| Hotline: 0983.970.780

Dự thảo Luật Thủ đô cần có cơ chế để Hà Nội thu hút nhân tài

Thứ Hai 13/11/2023 , 15:04 (GMT+7)

Để thu hút nhân tài, tìm kiếm nguồn nhân lực cho Thủ đô, Hà Nội cần thay đổi, bổ sung cơ chế hấp dẫn hơn nữa.

Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Một nội dung đáng lưu ý là việc đề xuất cơ chế đặc thù vượt trội để thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Thủ đô.

Nhiều bất cập trong quy định cũ

Chính phủ phân tích, hiện nay, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực của Thủ đô đang được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, để thu hút được người có năng lực, trình độ, Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”.

Thực tiễn triển khai chính sách này ở Hà Nội thời gian qua cho thấy các chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể để thu hút đầu vào; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến cũng như các điều kiện đãi ngộ khác; chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư.

Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như:

- Nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.

- Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như: tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. 

Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương các Thủ khoa xuất sắc để thu hút nhân tài.

Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương các Thủ khoa xuất sắc để thu hút nhân tài.

- Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách này, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng thì hầu hết chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo những quy định chung.

- Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND còn thấp. Ngoài ra, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác.

- Chưa thu hút được các nhóm đối tượng như: chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân… do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.

Kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.

Đại biểu Quốc hội hiến kế giúp Hà Nội thu hút nhân tài

Sửa đổi Luật Thủ đô về quy định thu hút nhân tài, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018), trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Vì vậy, quy định tại dự luật cần thể hiện tinh thần của các chính sách, định hướng đề ra đồng thời tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng.

Nêu ý kiến đóng góp, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, nội dung của Điều 17 của dự luật chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”. Do đó, rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.

Ngoài ra, các nội dung của dự thảo luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng...

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu). Ảnh: Quốc Hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu). Ảnh: Quốc Hội.

Có cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đề nghị nghiên cứu lại quy định tại khoản 2, Điều 17. Đại biểu cho rằng, dù có quy định 4 điểm liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, tuy nhiên, nội dung còn chung chung, không định hình được tiêu chí làm cơ sở áp dụng trong thực tiễn.

Thêm đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để Hà Nội không bị "chảy máu chất xám, song theo ông, phải xác định nhân tài đó là ai, tiêu chí nhân tài đó như thế nào.

"Nếu Hà Nội đề nghị hỗ trợ nhân tài cho sinh viên, học sinh nhưng lại không có tiêu chí sẽ dễ dẫn đến xin - cho, đưa con ông cháu cha vào và nói là nhân tài, rồi đưa đi học nước ngoài, khi về lại hoạt động không có hiệu quả", vị đại biểu lo ngại và đề nghị quy định rõ điều kiện này trong luật.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.