Yêu cầu phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng
Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo nêu rõ các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc nhập khẩu dứa tươi từ Sri Lanka.
Dứa là loại trái cây thứ hai của Sri Lanka được tiếp cận thị trường Trung Quốc, sau chuối được cấp phép vào năm 2015.
Giống dứa phổ biến nhất ở Sri Lanka là dứa Mauritius (“Nữ hoàng”). Loại quả có hình nón, lá có gai, thịt màu vàng vàng, hương thơm đậm đà và ngọt.
Mặc dù Sri Lanka có hơn 100 loại trái cây ăn quả nhưng ngành nông nghiệp của nước này vẫn kém phát triển, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch đáng kể, năng suất thấp và không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Chuối Sri Lanka đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc gần 1 thập kỷ trước nhưng các lô hàng xuất khẩu thực tế gần như không có.
Welly Soegiono, Giám đốc quan hệ doanh nghiệp của Giant Pineapple (GGP) - nhà sản xuất dứa đóng hộp tư nhân hàng đầu Indonesia nhận định: “Sản lượng dứa nội địa của Trung Quốc rất hạn chế nên tiềm năng nhập khẩu dứa nhập khẩu là rất lớn”.
Tháng 5/2023, Chương trình Hợp tác Nam - Nam của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã khởi động một dự án mới ở Sri Lanka với ngân sách 1,5 triệu USD.
Sáng kiến này nhằm mục đích cải thiện sản xuất và thương mại hóa chuỗi giá trị trái cây Sri Lanka, nâng cao chất lượng và tăng giá trị thị trường của ngành này. Trong thời gian hai năm rưỡi, dự án sẽ được thực hiện trên 5 vùng ở Sri Lanka, tập trung vào cải thiện sản xuất, năng suất và thương mại hóa 3 loại cây ăn quả quan trọng của địa phương, gồm chuối, xoài và dứa.
Thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc nêu chi tiết về các loài dịch hại kiểm dịch cần quan tâm, gồm ốc sên khổng lồ châu Phi (Lissachatina fulica), bọ trĩ (Frankliniella schultzei), rệp sáp (Paracoccus maratus), rệp sáp giả (Pseudococcus viburni), rệp sáp mềm nâu (Coccus hesperidum), cỏ lồng vực (Echinochloa crus-galli), cỏ couchgrass Đông Phi (Digitaria abyssinica), bệnh héo đốm và bệnh thối nhũn do vi khuẩn Dickeya Dadantii gây ra.
Theo quy định kiểm dịch thực vật, các vườn cây có ý định xuất khẩu dứa tươi sang Trung Quốc phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc toàn diện dưới sự giám sát của Sri Lanka cũng như thực hiện các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt và kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp.
Trong quá trình đóng gói, phải sử dụng các quy trình như phân loại, sàng lọc, chà rửa thủ công hoặc làm sạch bằng tia nước áp suất cao để đảm bảo trái cây và thân quả không có các chất gây ô nhiễm tiềm ẩn như côn trùng, ve, ốc sên, hư hỏng, tàn dư thực vật và đất…
Trong 2 năm đầu tiên sau khi bắt đầu thương mại, chính quyền Sri Lanka được yêu cầu lấy mẫu từng lô hàng, kiểm tra không dưới 2% mỗi lô. Nếu không có vấn đề kiểm dịch thực vật nào phát sinh trong khoảng thời gian 2 năm này, tỷ lệ lấy mẫu có thể giảm xuống 1%. Tuy nhiên, nếu phát hiện bất kỳ loài gây hại kiểm dịch nào đáng lo ngại, toàn bộ lô hàng đó có thể không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hơn nữa, tùy theo tình hình, các vườn cây ăn trái và nhà máy đóng gói có liên quan có thể bị đình chỉ xuất khẩu dứa sang Trung Quốc trong thời gian còn lại của vụ xuất khẩu.
Chính quyền Sri Lanka cũng phải nỗ lực xác định nguyên nhân cơ bản và thực hiện các biện pháp hiệu quả, cũng như lưu giữ hồ sơ và cung cấp cho chính quyền Trung Quốc khi được yêu cầu.
Thị trường 39,13 tỷ USD vào năm 2029
Hiện nay trên thế giới có khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trồng dứa. Tổng diện tích trồng dứa trên toàn cầu hơn 400.000 ha, chủ yếu phân bố ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi.
Top 10 nhà sản xuất dứa hàng đầu là Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nigeria, Costa Rica, Mexico, Indonesia và Kenya. Sản lượng của những quốc gia này chiếm khoảng 73% tổng sản lượng dứa toàn cầu.
Thị trường dứa toàn cầu đang dần mở rộng đáng kể, với dự đoán cho thấy mức tăng trưởng từ 27,08 tỷ USD năm 2023 sẽ lên 28,7 tỷ USD trong năm 2024, ước tính đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2028 và 39,13 tỷ USD vào năm 2029, phản ánh tốc độ CAGR 6,33% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029). Trong đó, thị trường có tiềm năng lớn nhất là châu Á - Thái Bình Dương.
Costa Rica, Indonesia và Philippines là ba nước sản xuất dứa hàng đầu trên thế giới trong năm 2021, trong đó riêng Costa Rica đã sản xuất được 2,9 triệu tấn. Các quốc gia này sản xuất trái cây chủ yếu cho thị trường trái cây tươi và công nghiệp chế biến.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Nhu cầu tiêu thụ dứa có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tại châu Á, các thị trường có khối lượng tiêu thụ dứa cao nhất năm 2018 là Philippines 2,3 triệu tấn, Thái Lan 2,1 triệu tấn và Indonesia 1,8 triệu tấn, chiếm 53% tổng lượng tiêu thụ. Theo sau là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, cùng chiếm thêm 38%.
Xét về mặt giá trị, các thị trường dứa lớn nhất ở châu Á là Thái Lan 3 tỷ USD, Trung Quốc 2,2 tỷ USD và Philippines 1,9 tỷ USD, chiếm 59% thị phần. Tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan cùng chiếm thêm 34%.
Châu Á là khu vực sản xuất và tiêu thụ dứa lớn nhất thế giới, do lượng tiêu thụ nội địa lớn và diện tích trồng dứa cao nhất. Năm 2021, Indonesia là nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực với 2,88 triệu tấn, tiếp theo là Philippines với 2,86 triệu tấn và Ấn Độ với 1,7 triệu tấn.
Indonesia đang đẩy mạnh xuất khẩu dứa sang thị trường Trung Quốc. Tháng 8/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành một nghị định thư mới, trong đó phê duyệt xuất khẩu dứa tươi của Indonesia sang Trung Quốc nếu đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Welly Soegiono, Giám đốc quan hệ doanh nghiệp của Giant Pineapple (GGP) - nhà sản xuất dứa đóng hộp tư nhân hàng đầu Indonesia cho hay: “Ngay sau khi dứa tươi của Indonesia được tiếp cận chính thức vào thị trường Trung Quốc, chúng tôi đã bắt đầu trồng thêm dứa để tăng cường năng lực sản xuất”.
Soegiono nhận định, sản lượng dứa nội địa của Trung Quốc rất hạn chế nên tiềm năng nhập khẩu dứa nhập khẩu là rất lớn.
Tổng diện tích dứa ở Sri Lanka đạt khoảng 4.750 ha, sản xuất tổng cộng 35.000 tấn/năm, 70% trong số đó được sản xuất ở các quận Kurunegala và Gampaha. Trong khi đó, sản lượng dứa của Việt Nam năm 2022 đạt 705.000 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu dứa là 673 triệu USD.
Dự kiến, sản lượng dứa của Việt Nam sẽ đạt 807.000 tấn vào năm 2026. Con số này tăng so với mức 726.000 tấn vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng trung bình 1,8% mỗi năm. Kể từ năm 1966, nguồn cung của Việt Nam đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hiện nay dứa của Việt Nam vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Thị trường dứa có rất nhiều cơ hội do nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, nhận thức về sức khỏe ngày càng tăng cũng như các khoản đầu tư đáng kể từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ dứa không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn cầu được dự báo sẽ còn tăng bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe cùng với việc chuyển sang chế độ ăn thuần chay. Bên cạnh đó, bột dứa có thời hạn sử dụng lâu hơn và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, dược phẩm... Đây sẽ là cơ hội cho các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dứa, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, gặt hái thành công từ "quả ngọt".
Tổng diện tích dứa ở Sri Lanka đạt khoảng 4.750 ha, sản xuất 35.000 tấn/năm. Trong khi đó, theo Reportlinker, sản lượng dứa của Việt Nam năm 2022 đạt 705.000 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 673 triệu USD. Dự kiến, sản lượng dứa của Việt Nam sẽ đạt 807.000 tấn vào năm 2026.