Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, cứ mỗi dịp cuối năm là háo hức đợi ngày cha kêu hai anh em tôi vào giường với đôi chân được rửa sạch sẽ. Cha bảo: “Ngồi phụ cha buộc bánh và học cách gói bánh cho quen. Mai này đặng mà làm…”. Lời cha dặn, vậy mà đến mấy chục năm sau, tôi mới được có dịp ngồi gói bánh và lâu lâu lại thẫn thờ nhớ hôm gói bánh cùng cha buổi nào.
Nhớ lại ngày xưa, bao giờ cha cũng gói hai cái bánh chưng nhỏ cho hai anh em tôi. Đó là cái háo hức mong chờ để suốt ngày anh em tôi ngồi canh bếp lửa. Khi bánh chín, mùi thơm nếp và lá chuối quyện với mùi trầm hương cha đốt lên thành nỗi nhớ da diết không nguôi. Khi bánh được vớt ra để vào rổ tre đã nguội, cha lấy hai cái bánh chưng nhỏ cho hai anh em. Đó là miếng bánh chưng mà cả năm ròng anh em tôi mới được ăn. Thơm dẻo, ngọt lừ trong miệng cho đến miếng bánh cuối cùng cứ dùng dằng chẳng muốn nuốt để giữ mãi hương vị ngọt ngào.
Ở miền Trung thường gói bánh chưng và bánh đòn. Bánh chưng vuông, hai chiếc được buộc mặt lưng lại với nhau gọi là cặp bánh. Bánh đòn bó tròn dài độ hai gang tay người lớn. Lúc cha tôi gói bánh thì đơn giản là gạo nếp chứ không có nhân hay có thêm đậu lạc như sau này.
Cha tôi vẫn dạy cách gói bánh chưng, phải chọn lá vừa độ khoảng hai gang tay với ba lớp lá chồng khít lên nhau theo hình vuông. Thông thường, mỗi chiếc bánh chưng là một bát gạo nếp, bánh đòn là ba bát (loại bát ăn cơm), là đủ.
Khi hai chiếc bánh được buộc áp lưng vào nhau thì cha mới đưa bánh cho anh em chúng tôi dùng dây lạt buộc thêm. Mỗi cặp bánh chưng được buộc 6 nuộc lạt nên nhìn rất chắc và đẹp mắt.
Với bánh đòn thì khác. Ba lớp lá được xếp cạnh dài gấp đôi. Ba bát nếp được cha đổ thanh đường dài theo chiều lá. Lớp lá được cha khéo léo cuộn tròn, gói gạo nếp vào trong và một sợi lạt được buộc giữa chiếc bánh. Sau đó, cha bẻ gấp ở một phía đầu chiếc bánh và để lên mâm theo chiều thẳng. Cha lấy gạo nếp cho vào gần đầy bánh rồi lắc nhẹ cho gạo nếp sít nhau. “Nếu gạo nếp chặt quá bánh sẽ nấu lâu chín và không ngon, nếu gạo lỏng thì bánh sẽ bị nhão. Chỉ cần lắc vài lần và ngón tay ấn nhẹ vào nếp là được", cha tôi vẫn dạy như vậy.
Khi bánh được buộc hai đầu, cha đưa cho anh em tôi buộc thêm dây lạt. Cứ mỗi chiếc bánh buộc khoảng 6 - 8 vòng dây lạt là chắc “như đòn bánh”. Mỗi nồi bánh được nấu từ 10 - 12 giờ đồng hồ trên bếp củi thì bánh chín mới ngon. Khi vớt bánh ra một lúc là cha lấy bánh đòn đặt lên mâm và lăn đều nhiều vòng. “Lăn như vậy thì bánh càng dẻo, càng ngon và để được lâu hơn", cha tôi dạy.
Bánh chín được vớt ra, cha lấy nước giếng đổ vào nồi nấu bánh. Nước luộc bánh thơm như nồi lá dược liệu, anh em tôi được cha lấy nước đó tắm gội cho người thơm tho, sạch sẽ và đó cũng là lần tắm cuối cùng trong năm, trước lúc đón giao thừa. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về cái ấm áp, thơm mùi lá, nếp thủa nào…
Bánh chưng hay bánh đòn được treo lên mái bếp hay đựng trong thúng tre cất vào rương (sập). Khi làm mâm cúng thì lấy ra, bánh chưng được tháo dây lạt, bóc hết lá và bày lên dĩa. Bánh đòn thì bóc lá đến đâu là cha lấy sợi lạt buộc bánh vòng qua bánh. Một đầu cha cắn vào miệng, tay cầm đầu kia kéo từ từ. Miếng bánh chưng tròn đều được xếp lên dĩa như những vòng hoa của đồng quê dâng lên trong những ngày đầu năm mới.
Bánh chưng, bánh đòn không có nhân thường ăn với dưa hành, kiệu mắm. Nhà nào sang hơn thì chấm với mật mía, đường…
Sau Tết, nếu bánh còn thì cũng chỉ để ở thúng. Vậy mà để được cả tháng giêng, tháng hai… mà bánh vẫn dẻo thơm chứ chẳng hề hấn gì. Nếu để thêm thì bánh có hiện tượng sượng (bà con vẫn gọi là bánh sống lại). Lúc đó, khi ăn thì chỉ cần cho vào nồi nấu lên, sôi nước một lúc là được. Miếng bánh lại thơm dẻo như bánh mới được mấy hôm qua.
Bây giờ, những ngày cận Tết, nhiều nhà đã tổ chức gói bánh. Nấu bánh để sống lại những ngày Tết xưa. Bánh chưng được gói trong khuôn gỗ nên nhanh hơn và bánh đòn cũng ít người gói. Anh Nguyễn Hương Giang, hàng xóm của tôi mấy năm nay đều gói bánh và nấu bánh ngay ở sân nhà. Anh bảo: “Dù vất vả chút nhưng rất vui. Nhu cầu ăn cũng chẳng bao nhiêu, nhưng đó là dịp để dạy con trẻ về phong tục, tập quán và những ngày tết xưa của ông bà”.
Bếp lửa cháy bập bùng, nồi bánh chưng sôi réo đã thành không gian ấm cùng cho mỗi gia đình quây quần bên nhau trước thềm năm mới và thầm nhắc những người đi xa chưa kịp về sum vầy.