, việc mua sắm của người dân tập trung nhiều vào các loại thực phẩm tươi sống.
“Về giá cả, hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết không tăng đột biến. So với cùng kỳ năm trước, giá rau củ và một số loại hoa như cúc, ly, lay-ơn, hoa hồng rẻ hơn khoảng 5 - 10% năm trước và không xảy ra hiện tượng khan hiếm. Giá thịt lợn cao hơn khoảng 15 - 25% do giá lợn hơi trong cả năm 2024 giữ ổn định ở mức cao so với năm 2023”, báo cáo của Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Với mặt hàng thực phẩm tươi sống, càng cận Tết, giá cả tại chợ dân sinh có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ cao nhưng nguồn cung vẫn được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo đó, giá thịt lợn, thịt bò, cá thu (tại miền Nam) tăng nhẹ 5.000 - 10.000 đ/kg so với ngày hôm trước. Hiện giá thịt lợn phổ biến ở mức: Mông sấn 110.000 - 120.000 đồng/kg, giá thịt lợn thăn, ba chỉ 130.000 -160.000 đồng/kg. Thịt bò thăn loại I từ 250.000 -280.000 đồng/kg. Còn giá gà ta lông 120.000 - 150.000 đồng/kg; giá tôm lớt (loại 26-30 con/kg): 400.000 - 450.000 đồng/kg.
Còn với mặt hàng lương thực, giá cả các loại gạo tẻ thường, gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán có xu hướng ổn định so với ngày hôm trước. Theo đó, giá gạo tẻ chất lượng cao khu vực miền Bắc dao động từ 25.000 - 42.000 đồng/kg; khu vực miền Nam 22.000 - 38.000 đồng/kg. Giá gạo nếp khu vực miền Bắc 29.000 - 38.000 đồng/kg; miền Nam từ 27.000 - 34.000 đồng/kg.
Rau và hoa quả giá cả ổn định
Về các mặt hàng rau, củ, trái cây, mặc dù thời tiết chuyển rét, lạnh nhưng nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng nên giá cả ổn định. Giá một số loại rau củ hiện phổ biến như sau: bắp cải: 10.000 -15.000 đồng/cây, su hào: 5.000 đồng/củ, xà lách: 15.000 - 30.000 đồng/kg, cà chua: 10.000 - 15.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 15.000 - 20.000 đồng/kg, súp lơ: 10.000 - 15.000 đồng/cây...
Bên cạnh đó, giá một số loại trái cây ngon, được ưa chuộng để trưng cúng trong dịp Tết có xu hướng ổn định so với ngày hôm trước, riêng thanh long, cam canh giá có xu hướng tăng cục bộ tại một số khu vực. Cụ thể: Thanh long 60.000 - 90.000 đồng/kg; xoài cát 50.000 - 60.000 đồng/kg; cam canh 50.000 - 77.000 đồng/kg; bưởi diễn 20.000 - 25.000 đồng/kg, táo nhập khẩu 100.000 - 120.000 đồng/kg, chuối tiêu xanh 100.000 - 250.000 đồng/nải (tùy kích cỡ và tùy địa phương)...
Mặt hàng thực phẩm chế biến giá ổn định so với ngày 27 âm lịch do các cơ sở sản xuất, chế biến đã chuẩn bị nguồn hàng từ trước. Cụ thể: Giá giò lụa hiện phổ biến từ 150.000-170.000 đ/kg, giá giò bò khoảng 280.000-300.000 đồng/kg, giá bánh chưng giao động từ 50.000-70.000 đồng/cái (tùy vào kích cỡ, khối lượng).
Theo Vụ Thị trường trong nước, hiện nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn với nhiều mức giá khác nhau tùy theo thu nhập nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tại các siêu thị, vào ngày cận Tết (29 tương đương với 30 Tết) sẽ tiếp tục có các chương trình khuyến mại, giảm giá ngày cuối năm.
Bên cạnh đó với việc tăng cường thời gian phục vụ cũng như công bố lịch mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm hoặc mở cửa xuyên Tết như hệ thống siêu thị Aeon, Circle K... sẽ góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều.
“Dự kiến, nhu cầu và giá một số mặt hàng tươi sống tại các chợ giá có thể nhích nhẹ vào buổi sáng ngày 29 Tết, giá các mặt khác sẽ ổn định, giá cây cảnh có thể có xu hướng bắt đầu giảm”, Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm.